Tri ân những nhà giáo Nga trao truyền tri thức và lẽ sống

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Nước Nga, các thầy giáo, cô giáo Nga là chủ đề xuyên suốt và không vơi cạn trong câu chuyện của các cựu sinh viên có mái tóc đã pha sương.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam vừa trao Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” cho bà Irina Kraevna, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Moskva.

Đây là phần thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp của bà hiệu trưởng và nhà trường trong việc đào tạo sinh viên, cán bộ cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhân dịp này, một buổi gặp mặt giữa phái đoàn từ Nga sang và các thế hệ sinh viên Việt Nam tại trường đã diễn ra trong bầu không khí ấm cúng thắm tình Việt – Nga. 

Tri ân những nhà giáo Nga trao truyền tri thức và lẽ sống - ảnh 1 Các cựu sinh viên học tập tại Nga chụp ảnh cùng đoàn đại biểu  Trường Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Moskva

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đây là buổi giao lưu giữa các cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại trường Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Moskva với phái đoàn Nga do bà Irina Kraevna, Hiệu trưởng nhà trường dẫn đầu diễn ra tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Đại diện Hội hữu nghị Việt-Nga, Hiệp hội cựu sinh viên Việt Nam tại Nga và gần 200 cựu sinh viên Việt Nam với ba thế hệ từng học tập và làm việc tại nước Nga đã tề tựu tham gia buổi gặp mặt. Ông Nguyễn Minh Quang, 70 tuổi, tâm sự, vừa bước vào gian phòng, nổi bật trên phông chính giữa sân khấu là hình ảnh về mái trường mà ông đã từng gắn bó một thời tuổi trẻ. Một cảm giác xúc động, nôn nao khó tả: “Chúng tôi đã trải qua những năm tháng thanh xuân đẹp nhất ở nước Nga. Chúng tôi đã từng được các thầy cô ở trường dạy dỗ, dạy cả tri thức ngôn ngữ, tri thức văn hóa, cả về cách sống. Và từ đó đã giúp mình trưởng thành, trở thành công dân tốt của đất nước mình’.

Tri ân những nhà giáo Nga trao truyền tri thức và lẽ sống - ảnh 2

Nước Nga, các thầy giáo, cô giáo Nga là chủ đề xuyên suốt và không vơi cạn trong câu chuyện của các cựu sinh viên có mái tóc đã pha sương. Ông Nguyễn Xuân Hồng, đã học tại trường từ năm 1968-1973, nhớ lại: “Tình cảm sinh viên Việt Nam đối với các thầy cô rất là lớn. Hồi đấy khi chúng tôi học, ở trong nước, chiến tranh chưa kết thúc. Chúng tôi học khóa 1968 – 1973. Trước khi vào học, bà giáo hỏi: Ở Việt Nam tình hình thế nào? Gia đình các bạn ra sao? Có ai bị thương hay hy sinh không? Việt Nam còn đang chiến tranh cho nên các bà giáo rất thương. Đấy là những cảnh tượng sâu sắc về những bà giáo dạy tiếng Nga”.

Tri ân những nhà giáo Nga trao truyền tri thức và lẽ sống - ảnh 3 Ông Trịnh Trang phát biểu tại buổi gặp mặt

Ông Trịnh Trang, nguyên Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt – Nga, kể sau những giờ học tiếng trên lớp, các thầy giáo, cô giáo Nga lại đưa sinh viên Việt đi ngoại khóa, ra nhà ga, đến nhà hát tham quan và luyện giao tiếp bằng ngôn ngữ Nga. Ông Trịnh Trang nhận định, thời gian sống ở nước Nga, ăn bánh mỳ Nga nên các sinh viên Việt Nam như ông đã được nuôi dưỡng bằng tình hữu nghị giữa hai nước.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, trường Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Moskva là một trong những trường đào tạo hàng đầu về ngôn ngữ Nga của nước Nga và thế giới thời bấy giờ. Trường bắt đầu đào tạo thế hệ cán bộ ngôn ngữ tiếng Nga cho Việt Nam từ khoảng những năm 60 của thế kỷ 20 và trong những năm này đã đào tạo cho Việt Nam được hơn 200 cán bộ. Đa phần những sinh viên Việt Nam được đào tạo ở trường, khi về nước, trong mỗi cương vị công tác của mình, là phiên dịch, giáo viên hay giảng viên, bằng hình thức này hay hình thức khác, có những đóng góp nhất định vào mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Tri ân những nhà giáo Nga trao truyền tri thức và lẽ sống - ảnh 4 Ông Vũ Xuân Hồng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao kỷ niệm chương của Liên hiệp tặng bà Irina Kraeva, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Moskva.

Tri ân các giáo viên đã từng dìu dắt, giúp đỡ các thế hệ sinh viên người Việt học tập, có kiến thức tốt để trở về cống hiến cho quê hương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” cho bà Irina Kraeva, Hiệu trưởng nhà trường. Bà Irina Kraeva bày tỏ niềm vui khi nhận được phần thưởng cao quý này: “Giáo dục và đào tạo ở nước Nga hướng vào một số mục tiêu đó là đào tạo nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học và giáo dục đời sống tinh thần cho con người. Với chúng tôi, việc học là quan trọng. Ngoài ra, một việc không kém phần quan trọng nữa, đó chính là củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Đây là công việc và trách nhiệm của chúng ta”.

Tri ân những nhà giáo Nga trao truyền tri thức và lẽ sống - ảnh 5 Bà Phan Thùy Phương (bên trái) say sưa hát cùng ca sĩ những bài hát Nga

Với bà Phan Thùy Phương, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang, đã nghỉ hưu được sáu năm, mỗi lần nói đến nước Nga là trong lòng bà tràn ngập bao nhiêu kỷ niệm. Nước Nga là tình yêu, là tuổi trẻ của bà. Và đây cũng là nơi chứng kiến ngày bà lập gia đình riêng. Khi biết có buổi gặp gỡ các cựu sinh viên đã từng học tập tại Nga với phái đoàn trường Trường Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Moskva, bà đã bay ngay từ Nha Trang ra gặp. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén, bà đã lên sân khấu, cầm micro, hát những ca khúc Nga da diết ân tình như cách đây hơn 40 năm bà đã từng hát trong các hội diễn sinh viên ở Nga: “Cứ nói đến nước Nga, tự nhiên cho mình có một nội lực và mình có thể hát thâu đêm suốt sáng không có cảm giác mệt. Vào bối cảnh như thế này, tự nhiên tất cả mọi cái vào đầu giống như mình tua lại một cuốn phim nên mình nhớ. Chứ như bình thường, chưa chắc mình đã hát được như vậy”.

Tri ân những nhà giáo Nga trao truyền tri thức và lẽ sống - ảnh 6 NSND Quang Thọ thể hiện nhiều ca khúc Nga trong buổi gặp mặt này.

Những giai điệu Nga đưa các cựu sinh viên Việt về lại với những kỷ niệm không quên trong những tháng năm đẹp đẽ của tuổi trẻ ở xứ sở Bạch Dương. Ông Trịnh Trang mong mỏi có một phương cách nào đó để làm sao truyền ngọn lửa tình yêu nước Nga cho lớp trẻ sau này: “Văn hóa của nước Nga vô cùng phong phú ví dụ như hội họa, ba lê v.v. Nhưng mặt quan trọng nhất là cần học tâm hồn của người Nga. Tôi chỉ muốn khuyên thế hệ trẻ là hãy đến nước Nga vào màu hè, gặp gỡ với sinh viên Nga để giao tiếp với họ, học hỏi họ, qua đó thấy được phong tục tập quán, cách sống của họ. Không chỉ có sách vở không chỉ có kiến thức mà cách tư duy, cách làm việc là lẽ sống ở trên đời”.

Những năm tháng ở Nga đã giúp những cựu sinh viên Việt Nam hiểu về lịch sử, văn hóa và đặc biệt là tính cách con người Nga. Trở về Việt Nam gần nửa thế kỷ nhưng tâm hồn họ vẫn hướng đến nước Nga, nhân dân Nga hiền từ và đôn hậu với tình cảm trân trọng và kính mến.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu