Bảo vệ quyền lợi cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam, đã thật xứng đáng?

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã thật xứng đáng hay chưa? Đây là câu hỏi cấp thiết được đặt ra trong Hội thảo Tâm lý học đường Quốc tế lần thứ VI vừa diễn ra tại Hà Nội.
Bảo vệ quyền lợi cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam, đã thật xứng đáng? - ảnh 1Hội thảo quốc tế tâm lý học đường lần thứ 6  thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia tâm lí trong nước và quốc tế

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Theo các chuyên gia, tự kỷ không phải là bệnh, mà là một dạng khuyết tật phát triển và tồn tại suốt đời. Do đó chi phí can thiệp và điều trị cho con không may bị mắc chứng tự kỷ là rất lớn, trở thành gánh nặng cho các gia đình. Trong khi ở các nước đã xem đây là một dạng khuyết tật thì ở Việt Nam chứng tự kỷ vẫn luôn đứng bên lề các văn bản chính sách.

Chị Trần Thị Hoa Mai, Phó chủ tịch mạng lưới “Người tự kỷ Việt Nam”, nhóm tự lập do các cha mẹ có con trẻ tự kỷ, cho biết biết hiện nay tại Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật nào công nhận tự kỷ là một dạng khuyết tật. cũng chưa có văn bản pháp lý nào cho thấy người tự kỷ là người khuyết tật để được hưởng BHYT, trợ cấp, đào tạo nghề… “Khi chúng tôi có những kiến nghị về mặt chính sách với những đơn vị địa phương, họ cũng giải thích tự kỷ là một đối tượng quan tâm của chính sách tuy nhiên việc triển khai ở mọi địa phương lại không đồng đều. Có nơi xem tự kỷ như một rối loạn thần kinh tâm thần, có nơi coi tự kỷ như một rối loạn chậm phát triển trí tuệ. Tất cả những điều đó đều không đánh giá đúng khó khăn của đối tượng tự kỷ. Vì thế các cháu tự kỷ chưa được một sự trợ giúp có hiệu quả từ phía chính sách”.

Đặc biệt, trong thực tế tại Việt Nam, chỉ tại một số các thành phố lớn, hội chứng tự kỷ mới  được quan tâm nhìn nhận đúng mức. Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, một chuyên gia trong lĩnh vực chẩn đoán cho người tự kỷ cũng có chung một nhận xét: “Về mặt chính sách chúng ta cũng có những chính sách cho người khuyết tật, đương nhiên luật là luật nhưng khi áp dụng vào trong thực tế vẫn chưa đầy đủ. Nhiều nơi chốn, vùng miền đặc biệt là con người nhiều khi chưa đến được tận tay người khuyết tật do sự áp dụng vẫn còn yếu. Đương nhiên về văn bản nói rất nhiều nhưng thực tế ta còn yếu. Chính vì thế đấy là những cái chúng ta cần phải thay đổi, làm sao để thực tế hoá đời sống hơn là nói bằng văn bản và giấy tờ. Đương nhiên văn bản là tốt nhưng vẫn cần thực tế hoá nó”

Có con cái mắc hội chứng tự kỷ luôn là một nỗi đau lớn cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, việc vận động quyền lợi cho trẻ tự kỷ có lẽ không thể phụ thuộc vào các cá nhân những gia đình có con em mắc bệnh mà có lẽ cần sự chung tay của toàn xã hộ.

Bác sĩ Vũ Song Hà, Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số và là giám đốc dự án A365. Dự án này có mục đích tăng cường phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ bằng cách giúp các bậc phụ huynh sang lọc các biểu hiện của chứng tự kỷ cũng như tuyên truyền sâu rộng đến tỉnh thành kiến thức về hội chứng tự kỷ. Chị cho biết thời gian gần đây đã có sự đồng phối hợp giữa những tổ chức phi chính phủ như A365 của chị với các cơ quan nhà nước cũng như các cơ quan truyền thông để từ đó dần hướng sự quan tâm bảo vệ đúng mức cho đối tượng trẻ tự kỷ.

 “Trong thời gian gần đây, chính phủ quan tâm nhiều hơn đến trẻ tự kỷ. Bản thân Bộ Y tế cũng có một cấu phần chăm sóc và can thiệp sớm trong chương trình 5 năm. Đó là những dấu hiệu rât tốt rồi. Có sự phối hợp giữa Bộ y tế với các Bệnh viện nhi cũng như các trường Đại học và những tổ chức phi chính phủ như chúng tôi để cùng tham gia vào các chương trình và cùng viết những đè xuất để có them nhiều những nguồn lực về mặt tài chính và chuyên gia để triển khai hoạt động mình mong muốn. Ví dụ như hoạt động phát hiện sớm cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ Y tế để mọi người có thể hiểu biết rõ hơn về vấn đề tự kỷ để có thể cung cấp cho trẻ tự kỷ một cách kịp thời hơn và bài bản hơn. Cũng như có những kế hoạch hướng dẫn” - bác sĩ Vũ Song Hà chia sẻ.

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ. Nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐTB&XH, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Vậy làm thế nào để 200.000 người được bảo vệ, rất cần sự quan tâm, đồng thuận giữa các khối ngành và đặc biệt là những người làm chính sách.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu