Thỏa thuận Xanh - những kinh nghiệm từ EU tới Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh chúng tôi sẽ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Quá trình chuyển đổi sinh thái của nền kinh tế châu Âu thông qua Thỏa thuận Xanh châu Âu: tác động đối với Việt Nam và ASEAN như thế nào, những kinh nghiệm và ý tưởng, là nội dung Hội thảo Đêm ý tưởng được tổ chức với sự hợp tác của Cơ quan phát triển Pháp AFD và với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Thỏa thuận Xanh - những kinh nghiệm từ EU tới Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu - ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc họp báo công bố Thỏa thuận xanh tại Brussels, Bỉ ngày 11/12/2019 - Ảnh: THX/TTXVN

Thỏa thuận Xanh châu Âu là chiến lược phát triển mới của Châu Âu . Ủy ban Châu Âu đã đưa ra ba hành động cụ thể nhằm đưa ra cơ sở vững chắc cho thỏa thuận mới, đưa Châu Âu trở thành lục địa trung hòa phát thải carbon đầu tiên vào năm 2050: Lợi ích thực sự bao gồm không ô nhiễm, nguồn năng lượng an toàn và giá cả phải chăng, phương tiện vận chuyển thông minh hơn và thực phẩm chất lượng cao.

Ông Stéphane Crouzat, đại sứ Pháp về khí hậu, năng lượng tái tạo và phòng chống rủi ro khí hậu cho biết: "Thỏa thuận Xanh châu Âu là quyết định của Liên minh Châu Âu trong việc tiến đến tham vọng chuyển đổi năng lượng và sinh thái. Do đó tham vọng của thỏa thuận xanh, chính là đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu đến năm 2050. Chúng tôi đã làm được rất nhiều trong việc làm giảm lượng khí thải. Mức GDP của Liên minh Châu Âu tăng đến 60% từ năm 1990 và giảm 20% lượng khí thải. Vì vậy chúng tôi đã chứng minh được sự tách biệt giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm lượng khí thải. Đó là những tín hiệu đáng mừng nhưng chưa đủ vì khoa học chỉ ra rằng tiếp tục phải giảm lượng khí thải."

Đại sứ Giorgio Aliberti,Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định, việc thông qua Thỏa thuận xanh nhằm để EU có thể hành động một cách khác đi và thể hiện cam kết, quyết tâm theo đuổi lộ trình về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải: "Đó là những chuẩn mực mới mà chúng ta cần phải thay đổi cần phải thích nghi và phát triển theo nó. Và như vậy, Thỏa thuận Xanh chính là một tầm nhìn dài hạn, Đó là một chiến lược chung và những hành động cụ thể trước mắt. Đặc biệt trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh chúng tôi sẽ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đó chính là tương lai của chúng ta. Nếu chúng ta muốn 1 tương lai xanh, thì chúng ta cần có Thỏa thuận xanh đó."

Ông Giorgio Aliberti khẳng định Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam cùng thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu; cùng Việt Nam xem xét, triển khai chiến lược ngắn hạn, dài hạn để xây dựng các kế hoạch cụ thể theo lộ trình. Việt Nam cần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong tương lai, cần có hành xử phù hợp với môi trường, thay đổi nhận thức, tiêu dùng và cách sống xanh.

Ông Alan Cany, Chủ tịch Eurocham Việt Nam khẳng định: Thỏa thuận xanh với những quy định rất chặt chẽ sẽ có những tác động rất lớn trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, như vậy, cũng sẽ tác động đến Việt Nam. Eurocham đã và sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong những cam kết của Thủ tướng Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26, từ đào tạo, tăng cường nhận thức của người dân về môi trường, chống ô nhiễm rác thải nhựa vv…:

"Trong những phát biểu của Thủ tướng Việt Nam, chúng ta cũng nhận thấy những cam kết của Việt Nam là hết sức tham vọng. Đây cũng là những bước cần thiết để chúng ta đẩy nhanh qúa trình chống biến đổi khí hậu." - Ông Alan Cany khẳng định.

Thỏa thuận Xanh - những kinh nghiệm từ EU tới Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu - ảnh 2Các thành viên tham gia hội thảo từ đầu cầu Huế và Đà Nẵng

Tiến sĩ Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của Huế - cũng phải trải qua quá trình thất bại, không dễ dàng có sự đồng thuận ngay từ đầu giữa chính quyền và người dân mà phải có thời gian và hội tụ đủ điều kiện để thực hiện: "Từ năm 2019 Huế thực hiện Đề án “Ngày Chủ Nhật xanh,” nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động trong toàn dân tại tỉnh Thừa Thiên-Huế được phát động và mang lại hiệu quả cao như các phong trào “Giữ gìn cảnh quan đô thị, thân thiện với môi trường," “Công viên không rác," “Công sở văn minh, sạch đẹp”; “Tổ dân phố không rác," “Thôn, làng, bản không rác," “Góc phố sạch, vỉa hè sạch”...Các hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường."

Thỏa thuận Xanh - những kinh nghiệm từ EU tới Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu - ảnh 3Thanh niên phường An Đông, TP Huế chăm sóc đường hoa, triển khai hiệu quả mô hình “Tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Trật tự trị an” - Ảnh: nld.com.vn

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ đưa đề án “Xe đạp vào giao thông công cộng”, hợp tác với UNDP về phát triển kinh tế tuần hoàn, đô thị giảm nhựa trong năm 2024. Đặc biệt, hưởng ứng Tuần lễ môi trường và giao thông xanh sắp tới, tỉnh sẽ mời Đại sứ Đan Mạch tham gia đạp xe vì môi trường, nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong việc xây dựng tư duy “sống xanh” và bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng rất quan tâm đến việc tăng độ che phủ rừng, điều chỉnh mô hình kinh tế lấy giá trị con người và thiên nhiên làm thước đo sau đại dịch COVID-19."

Bà Đỗ Vân Nguyệt, người sáng lập và giám đốc tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), cũng chia sẻ về những điều đã đạt được từ hoạt động của tổ chức này - một tổ chức hiệu quả và sáng tạo ở Việt Nam về phát triển thanh niên, giáo dục phát triển bền vững và thành viên năng động hợp tác với nhiều đối tác công-tư trong chủ đề biến đổi khí hậu và môi trường. Năm 2017, Live&Learn từng được trao giải thưởng quốc tế Stars Awards vì các đóng góp vào lĩnh vực thanh thiếu niên và môi trường.

Bà Vân Nguyệt cho rằng: "Một trong những thách thức đối với Việt Nam đó là tầm nhìn chung, đưa vào một bức tranh tổng thể, đưa vào những con số rõ ràng, được thấu hiểu bởi người dân, được hỗ trợ bằng những bằng chứng khoa học và kéo được những doanh nghiệp cả khối sản xuất và khối tiêu dùng có thể đồng hành được với nhau. Vàtôi cũng rất mong đợi các nước Châu Âu trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam thì chia sẻ cái lộ trình này. Các cam kết là những con số cụ thể. Nhưng cái quan trọng nhất phải là lộ trình thực hiện."

Thông qua hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ những thông tin hữu ích về việc Thỏa thuận Xanh châu Âu được triển khai như thế nào trong nhiệm kỳ Pháp đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng châu Âu; liệu thông qua Thỏa thuận xanh, ASEAN có thể tìm ra những kinh nghiệm hữu ích, và Thỏa thuận Xanh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ kinh tế giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam, ASEAN vv.. các chương trình hướng dẫn, chuyển giao công nghệ xanh và hỗ trợ doanh nghiệp xanh tại Việt Nam của các hiệp hội, doanh nghiệp châu Âu...Đồng thời, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm từ các nước châu Âu về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng mục tiêu không làm tăng tổng lượng khí thải nhà kính vào khí quyển (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu