Chìa khóa mở lại đường bay giữa các nước: Làm sao đảm bảo an toàn ​

Huyền Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam cần phải đẩy nhanh tiến độ liên kết với các nước trên thế giới về việc kiểm soát và chấp nhận hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua mã QR-code

Hòa nhập chung với thế giới khi áp dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện Việt Nam đã từng bước lên các phương án để triển khai trên tinh thần vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Các chuyên gia du lịch đánh giá, nếu thí điểm thành công và an toàn hồ sơ sức khỏe điện tử đối với khách quốc tế khi đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh thì sẽ nhanh chóng mở rộng ra các điểm du lịch khác.  Đó cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam đón khách trở lại. Tuy nhiên, việc này cần hết sức cẩn trọng, nhất là trong điều kiện dịch Covid 19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 “Hộ chiếu vắc xin hay Hồ sơ sức khỏe điện tử có lẽ là từ khóa được nhiều người nhắc đến khi nói về quá trình phục hồi của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là với các tín đồ đam mê du lịch. 

"Khi chưa có dịch Covid 19, tôi và người thân trong gia đình thường xuyên đi du lịch nước ngoài. Nhưng vì dịch bùng phát thì từ 2 năm nay, chúng tôi không thực hiện được đam mê đó. Chỉ mong nhanh và sớm triển khai chứng nhận hộ chiếu văc xin để chúng tôi sẽ lại hâm nóng được ước mơ của mình" 

"Với đặc thù công việc làm trong ngành du lịch và hay phải đi nước ngoài nên từ khi dịch bệnh bùng phát thì mọi công việc của tôi đã bị ngưng trệ và đảo lộn hoàn toàn. Tôi nhận thấy hộ chiếu văc xin là một chính sách rất đúng đắn cần được triển khai càng sớm càng tốt. Đó có thể vì như liều thuốc giúp hồi sinh cho ngành du lịch."

"Theo tôi hộ chiếu văc xin đem lại rất nhiều lợi ích, giúp thế giới vừa kiểm soát tốt được dịch bệnh mà vẫn phát triển được ngành du lịch, từ đó giúp tăng doanh thu và các ngành nghề khác cùng khởi sắc theo. Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát nghiêm ngặt và mục tiêu cuối cùng phải là đảm bảo an toàn phòng dịch." Đó là ý kiến của một số người khi nói về Hồ sơ sức khỏe điện tử.

Trong năm 2020, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm hơn 80%, gần như tất cả các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã dừng hoạt động, cùng với đó, hàng nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã hoàn tất thủ tục giải thể. Sang năm nay, khi dịch Covid 19 vẫn khiến ngành du lịch bị đình trệ thì khái niệm “hộ chiếu văc xin” được xem là tia hy vọng mới để ngành du lịch từng bước phục hồi trở lại.

Chìa khóa mở lại đường bay giữa các nước: Làm sao đảm bảo an toàn  ​ - ảnh 1Ảnh minh họa về Hồ sơ y tế điện tử. Nguồn Vietnamplus

Theo ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch, thị trường khách quốc tế rất quan trọng đối với ngành du lịch, nếu chậm trong việc áp dụng hộ chiếu văc xin, mở cửa thị trường quốc tế, sẽ khiến Việt Nam bị chậm cơ hội trong cuộc cạnh tranh mở cửa đón khách quốc tế với các nước trong khu vực:

"Chúng ta vừa thấy rằng Thái Lan đã ban hành ngay những người đến mà có hộ chiếu văc xin sẽ giảm thời gian cách ly đi. Thực chất đây là 1 cuộc cạnh tranh quyết liệt thu hút khách quốc tế sau khi dịch ngớt. Nên về phía VN chúng tôi cũng đang trình những phương án thí điểm để có thể chúng ta sẽ đón khách quốc tế vào Việt Nam với mức độ an toàn cho người Việt và an toàn cho cả du khách."

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, việc tiêm vaccine phòng covid -19, áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử đã góp phần xóa bỏ rào cản đi lại, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có mở cửa du lịch trở lại. Từ đầu tháng 6, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và Ba Lan đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử sớm hơn một tháng so với kế hoạch chung của Liên minh châu Âu (EU) là từ ngày 1/7. Dự báo, các quốc gia khác của châu Âu cũng sẽ dần mở cửa đón khách quốc tế. Đây là sự chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian người dân bị hạn chế đi lại quá lâu để phòng, chống dịch.

Chìa khóa mở lại đường bay giữa các nước: Làm sao đảm bảo an toàn  ​ - ảnh 2Bộ Y tế vừa ban hành quyết định vè triển khai thí điểm cách ly y tế tập trung với người nhập cảnh

Ông Vũ Văn Tuyên – Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam cho rằng:Đó là một tín hiệu vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp du lịch chúng tôi, chúng tôi rất vui mừng. Bởi lẽ đó là những điều không chỉ ở VN mà tất cả các chính phủ trên Thế giới đang thực hiện. Hộ chiếu văc xin dựa trên tính pháp lý và sự an toàn. Tất nhiên tôi ko nói là an toàn tuyệt đối nhưng ít nhất các nước có thể dựa vào những khung pháp lý về hộ chiếu văc xin từ đó có thể theo dõi đón tiếp khách tốt hơn”

Liên quan đến Hồ sơ sức khỏe điện tử vừa qua, Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định về việc triển khai thí điểm cách ly y tế tập trung 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều văc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid 19. Trước mắt, việc thí điểm này sẽ được thực hiện trong tháng 7 và bước đầu Quảng Ninh chỉ áp dụng với người nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Hiện nay, Quảng Ninh đã chuẩn bị 23 khách sạn với hơn 7.800 giường để thực hiện thí điểm cách ly; bố trí mỗi điểm có đủ các thành phần giám sát từ y tế, công an tới dân quân tự vệ.

Ông Phạm Ngọc Sáu, Tổng Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết: “Việc đầu tiên chúng tôi cần thay đổi đó là quy trình đón tiếp để phù hợp với hướng dẫn của Bộ y tế để tách khách đủ điều kiện cách ly 7 ngày với khách không đủ điều kiện cách ly 7 ngày; minh bạch các khoản phí, thay đổi các phương tiện vận chuyển... chúng tôi vẫn phải đặt ưu tiên hàng đầu là tránh lây nhiễm cho nhân viên và trong cộng đồng.”

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam cần phải đẩy nhanh tiến độ liên kết với các nước trên thế giới về việc kiểm soát và chấp nhận hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua mã QR-code. Khi người Việt ra nước ngoài hoặc khách quốc tế vào Việt Nam sẽ được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin đã tiến hành đầy đủ hai mũi tiêm phòng. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, tránh những đợt bùng phát dịch bất ngờ, chúng ta cũng cần phải cân nhắc xem có phải tiến hành test nhanh hoặc xét nghiệm Covid-19 khi đã có thông tin tiêm chủng vaccine nữa hay không, bởi không phải cứ có là đã thực sự an toàn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu