Một người Trung Quốc yêu Việt Nam

Minh Hòa - Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) -Tính đến nay, thầy Nguyên cùng các thầy cô trong Nhà kỷ niệm đã sưu tập được khoảng 1.000 hiện vật, hình ảnh về các trường học Việt Nam ở Quế Lâm.

“Tôi họ Nguyễn, cũng là người Việt Nam. Mỗi lần sang Việt Nam tôi như trở về quê mình vậy". Giám đốc Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc), thầy Nguyễn Trung Nguyên, chia sẻ điều này khi kể lại câu chuyện sang Việt Nam sưu tầm hiện vật để trưng bày trong Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quê Lâm.

Một người Trung Quốc yêu Việt Nam - ảnh 1Mỗi kỷ vật đều gắn bó với những kỷ niệm sâu sắc 

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hơn 7 làm Giám đốc Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quế Lâm và có cả thập kỷ đi sưu tầm các kỷ vật, hình ảnh… ghi lại những năm tháng học tập không thể nào quên của thế hệ học sinh Việt Nam những năm 50-60 của thế kỷ trước, thầy Nguyễn Trung Nguyên không nhớ nổi mình đã sang Việt Nam bao nhiêu lần. Nghe thấy ở đâu có kỷ vật của các học sinh thế hệ đầu tiên của trường học Việt Nam ở Quế Lâm là thầy lại lên đường.

Thầy đến nhiều nơi như trường học, thư viện, viện bảo tàng… để tìm hiện vật:   “Người Việt Nam rất hiếu khách, tiếp đón tôi rất nhiệt tình. Khi nghe tôi nói là họ Nguyễn, thì mọi người đều ồ lên “anh là người Việt Nam rồi” và từ đó câu chuyện giữa chúng tôi không còn khoảng cách. Bản thân tôi cũng thấy mình như một người Việt Nam thực sự vì mỗi lần chuẩn bị sang Việt Nam, tôi luôn có cảm giác mong ngóng như sắp về quê”.

Một người Trung Quốc yêu Việt Nam - ảnh 2Thầy Nguyễn Trung Nguyên (ảnh phải), Giám đốc Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quế Lâm, Quảng Tây (Trung Quốc)  

Trước khi khánh thành Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam vào đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 – 18/1/2010), thầy Nguyên đã sưu tầm được khá nhiều kỷ vật quý. Vì chưa có chỗ trưng bày nên nhà trường để gọn vào một chỗ, không may số kỷ vậy đó bị mấy chị lao công dọn hết ra bãi rác vì tưởng đồ cũ bỏ đi. Thầy Nguyên mất ăn mất ngủ cả tuần để liên hệ, chạy đi chạy lại các nơi tìm kiếm, thu thập. “Mỗi kỷ vật đều là một phần của cuộc sống của tôi nên khi đó tôi rất hoang mang, lo lắng. Cũng may là mọi người giúp đỡ nên cuối cùng chúng tôi cũng thu thập lại được gần hết số kỷ vật bị thất lạc.”

Trong Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quế Lâm, thầy Nguyên nhớ từng kỷ vật gắn với tên tuổi, chuyện ăn uống, học hành, lao động từng học sinh. Bên chiếc balô và chiếc áo bộ đội bạc màu của một sinh viên Việt Nam, thầy Nguyên kể rành rọt tên tuổi, quê quán và chặng đường phát triển của chủ nhân kỷ vật từ bấy đến giờ. Thầy Nguyên cũng nhớ một lần đi sưu tầm kỷ vật ở miền Nam Việt Nam. Lần ấy, thầy rất phấn khởi vì đã tìm được người đang lưu giữ chiếc cốc gắn bó với các thế hệ học sinh trường học sinh Việt Nam ở Quế Lâm những năm 50-60. Dự định đến nhà họ để xin  chiếc cốc đem về trưng bày trong Nhà kỷ niệm, nhưng khi thấy chủ nhà nâng niu, gìn giữ chiếc cốc như báu vật, thầy đã không dám mở lời. Cuối cùng, ông chỉ  chụp lại hình ảnh chiếc cốc mang về.

Một người Trung Quốc yêu Việt Nam - ảnh 3Thầy Nguyên kể về "Nhà ăn 5 tốt" dành cho học sinh Việt Nam những năm 50-60 của thế kỷ trước 

Thầy Nguyên cho biết:“Có nhiều những chuyến đi như thế, nhưng tôi không cho rằng đó là thất bại mà ngược lại, là những kỷ niệm sâu sắc. Tôi cũng hiểu rằng những kỷ vật đó quý giá với họ như thế nào, nó nhắc nhớ về một thời đầy gian khó nhưng cũng là một giai đoạn để trưởng thành, trở thành kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời mỗi người”.

Trước khi đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà kỷ niệm, thầy Nguyễn Trung Nguyên đã có nhiều năm công tác tại Đại học Quảng Tây và tiếp xúc với nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam, thầy Nguyên có cảm tình đặc biệt với người Việt Nam. Hơn 10 năm đi về giữa Việt Nam -Trung Quốc, sự phát triển của cả hai nước, nhất là sự phát triển của Việt Nam, để lại cho thầy Nguyên nhiều ấn tượng.

"Giờ đây so với lần đầu tôi đến Việt Nam thì Việt Nam có sự thay đổi rất nhiều. Đường sá, các công trình công cộng tốt hơn, giao thông cũng trật tự hơn rất nhiều. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách tham gia giao thông của người Việt Nam vì một lần tôi vội nên có va chạm giao thông với một người, họ đã dựng xe cho tôi và hỏi tôi có bị sao không và khi biết tôi ổn thì họ mới đi”. Thầy Nguyên chia sẻ

Tính đến nay, thầy Nguyên cùng các thầy cô trong Nhà kỷ niệm đã sưu tập được khoảng 1.000 hiện vật, hình ảnh về các trường học Việt Nam ở Quế Lâm. Mỗi kỷ vật không chỉ gắn với những kỷ niệm đáng nhớ của các học sinh, sinh viên Việt Nam từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, mà lưu còn lại những kỷ niệm, truyền thống tốt đẹp về mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt- Trung.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu