Cuộc thi Hoà giải thương mại quốc tế lần đầu tiên của Việt Nam - ICMC-2022

Chia sẻ
(VOV5) - ICMC-2022 nhằm mục đích giới thiệu đến đông đảo công chúng và nhất là các sinh viên luật về hoà giải thương mại, một phương thức giải quyết các tranh chấp thương mại phổ biến trên thế giới.

Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) và Khoa luật Thương mại Quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp tổ chức cuộc thi Hoà giải thương mại quốc tế lần thứ I (ICMC-2022). Là cuộc thi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, ICMC-2022 nhằm mục đích giới thiệu đến đông đảo công chúng và nhất là các sinh viên luật về hoà giải thương mại, một phương thức giải quyết các tranh chấp thương mại phổ biến trên thế giới.

Dương Hoài Nam Phương, sinh viên năm thứ ba Khoa luật Thương mại Quốc tế, là một thành viên của đội TORAT của trường Đại học Luật Hà Nội. Đây là một trong bốn đội lọt vào bán kết của cuộc thi ICMC-2022.

Cuộc thi Hoà giải thương mại quốc tế lần đầu tiên của Việt Nam - ICMC-2022 - ảnh 1

Một buổi đào tạo về vai trò của luật sư trong hoà giải thương mại diễn ra tại trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức: Ảnh/ Ban tổ chức ICMC-2022

Nam Phương chia sẻ: "Đội của em có bốn thành viên, ngoài em còn có hai bạn năm thứ ba và một chị năm thứ tư. Tuy trước cuộc thi này, chúng em chưa từng làm việc chung với nhau bao giờ, nhưng chúng em phối hợp tương đối ăn ý và có thể bổ sung kiến thức cho nhau. Em khá hài lòng với kết quả trận tứ kết vừa rồi với đội LAGOM của trường Đại học Kinh tế-Luật của Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng em đã chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng và thể hiện trọn vẹn khả năng của mình".

Ngay từ khi được phát động, cuộc thi đã lập tức thu hút Nam Phương, người muốn trở thành hoà giải viên trong tương lai. Nam Phương cho biết: "Em thấy hòa giải viên là một nghề khá hợp với tính cách của em, tức là khá đằm tính và nhẹ nhàng. Một hoà giải viên có năng lực phải biết tiến thoái đúng lúc, kết hợp khéo léo giữa sự mềm mỏng theo tính chất của sự vụ hoà giải với sự đanh thép và rắn rỏi trong lập luận khi cần thiết. Họ phải có kỹ năng bảo vệ quyền lợi của mình vừa có sự thấu hiểu cần thiết với đối phương để đạt được kết quả hài lòng cho cả hai bên. Hoà giải viên còn cần trung lập, công bằng và tránh mọi định kiến và giữ được sự khách quan trong lập luận".

Cuộc thi Hoà giải thương mại quốc tế lần đầu tiên của Việt Nam - ICMC-2022 - ảnh 2Cô Nguyễn Ngọc Hồng Dương, giảng viên khoa Thương mại Quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội (bên phải): Ảnh/ Ban tổ chức ICMC-2022

Hoà giải thương mại không phải là một môn học được giảng dạy trong chương trình đào tạo tại trường. Chính vì vậy, Nam Phương thường lên YouTube để lượm lặt kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho cuộc thi. Nam Phương chia sẻ: "Em thường xem các video về các vụ hoà giải hoặc các cuộc thi tương tự được tổ chức ở các nước khác. Em muốn hiểu rõ hơn về không khí của một phiên hoà giải, tham khảo cách các hoà giải viên xử lý vụ việc, cũng như tìm hiểu về sự khác nhau giữa một phiên hòa giải và một phiên trọng tài thương mại. Nhưng đôi khi em có những vướng mắc không biết hỏi ai. Trong khuôn khổ cuộc thi ICMC 2022, mọi thí sinh đều được tham dự các khoá huấn luyện do các giảng viên luật tổ chức. Các chuyên gia và hoà giải viên thương mại có kinh nghiệm cũng tham dự. Em nhớ nhất là buổi huấn luyện có sự tham dự của anh Đặng Việt Anh, một hoà giải viên giàu kinh nghiệm và rất tài năng. Anh đã giải thích rất nhiều về các kỹ thuật và quy trình hoà giải, cũng như chia sẻ nhiều tài liệu rất bổ ích cho mọi người".

ô Nguyễn Ngọc Hồng Dương, giảng viên Khoa luật Thương mại Quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: "Hoà giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp được rất nhiều quốc gia sử dụng. Ở Việt Nam, phương thức này ngày càng được quan tâm sau khi Nghị định 22 về Hoà giải thương mại được chính phủ ban hành vào năm 2017. Nghị định này quy định một số tiêu chuẩn áp dụng cho các hoà giải viên. Cụ thể, hòa giải viên là bên thứ ba thực hiện hoà giải với hiệu quả, công bằng và năng lực, được đào tạo nhằm thực hiện xử lý các tranh chấp thương mại. Không có đòi hỏi chuyên môn cụ thể đối với các hoà giải viên. Họ có thể là luật sư, luật gia hoặc người làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng có năng lực và kiến thức nhất định để điều hành một sự vụ hòa giải thương mại. Để trở thành hoà giải viên của Trung tâm VMC, họ phải có tên trên danh sách của trung tâm".

Cuộc thi Hoà giải thương mại quốc tế lần đầu tiên của Việt Nam - ICMC-2022 - ảnh 3Dương Hoài Nam Phương (vị trí thứ 2 từ trái sang) và đội TORAT | Ảnh : Ban tổ chức ICMC-2022

Được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 10/2022, cuộc thi ICMC nhằm mục đích khuyến khích các sinh viên tập luyện các kỹ năng quan trọng và tích luỹ kiến thức chuyên sâu về ngành này.

cô Hồng Dương cho biết thêm: "Chúng tôi đã nhận được đơn đăng ký tham dự của 24 đội trên toàn quốc. Sau vòng loại và tứ kết, chúng tôi đã tìm ra bốn đội lọt vào bán kết. Trong đó có hai đội của Đại học Kinh tế Quốc dân, một đội của Đại học Kinh tế-Luật của Thành phố Hồ Chí Minh và một của trường Đại học Luật Hà Nội. Cuộc thi này được tổ chức hoàn toàn bằng tiếng Anh nhằm khuyến khích các sinh viên cải thiện trình độ tiếng Anh".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu