Tết Trung thu thời nay – khi giá trị gia đình “chuyển mình” theo năm tháng

CTV VOV Khánh Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Tết Trung Thu là Tết đoàn viên, là dịp để các thành viên gia đình quây quần bên nhau, chuẩn bị mâm cỗ đủ loại bánh trái dâng lên cúng tổ tiên.

Trung thu là Tết đoàn viên, là dịp để mọi thành viên trong gia đình tụ họp phá cỗ trông trăng. Tuy nhiên, khái niệm “gia đình” hiện đã có nhiều đổi thay qua năm tháng khi nhịp sống hiện đại ngày càng tất bật, hối hả. Vậy nhưng, dù ở bất kỳ thời điểm nào, với bất kể ai, 2 tiếng gia đình vẫn là ngọn lửa thắp lên trong lòng mỗi người vì Trung Thu, không chỉ là Tết thiếu nhi, mà còn là dịp để nhớ lại thuở thơ ấu còn trong vòng tay cha mẹ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 “Trung thu ngày xưa không được bằng như bây giờ, nhưng Trung thu ngày xưa vui hơn”  Bố tôi - 1 người đại diện cho lớp người sống ở thời sau chiến tranh, khi đất nước bấy giờ còn nghèo đói, khó khăn. Nhưng cứ mỗi dịp Trung thu, bố lại say sưa kể về những tháng ngày “khổ mà vui”. Trẻ con thời đó lại có những cách chơi, mà theo bố tôi nói, là bọn trẻ ngày nay khó mà theo nổi: "Cứ mỗi dịp Trung Thu mình lại tự lang thang ngoài chợ, xem người ta làm gì mà mình thích, mình về cũng cắt mặt nạ, cũng vẽ màu lên tự đeo. Nhà nào có điều kiện thì mua cho con cái tàu thủy, hoặc ca-nô chạy bằng dầu:"

Nào là chong chóng cuốn từ dây thép, ô-tô tự đóng bằng gỗ với 4 bánh xe là nắp chai bia, mặt nạ tự chế... Thế mới hiểu tại sao, trẻ con bấy giờ lại quý món đồ chơi của mình đến thế. Đêm trông trăng dẫu đơn giản nhưng níu trọn niềm vui của tuổi thơ con trẻ: "Trẻ con không được đi chơi nhiều như bây giờ. Chơi Trung thu chỉ có buổi tối vào trước đêm rằm. Thời đấy ở chợ không có tổ chức, mà mỗi phường, xã, đoàn thanh niên người ta tổ chức. Đèn điện ngày xưa làm gì có nhiều, tối đốt đèn lên phá cỗ Trung Thu. Mọi người ra đường, mình cũng ra đường. Đông là vui."

Tết Trung thu thời nay – khi giá trị gia đình “chuyển mình” theo năm tháng - ảnh 1Bánh nướng, bánh dẻo không thể thiếu trong Tết trung thu Việt Nam.
Ảnh minh họa/ banhkinhdo.com 

Trung thu thời nay, phố Hàng Mã vô cùng náo nhiệt. Vẫn còn đèn ông sao, đèn cù, mặt nạ nhưng giá trị trong mỗi món đồ chơi đã chẳng còn được nâng niu như thế.

Cô Đoàn Hương, người dân sống tại phố Hàng Lược chia sẻ: “Ngày xưa khó khăn, cả năm trời chờ tới Trung Thu mới được chơi cái đồ chơi mình thích. Bây giờ nó đầy đủ hơn, quanh năm suốt tháng đồ chơi bán đầy. Trẻ con cũng chẳng háo hức như trước. Đây này, phố xá bây giờ vẫn đông, nhưng toàn thanh niên rủ nhau đi chơi, đi chụp ảnh. Cái hình ảnh bố mẹ bồng con đi Hàng Mã, chọn từng món đồ chơi cũng khác xưa nhiều lắm”.

Tết Trung thu thời nay – khi giá trị gia đình “chuyển mình” theo năm tháng - ảnh 2

Tết Trung thu xưa qua tranh vẽ.- Nguồn: Bùi Mai/ internet

Tết Trung Thu là Tết đoàn viên, là dịp để các thành viên gia đình quây quần bên nhau, chuẩn bị mâm cỗ đủ loại bánh trái dâng lên cúng tổ tiên. Sau đó, mọi người trong nhà sẽ cùng tụ họp lại phá cỗ trông trăng. Người lớn thì nhâm nhi chén trà, thưởng miếng bánh trung thu. Trẻ con thì vui sướng với chiếc đèn cù, với dải hạt bưởi được xâu bằng chuỗi dây sắt, khi đốt lên nổ đôm đốp như pháo bông. Ngày nay, giá trị gia đình truyền thống đang dần 1 phai do tác động của văn hóa hiện đại.

Tuy vậy, gia đình vẫn là cốt lõi tinh hoa mà dù bao đời đi qua vẫn là ngọn lửa thắp sáng trong lòng mỗi người:"Khác thì khác thế thôi, nhưng đấy, tối phố đông như thế, các bố các mẹ vẫn chịu khó lách qua cả hàng người chật ních. Đổ giọt mồ hôi để cho con đi chơi, để chỉ cho con thế nào là đèn ông sao, thế nào là đèn cù. Phải thế các cháu mới biết được giá trị ngày xưa. Trẻ con bây giờ đúng là sướng hơn thật, nhưng bố mẹ nào chẳng muốn cho con cái tốt nhất, đẹp nhất." Cô Hương chia sẻ,

Tết Trung thu thời nay – khi giá trị gia đình “chuyển mình” theo năm tháng - ảnh 3Đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình.- Ảnh Bùi Mai

Nhớ khi xưa còn nhỏ, tôi được bố dắt ra chợ hàng Mã vào dịp Trung thu, đòi bố mua cho 1 con diều hình con bướm, màu sắc đẹp vô cùng. Nhưng lúc ấy, bố bảo không mang đủ tiền, bố mua sau cho nhé. Thế mà hôm sau, khi đi học về bố lôi ra ngay 1 con diều được làm bằng giấy báo và những que gỗ được gọt tỉa tỉ mỉ. Tôi reo lên sung sướng kéo bố ra ngoài đê thả diều ngay tức khắc. Thế mới hiểu, tuổi thơ của tôi được trọn vẹn, là nhờ những năm tháng ấu thơ khó khăn của bố, tự học, tự làm, tự mang niềm vui cho mình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu