Mở rộng tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Liên bang Nga

Thúy Ngọc
Chia sẻ
(VOV5) - Hợp tác khoa học và công nghệ là một trong những trụ cột của mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga.

Hợp tác khoa học và công nghệ là một những trong những trụ cột của mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga. Nhân chuyến thăm của đoàn đại biểu Bộ Khoa học và giáo dục đại học liên bang Nga tới Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Trung tâm văn hóa Nga tại Hà Nội vừa tổ chức hội nghị bàn tròn về hợp tác khoa học kĩ thuật Việt - Nga để cùng chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực chuyên ngành hướng tới các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Mở rộng tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Liên bang Nga - ảnh 1 Quang cảnh hội nghị. - Ảnh: qdnd

Nghe âm thanh tại đây:

Hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và liên bang Nga thực hiện trong khuôn khổ hiệp định giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ liên bang Nga ký ngày 31 tháng 7 năm 1992. Từ đó đến nay hai nước đã phối hợp đưa vào thực hiện được nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ, từ công nghệ sinh học, vật liệu mới, điện tử, tự động hóa, đến khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế. Đặc biệt hợp tác với năng lượng điện hạt nhân giữa hai nước thời gian gần đây có nhiều đột phá lớn.

Nhân chuyến thăm tới liên bang Nga của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây, hai bên đã ký hiệp định về xây dựng trung tâm nghiên cứu hạt nhân tại Việt Nam. Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga đánh giá: “Việt Nam và liên bang Nga đang cùng nhau xây dựng nhiều hợp tác mới. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất nâng tầm quan hệ về khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo giữa hai nước lên tầm chiến lược, tạo tiền đề cho việc mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này. Sự hợp tác này cũng là một bước nâng cao vai trò của liên bang Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần cùng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Hợp tác khoa học và công nghệ là một trong những trụ cột của mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga. Liên Xô trước đây và liên bang Nga ngày nay đã đào tạo cho Việt Nam hơn 50.000 chuyên gia, hàng ngàn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học theo những chuyên ngành quan trọng. Hiện nay liên bang Nga tiếp tục cấp học bổng và đào tạo cho các sinh viên, học viên Việt Nam theo học các ngành kĩ thuật và công nghệ, viễn thông, y học và các ngành khoa học xã hội.

Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ hai có số sinh viên theo học nhiều tại Nga. Nhiều cán bộ chủ chốt, chuyên gia giỏi và doanh nghiệp Việt Nam được đào tạo tại Nga đã tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ông Alexay Mikhaiinlovic Medvedev, Thứ trưởng Bộ khoa học và giáo dục đại học liên bang Nga cho biết: “Bộ khoa học công nghệ Việt Nam cùng với Bộ khoa học và giáo dục đại học liên bang Nga tổ chức các khóa học hợp hợp tác giáo dục và khoa công nghệ để trao đổi về tình hình chính sách phát triển khoa học công nghệ và giáo dục của mỗi bên. Sau hội nghị bàn tròn, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục có những dự án hợp tác mới được mở ra, có thêm nhiều sinh viên Việt Nam, chuyên gia Việt Nam được sang Nga đào tạo”.

Tại hội nghị khoa học kĩ thuật Việt – Nga, đại biểu hai nước đã chuẩn bị 12 báo cáo về các đề tài nghiên cứu khoa học cấp thiết được hai nước quan tâm. Đặc biệt các đại biểu đóng góp tham luận giá trị như: Những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực chất xúc và nghiên cứu vật liệu mới; Nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học động vật tại Viện động vật học của Viện Hàn lâm khoa học Nga và vai trò của sự hợp tác Nga – Việt; Triển vọng hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Các bài tham luận cho thấy hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Liên bang Nga đang mở rộng trên nhiều lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu