Khủng hoảng nợ công đe dọa kinh tế Mỹ và ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu

Phạm Huân - Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -  Nếu mức trần nợ không được nâng lên, Chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng tới.

Dự kiến đầu tuần tới, cuộc họp tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ hàng đầu của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về vấn đề nợ công sẽ diễn ra, tại Washington. Đây là cuộc họp thứ 2 giữa 2 bên trong vòng vài ngày qua để tránh cho nền kinh tế số 1 thế giới lâm vào suy thoái sâu hơn, và tránh tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu.

Nền kinh tế Mỹ chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1 vừa qua và bộ Tài chính nước này đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên, Chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng tới.

Khủng hoảng nợ công đe dọa kinh tế Mỹ và ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu - ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty Images

Cuộc đối đấu quyết liệt

Theo luật của Mỹ, trần nợ công hay giới hạn nợ là mức trần pháp lý về số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay. Mỗi khi khối nợ của chính phủ Mỹ đạt đến mức trần, việc tăng trần nợ công sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội, và cần phải đạt được sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện.

Năm nay, Quốc hội Mỹ lại một lần nữa rơi vào cuộc tranh cãi quen thuộc: đàm phán nâng trần nợ công. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Kể từ năm 1960 tới nay, Quốc hội Mỹ đã 78 lần nâng trần nợ, trong đó, phần lớn diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, những năm gần đây, cuộc đàm phán nâng trần nợ đã trở thành một chu kỳ nguy hiểm, khi hai đảng sử dụng vấn đề này để củng cố vị thế chính trị của mình.

Những gì đang diễn ra cho thấy đúng như vậy. Phe Cộng hòa đòi hỏi một bộ chính sách lớn để đổi lấy cái gật đầu nâng trần nợ. Cụ thể, vào tuần trước, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm thế đa số đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với đó phải là dự luật “Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm và Tăng trưởng” nhằm cắt giảm 1,47 nghìn tỷ USD trong năm tài khóa tới và giới hạn tăng chi tiêu ở mức 1% mỗi năm sau đó. 

Điều kiện này bị Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ phản đối kịch liệt. Bởi Dự luật trên đồng nghĩa với việc chấm dứt chương trình xóa, giảm nợ ăn học cho sinh viên, một chính sách quan trọng của Tổng thống Biden; đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với các chương trình phúc lợi của Chính phủ như Medicaid; rút lại nhiều kế hoạch đầu tư trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà ông Biden khởi xướng, trong đó có cắt giảm tín dụng thuế năng lượng sạch….

Để tránh nguy cơ vỡ nợ, hôm thứ ba vừa qua (9/5), Tổng thống Joe Biden đã gặp các lãnh đạo hàng đầu của quốc hội như Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, thành viên đảng Cộng hòa; lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries; lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell. Tuy nhiên, cuộc thảo luận không đạt kết quả. Tổng thống và các thành viên đảng Dân chủ kêu gọi Quốc hội tăng trần nợ của chính phủ liên bang mà không đi kèm điều kiện. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố, Hạ viện sẽ không thông qua bất kỳ thỏa thuận nào nếu chính phủ không cắt giảm chi tiêu.

Dự kiến ban đầu, hôm nay (12/5), Tổng thống Joe Biden sẽ gặp lãnh đạo đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở lưỡng viện để thảo luận tiếp về việc nâng trần nợ công, song cuộc họp đã bị hoãn; thay vào đó là cuộc thảo luận giữa các nhân viên của Quốc hội và các quan chức hành chính.

Suy thoái nền kinh tế Mỹ và tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu

Theo giới chuyên gia, nếu Mỹ vỡ nợ dài hạn, hơn 8 triệu người có thể mất việc, GDP giảm 6,1 điểm % và thị trường chứng khoán “bốc hơi” gần một nửa giá trị. Đối với trường hợp vỡ nợ ngắn hạn, nền kinh tế sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,3 điểm phần trăm và GDP suy giảm 0,6 điểm %.

Hơn thế, việc Mỹ vỡ nợ có thể khiến quá trình suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn, đặc biệt là trong bối cảnh các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát đã làm tăng chi phí đi vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời làm chậm hoạt động cho vay của ngân hàng.

Trên bình diện quốc tế,  việc nước Mỹ vỡ nợ có thể tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu, vốn trong thời điểm nhạy cảm khi đang mất ổn định hậu khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ các vụ đổ vỡ ngân hàng vừa qua. Vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và hơn một nửa số dự trữ ngoại tệ của thế giới là đồng USD nên bất kỳ tác động nào đến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ đều có thể khiến các nhà đầu tư bán trái phiếu kho bạc Mỹ và do đó làm suy yếu đồng USD. Giá trị của đồng tiền này giảm đột ngột sẽ khiến các nền kinh tế kém và đang phát triển có nợ công cao phải trả nợ nhiều hơn, các khoản nợ bằng ngoại tệ khác cũng tăng lên khiến các nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ.

Đối với giới đầu tư và các nước đang nắm giữ trái phiếu dài hạn của chính phủ Mỹ, nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, các trái phiếu này sẽ mất giá nghiêm trọng, khiến giá trị tài sản của các bên nắm giữ thông qua trái phiếu Mỹ cũng giảm theo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh đàm phán nâng trần nợ công Mỹ là vấn đề quan trọng nhất mà ông quan tâm hiện nay, lớn hơn cả việc tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền Công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sắp diễn ra tại Nhật Bản. Khẳng định này phần nào cho thấy rõ tháo gỡ nút thắt của vấn đề nợ công có vai trò quan trọng như thế nào đối với nước Mỹ cũng như với kinh tế toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu