Mùa Vu Lan online

Thu Thảo
Chia sẻ
(VOV5) - Việc cầu siêu cho cửu huyền thất tổ, các anh hùng liệt sĩ diễn ra theo tinh thần giãn cách xã hội, không tập trung đông Phật tử...

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp ở một số địa phương, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tùy tình hình thực tế ở địa phương mình mà có hình thức tổ chức lễ Vu lan phù hợp, trong đó khuyến cáo các địa phương nên tổ chức lễ Vu lan trực tuyến. Đến thời điểm này, một số chùa đã bắt đầu thực hiện các chương trình, khóa lễ Vu lan theo hình thức này.

Mùa Vu Lan online - ảnh 1

Chùa Giác Ngộ, Thành phố Hồ Chí Minh, là chùa đầu tiên tổ chức buổi lễ trực tuyến của mùa Vu lan báo hiếu năm nay, lễ tụng kinh vu lan và báo trọng ân. Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, cho biết: "Năm nay, do dịch bệnh, nhà chùa thông báo đến các Phật tử và người dân không tổ chức các khóa lễ trên quy mô lớn, tập trung đông người. Các hình thức online được tổ chức để đáp ứng tâm niệm của Phật tử và người dân trong dịp rằm tháng 7. Theo truyền thống lâu năm tại Việt Nam thì 15 ngày đầu rằm tháng 7 tụng kinh vu lan và báo trọng ân. Rất tiếc đại dịch covid 19 hoành hành khắp toàn cầu, trở lại Việt Nam lần thứ 2. Và do vậy, một mặt toàn thể tăng đoàn và Phật tử một mặt cầu nguyện gia hộ cho các nhà khoa học ngành y chế tạo vacxin thành công thì tất cả chúng ta tổ chức mùa hiếu hạnh online".

Chùa Bằng, ở Thủ đô Hà Nội, tổ chức khóa lễ tụng kinh Vu lan online. Buổi lễ chỉ có sự tham gia của các chư tăng bổn tự và được phát trực tiếp trên trang fanpage và Youtube của nhà chùa. Còn chùa Phúc Khánh (Hà Nội), năm nay nhận viết sớ qua zalo, email. Phật tử chỉ cần gửi thông tin như tên tuổi, địa chỉ để đăng ký mà không cần phải đến trực tiếp.  Đón lễ Vu Lan trong mùa dịch, các Phật tử chùa Ba Vàng, Quảng Ninh, được cung cấp đường link để đăng ký tham gia, được gửi link hướng dẫn văn khấn bạch thỉnh các vong linh gia tiên… Các hình thức đăng ký trực tuyến cũng được nhiều chùa triển khai để đảm bảo hạn chế tập trung đông người trong mùa dịch. Thế nên dù không trực tiếp đến chùa như mọi năm, nhưng nhiều Phật tử vẫn thấy yên lòng. Chị Đỗ Như Quỳnh ở Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: "Vu lan trực tuyến hay trực tiếp ở chùa cũng không quan trọng. Điều quan trọng là tình cảm, lòng biết ơn của con với bố mẹ. Quan trọng là mình có tấm lòng".

Mùa Vu Lan online - ảnh 2

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: "Lòng thành kính là ở tâm mình tưởng nhớ, tri ân tới cửu huyền thất tổ, không phải ở chỗ sắm sửa mâm cao cỗ đầy mang lên chùa. Chúng ta phải hiểu đúng ý nghĩa của ngày lễ báo hiếu Vu Lan rằm tháng 7 là như thế nào. Ở đây là bằng tâm thức, sự tưởng nhớ của mình chứ không phải hành động vô tâm như mua những bộ đồ mã, mua nhiều và coi đó là sự bày tỏ tình cảm với người đã khuất".

Tối 1/9, tức ngày 14/7 âm lịch, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vu lan trực tuyến tại ba điểm cầu: chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Giác Ngộ (Thành phố Hồ Chí Minh) và nghĩa trang A1, Điện Biên. Việc cầu siêu cho cửu huyền thất tổ, các anh hùng liệt sĩ diễn ra theo tinh thần giãn cách xã hội, không tập trung đông Phật tử và được truyền hình trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội của Phật giáo và các kênh khác. Người dân có thể đăng ký cầu siêu bằng hình thức trực tuyến để các chư tăng làm lễ. Như vậy, vẫn đảm bảo được nhu cầu tâm linh, sự thành kính và bày tỏ lòng tri ân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu