Điện Biên Phủ - Điểm hẹn hòa bình, hữu nghị và hợp tác”

Phòng BTC- VOV5
Chia sẻ
(VOV5) - Điện Biên Phủ từ “điểm hẹn chiến tranh”, nay thực sự trở thành “điểm hẹn của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.  

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là một đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng vĩ đại này giáng một đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau 70 năm kể từ chiến thắng vĩ đại đó, những ngày này, mảnh đất Điện Biên Phủ vẫn mang trong mình sứ mệnh lịch sử, tiếp tục là nơi ươm mầm hạnh phúc, mở ra những chặng đường hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam.

 Nghe âm thanh chương trình tại đây:  

Chiến thắng Điện Biên Phủ -mốc vàng trong lịch sử dân tộc

Những ngày này, nhiều người Việt Nam và người nước ngoài, trong đó có nhiều cựu chiến binh, du khách, các thế hệ thanh thiếu niên, trong đó có cả những người Pháp, đã đến Điện Biên phủ, vùng lòng chảo cách Hà Nội 455 km về phía Tây Bắc, để hiểu thêm về chiến thắng Điện Biên Phủ và cách mà quân và dân Việt Nam đã làm lên chiến thắng lịch sử này. Và rồi những điều mắt thấy, tai nghe đã giúp họ hiểu về tầm vóc vĩ đại và giá trị to lớn của chiến thắng Điện Biên phủ.

Trong bối cảnh mà tương quan lực lượng giữa ta và Pháp hết sức khó khăn thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là người dám đánh và làm cho cả dân tộc mình dám đánh với một cái ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn hòa bình, hữu nghị và hợp tác” - ảnh 1Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: NSNA Triệu Đại/Tư liệu TTXVN

Với việc thay đổi phương châm tác chiến, từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc, rõ ràng chúng ta đã hoàn toàn chủ động để tiến hành mở chiến dịch tấn công vào một tập đoàn cứ điểm được cho ở mạnh nhất ở Đông Dương lúc bấy giờ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới:

Giá trị lớn nhất của chiến thắng Điện Biên Phủ là chứng minh cho nhân loại biết dù một dân tộc bị áp bức, một dân tộc nhỏ hơn nhưng biết đoàn kết, biết phát huy sức mạnh truyền thống dưới một đường lối lãnh đạo đúng đắn, thì có thể giành thắng lợi.

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn hòa bình, hữu nghị và hợp tác” - ảnh 2Những ngày này, nhiều du khách đến Điện Biên Phủ để hiểu thêm về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: VOV

Chiến thắng Điện Biên Phủ là lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bởi vì, lần đầu tiên một dân tộc nhỏ bé đã đánh bại một đất nước thực dân hùng mạnh. Trong lịch sử nhân loại chưa có điều đó. Những câu “Việt Nam”, “Hồ Chí Minh”, “Điện Biên Phủ”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” đã trở thành khẩu hiệu, niềm tin, lý tưởng, là động lực cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Mang tầm vóc thời đại, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa to lớn, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đi đến nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn hòa bình, hữu nghị và hợp tác” - ảnh 3Về kinh tế-thương mại, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu. Trong ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Pháp diễn ra tháng 4/2023. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Ông Bùi Viết Trung, Khoa nghiên cứu lịch sử Đảng, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, cho rằng: "Ở trong nước, chúng ta đã hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Bắc, bảo vệ vững chắc thành quả của cuộc cách mạng tháng Tám, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân, nhà nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ cơ bản hoàn thành."

Tinh thần bất diệt của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh nội lực để Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Việt Nam và Cộng hòa Pháp cùng hướng tới tương lai

"Dù Điện Biên Phủ là một ký ức không vui đối với quân đội Pháp nhưng trong 70 năm qua, đặc biệt kể từ khi Việt Nam và Cộng hòa Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1973) và hơn 10 năm, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược (2013), Việt Nam và Pháp hiện tại là những đối tác chiến lược quan trọng của nhau, hợp tác mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực và chia sẻ nhiều tầm nhìn chung về tương lai."

Về mặt chính trị, các cơ chế trao đổi trên 4 lĩnh vực trụ cột của Đối tác chiến lược Việt-Pháp là: chính trị - ngoại giao; quốc phòng - an ninh; kinh tế, thương mại và đầu tư; văn hóa, giáo dục - đào tạo được đẩy mạnh và đang đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển tương lai. Về kinh tế-thương mại, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu. Kim ngạch thương mại Việt–Pháp tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn 2011-2019 và đạt mức 4,8 tỷ USD trong năm ngoái. Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,8 tỷ USD. 

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn hòa bình, hữu nghị và hợp tác” - ảnh 4Ông Herve Conan, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt NamẢnh: Xuân Khu/TTXVN

Đáng chú ý, hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước ngày càng hướng đến các lĩnh vực chuyên sâu, công nghệ cao và có tính bổ trợ lẫn nhau. Ông Herve Conan, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, cho biết trong hơn 30 năm qua AFD đã huy động được hơn 2,6 tỷ euro (gần 2,8 tỷ USD) cho hơn 100 dự án hỗ trợ phát triển tại Việt Nam và các hợp tác ngày càng hướng đến những mục tiêu tham vọng hơn trong tương lai:

“Nếu như ban đầu là trong lĩnh vực phát triển nông thôn, hỗ trợ xoá đói giảm nghèo, thì hiện nay hợp tác đã được đa dạng hoá sang nhiều lĩnh vực đô thị khác. Sự hỗ trợ của AFD không chỉ là cung cấp tài chính cho các dự án mà còn là cung cấp kiến thức chuyên môn và thúc đẩy trao đổi ngang hàng, cung cấp kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm của Pháp để Việt Nam có thể lựa chọn con đường phát triển của mình”

Bà Marie Christine Oghly, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) vùng thủ đô Ile-de France (Pháp), đánh giá hợp tác kinh tế Việt-Pháp còn dư địa phát triển rất lớn, bởi tiềm năng đang được khai phóng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu:

“Việt Nam là quốc gia quan trọng trong hợp tác ngoại giao và kinh tế với Pháp và tại CCI Ile-de France, chúng tôi luôn tìm cách thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ này. Mối liên hệ giữa chúng tôi với Việt Nam hết sức mạnh mẽ và mối quan tâm của các doanh nghiệp Pháp với Việt Nam chưa bao giờ suy giảm, bởi Việt Nam đã hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Trong quan hệ tốt đẹp Việt-Pháp, hợp tác giữa các địa phương 2 nước được xem là nhân tố độc đáo và hết sức thành công, thông qua cơ chế tổ chức các Hội nghị Hợp tác địa phương luân phiên 2 năm/lần tại mỗi nước. Đã có 12 Hội nghị như trên được tổ chức, tạo nền tảng cho hàng trăm dự án hợp tác trực tiếp giữa các địa phương hai nước. Phó Thị trưởng thành phố Nantes (Pháp), ông Aymeric Seassau, cho biết:          “Việt Nam là quốc gia lớn trong khối Pháp ngữ mà chúng tôi mong muốn làm sâu sắc hơn các trao đổi. Chúng tôi luôn sẵn sàng cùng chính phủ Việt Nam thúc đẩy mọi hợp tác về văn hóa, kinh tế mà Việt Nam thấy cần thiết, cũng như làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị Việt-Pháp”.

Ông Philippe Pradal, nghị sĩ quốc hội Pháp, nguyên Phó Thị trưởng thành phố Nice, chia sẻ quan điểm trên: “Có một thiện chí hợp tác rất lớn, thể hiện qua các thỏa thuận hợp tác giữa trường Đại học Nice và các trường đại học ở Việt Nam. Cơ sở cho việc hợp tác là chúng tôi biết rõ về nền văn hóa lớn của Việt Nam và giữa hai nước có một lịch sử chung. Tại Pháp, nền văn hóa Việt Nam là 1 trong những nền văn hóa nổi tiếng, được nhận diện và được tôn trọng”.

Với sự phát triển sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực, hợp tác Việt-Pháp giờ đây đang hướng tới tương lai với tham vọng và tầm nhìn lớn hơn. Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet, điều quan trọng là 2 bên đã hoàn toàn vượt qua được những ký ức khó khăn của quá khứ, thể hiện ở việc tại Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Điên Phủ (1954-2024), Bộ trưởng Quân đội Pháp và Quốc Vụ khanh Pháp phụ trách Cựu Chiến binh và Ký ức trực tiếp tham dự. Đại sứ Brochet chia sẻ: “Tôi tin rằng đây là thời khắc rất quan trọng đối với quan hệ song phương vì thông qua sự kiện này, chúng ta không chỉ thể hiện cho người Việt Nam và người Pháp, mà là toàn thế giới biết rằng chúng ta có thể cùng nhau nhìn lại quá khứ, chấp nhận quá khứ và 70 năm sau, chúng ta đã trở thành những người bạn, cùng đứng trên chiến trường xưa để xây dựng tương lai".

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn hòa bình, hữu nghị và hợp tác” - ảnh 5Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet. Ảnh: TTXVN

Khi nhìn lại lịch sử quan hệ Việt-Pháp trong hơn nửa thế kỷ qua, ông Benoit Guidée, Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ Ngoại giao Pháp, cho rằng Pháp có một mối liên hệ với Việt Nam lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á-Thái Bình Dương, là mối liên hệ con người. Mối liên hệ này đã được thử thách bởi thăng trầm lịch sử nên sẽ là nhân tố đảm bảo quan hệ Việt-Pháp vững chắc trong tương lai.

Điện Biên Phủ- nơi ươm mầm tình yêu cùng khát vọng hòa bình

"Đúng như ông Benoit Guidée, Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ Ngoại giao Pháp, Pháp có một mối liên hệ với Việt Nam lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á-Thái Bình Dương và đó là mối liên hệ giữa con người với con người. Mùa hoa ban nở ở Điện Biên Phủ tháng 3  năm nay, mối lương duyên của đôi bạn Việt – Pháp cũng đã đơm hoa kết trái, cho thấy Điện Biên Phủ, chiến trường ác liệt năm xưa, nay trở thành nơi mầm tình yêu, hạnh phúc lứa đôi và khát vọng hòa bình."

Trong dòng người đến Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên phủ dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ có những vị khách thật đặc biệt: hai gia đình Việt – Pháp. Họ đến đây thăm Bảo tàng trước khi tổ chức đám cưới cho đôi bạn trẻ Trần Ngọc Quỳnh Anh và Guillaume Richard. Đây cũng chính là nơi khởi nguồn cho tình yêu của hai bạn cách đây 7 năm khi Quỳnh Anh tham gia  làm tình nguyện viên ở Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn hòa bình, hữu nghị và hợp tác” - ảnh 6Cô dâu Trần Ngọc Quỳnh Anh và chú rể Guillaume Richard cùng gia đình 2 bên trong ngày cưới tại Điện Biên. Ảnh: VOV

Quỳnh Anh tâm sự: "Tụi em gặp nhau khi anh ấy đến đây du lịch. Chúng em đã trao đổi rất nhiều về lịch sử, văn hóa. Gia đình của anh ấy là gia đình có truyền thống yêu hòa bình. Trong chiến tranh Đông Dương, ông bà nội anh ấy có tham gia vào các phong trào đình công, bãi công để phản đối chiến tranh. Ở chúng em có một điểm chung là yêu chuộng hòa bình. Đối với chúng em, đây là mảnh đất nơi em sinh và cũng là nơi bắt đầu mọi thứ."

Những câu chuyện lịch sử hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu – chấn động địa cầu” cách đây gần 2/3 thế kỷ, những kỷ vật lịch sử trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã thắp lên tình yêu trong hai bạn, xóa bỏ mọi khoảng cách về địa lý, sắc tộc và những quá khứ trong chiến tranh.

Chàng rể Việt, Guillaume Richard tâm sự: "Đúng là định mệnh cuộc đời đã đưa chúng tôi đến với nhau và tổ chức đám cưới đúng vào dịp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tình yêu của chúng tôi bắt đầu khi tôi lựa chọn đến thăm địa điểm lịch sử đặc biệt này giữa nước Pháp và Việt Nam. Sau đó chúng tôi yêu nhau 4 năm, xa cách bởi khoảng cách địa lý và Covid-19, nhưng khi Quỳnh Anh sang Pháp học tập và chúng tôi cùng nhau quyết định đi đến đám cưới. Thực sự đó là định mệnh."

Chú rể Guillaume quyết định đưa ông bà nội từ Pháp tới quê hương của cô dâu ngay trước ngày cưới, thăm các di tích lịch sử như một cách để gắn kết tình cảm giữa hai gia đình, để hiểu hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng. Đó cũng là điều mà bậc sinh thành của Quỳnh Anh, ông Trần Ngọc Sương, cùng ông nội của Guillaume, Michel Gagne Richard mong muốn:

"Sau 50 năm, quan hệ Việt – Pháp đã đưa chúng ta sang một chặng đường mới. Chiến tranh đã lùi về quá khứ. Chúng ta không quên được chiến tranh bởi vì các thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta đã phải hy sinh. Có được ngày vui và hạnh phúc hôm nay, cái giá phải trả là máu và nước mắt nên chúng tôi hết sức trân trọng. Hy vọng qua chuyến đi này, ông bà thông gia sẽ hiểu biết về Điện Biên, về Việt Nam."

"Chúng tôi rất yêu quý Quỳnh Anh ngay khi cô bé đến với gia đình. Cô ấy rất đáng yêu và cả gia đình thông gia cũng rất dễ mến và hòa hợp với chúng tôi. Rồi tôi nghĩ đến lịch sử đặc biệt giữa hai đất nước và truyền thống yêu chuộc hòa bình của gia đình chúng tôi. Chúng tôi đã xuống đường nhiều lần để phản đối chiến tranh trên thế giới. Thực sự là duyên số đã gắn kết giữa cháu tôi với cô gái trẻ đáng yêu trong gia đình cách mạng ở Điện Biên, như một sự gắn kết và hòa hợp giữa hai đất nước chúng ta và mở ra một tương lai đầy hy vọng."

Câu chuyện tình yêu của cô dâu người Việt và chú rể người Pháp rõ ràng cho thấy Điện Biên Phủ chính là nơi khởi nguồn của con đường hòa bình, hạnh phúc và hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp.

70 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Việt Nam và Pháp đã vĩnh viễn “gác lại quá khứ” để hướng tới tương lai. Điện Biên Phủ từ “điểm hẹn chiến tranh”, nay thực sự trở thành “điểm hẹn của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.  

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu