Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào - người đầu tiên chắp bút cho đề án Bệnh viện vệ tinh tuyến huyện và khám chữa bệnh từ xa

Chia sẻ
(VOV5) - Chị là nữ bác sĩ đầu tiên chắp bút cho đề án “Bệnh viện vệ tinh tuyến huyện”, mở ra cơ hội cho các bệnh viện tuyến huyện tiếp cận các kỹ thuật chuyên sâu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Bích Đào hiện là bác sỹ điều trị, Trưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Đại học Y, với hơn 25 năm trong chuyên ngành Tai - Mũi - Họng. Chị là nữ bác sĩ đầu tiên chắp bút cho đề án “Bệnh viện vệ tinh tuyến huyện”, mở ra cơ hội cho các bệnh viện tuyến huyện tiếp cận các kỹ thuật chuyên sâu, giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm chi phí di chuyển và giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào, nghề đã chọn người. Bởi từ một cô sinh viên trẻ, sợ môn học cơ bản nhất của ngành y, đến nay, chị đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và gặt hái được những thành công nhất định trong sự nghiệp cứu người. Trong đó, phải kể tới việc chị là nữ bác sĩ đầu tiên chắp bút cho đề án “Bệnh viện vệ tinh tuyến huyện” và công trình này đã phát huy hiệu quả khi triển khai hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện.
Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào - người đầu tiên chắp bút cho đề án Bệnh viện  vệ tinh tuyến huyện và khám chữa bệnh từ xa - ảnh 1PGS-TS. BS Phạm Thị Bích Đào. Ảnh: VOV

Vào thời điểm năm 2015, trước khi đề án “Bệnh viện vệ tinh tuyến huyện” ra đời, tại Việt Nam, đã có nhiều bệnh viện thực hiện đề án “Bệnh viện vệ tinh”. Tuy nhiên, đây là mô hình chuyển giao kỹ thuật từ Trung ương cho tuyến tỉnh, và từ tuyến tỉnh sau đó tiếp tục chuyển giao cho tuyến huyện. Mô hình này khi đi vào hoạt động đã bộc lộ những hạn chế nhất định, khiến công tác khám, chữa bệnh tại tuyến huyện chưa đạt hiệu quả cao. Từ thực tế đi khám chữa bệnh từ thiện tại các huyện vùng sâu, vùng xa khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, bác sĩ Bích Đào đã nghĩ tới việc cần phải thay đổi: Chúng tôi nhận thấy việc cần phải nâng cao chất lượng chuyên môn cho các bác sĩ cũng như các điều dưỡng của các bệnh viện tuyến huyện là vô cùng cần thiết. Việc trực tiếp hỗ trợ từ các tuyến trung ương xuống thẳng các tuyến huyện sẽ hỗ trợ các bác sĩ cũng như các nhân viên y tế ở các tuyến huyện này rất nhiều.

Trong thời gian triển khai mô hình mới, bác sĩ Bích Đào và các đồng nghiệp đã về một số bệnh viện tuyến huyện, trong đó có Bệnh viện huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, để trực tiếp vận hành thử nghiệm:  Với bệnh viện Mường Khương, khi chúng tôi đến khám trong giai đoạn đầu, mỗi ngày chỉ có từ 50 - 100 bệnh nhân đến khám. Nhưng sau khi trở thành bệnh viện là vệ tinh của bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi tổng kết có 500 - 600 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương trong một ngày. Như vậy, qua những con số này, chúng ta thấy là người dân hài lòng hơn với chất lượng khám chữa bệnh của tuyến huyện.

Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào - người đầu tiên chắp bút cho đề án Bệnh viện  vệ tinh tuyến huyện và khám chữa bệnh từ xa - ảnh 2

Các bác sỹ bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn khám chữa bệnh từ xa qua nền tảng TeleHealth trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: VOV

Thành công ban đầu của Bệnh viện Mường Khương là động lực để bác sĩ Phạm Thị Bích Đào nỗ lực biến đề án “Bệnh viện vệ tinh tuyến huyện” thành mô hình thực tiễn tại nhiều địa phương khác trong cả nước. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, “Bệnh viện vệ tinh tuyến huyện” đã phát huy tác dụng: người bệnh không phải đi xa mà vẫn được thăm khám, điều trị hiệu quả ngay tại bệnh viện huyện:Có một cụ già trong thời gian dịch bệnh bị viêm phổi và tràn dịch màng phổi. Trước đây, bệnh viện tuyến huyện không xử lý được những trường hợp như vậy, mà họ phải di chuyển 6 giờ đồng hồ từ bệnh viện Mường Khương lên tới Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn ca bệnh qua telehealth - nền tảng công nghệ thông tin thăm khám từ xa, thì chúng tôi hỗ trợ các nhân viên y tế của bệnh viện huyện Mường Khương có thể xử lý được ca bệnh đó và người bệnh khỏi, ra viện sau 1 tuần. Khi chúng tôi quay lại làm việc với Bệnh viện Mường Khương, họ đã đến trực tiếp bệnh viện để cảm ơn. Chúng tôi thấy công việc mình làm đã mang lại lợi ích thiết thực.

Cùng với công việc khám chữa bệnh và nghiên cứu chuyên ngành, bác sĩ Phạm Thị Bích Đào còn là giảng viên cao cấp bộ môn Tai - Mũi - Họng, trường Đại học Y Hà Nội. Giờ đây, ở tuổi ngoài 50, với những kinh nghiệm và kiến thức đã tích lũy được trong hơn 25 năm hành nghề, chị vẫn luôn mong muốn lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết đam mê với nghề tới các thế hệ sinh viên, học viên, những bác sĩ tương lai của đất nước: Việc thường xuyên được tiếp xúc với người bệnh đã tạo cho tôi sự nhiệt huyết. Và khi tham gia giảng dạy, tiếp xúc với học trò, tôi cũng muốn truyền cảm hứng từ công việc hằng ngày của tôi tới họ. Bản thân tôi luôn nghĩ rằng với nỗ lực của tôi, dù có cố gắng đến mấy thì cũng chỉ có thể điều trị cho 1 số lượng bệnh nhân nhất định. Nhưng khi mình truyền được kiến thức cũng như nhiệt huyết cho các học viên thì họ có thể lan tỏa đi các vùng miền của đất nước. Với số lượng nhân lên như vậy thì cũng sẽ hỗ trợ được số lượng bệnh nhân nhiều hơn. 

Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào luôn tự nhắc nhở bản thân mình phải không ngừng nỗ lực để làm tốt hơn nữa vai trò người chăm lo cho sức khỏe của bệnh nhân. Với chị, niềm vui của bệnh nhân khi được điều trị thành công chính là một trong những nguồn động viên lớn trong hành trình chữa bệnh, cứu người. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu