Australia hỗ trợ công nghệ bảo quản rau quả sau thu hoạch chi phí thấp ở Mộc Châu, Sơn La

Tuyết Lê/CTV
Chia sẻ
(VOV5) -  Dự án cũng tổ chức tập huấn về sử dụng công nghệ và các kỹ thuật sau thu hoạch khác. 

Sau khi thực hiện thành công một số mô hình thí điểm tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, ngày 14/09, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam chính thức giới thiệu Công nghệ làm mát tiên tiến có tên CoolBot.

Công nghệ này nằm trong khuôn khổ dự án Chuỗi cung ứng lạnh tăng cường nguồn rau chất lượng cao từ Sơn La đến các thị trường ở đô thị do chính phủ Australia tài trợ thông qua chương trình Aus4Innovation.

Australia hỗ trợ công nghệ bảo quản rau quả sau thu hoạch chi phí thấp ở Mộc Châu, Sơn La - ảnh 1Kho lạnh tại HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đông Sang (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu) là kho lạnh đầu tiên được dự án lắp đặt.

Sử dụng bộ điều khiển giúp các thiết bị điều hòa không khí thông thường đạt nhiệt độ thấp nhất là 5oC, công nghệ CoolBot có thể được áp dụng cho kho lạnh và xe tải để lưu trữ và vận chuyển rau quả tươi.

Nói về thành công của dự án, Giám đốc chương trình Aus4Innovation, Tiến sĩ Kim Wimbush, cho biết “CoolBot là một giải pháp đã được công nhận, công nghệ này được phát triển hướng đến những hộ nông dân quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển và hiện đang được áp dụng rộng rãi. Với việc giới thiệu công nghệ này đến Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ mang lại cơ hội cho các sản phẩm nông sản địa phương tiếp cận thị trường mới và xa hơn, đồng thời góp phần đảm bảo sinh kế bền vững của người dân.”

Australia hỗ trợ công nghệ bảo quản rau quả sau thu hoạch chi phí thấp ở Mộc Châu, Sơn La - ảnh 2Bộ điều khiển CoolBot kết nối với máy điều hoà không khí giúp đưa nhiệt độ xuống dưới 5 độ C. Một máy điều hoà thông thường khi lắp bộ điều khiển có thể làm mát cho kho hoặc thùng lạnh có thể tích tối đa 30m3. Ảnh: Tuyết Lê

Ngành hàng rau quả là nguồn việc làm và thu nhập quan trọng cho người dân tỉnh Sơn La, đặc biệt là phụ nữ. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội và các thành phố lớn khác, nhu cầu tiêu thụ nông sản chất lượng cao hiện nay rất lớn.Tuy nhiên, do không có chuỗi cung ứng lạnh giữa Sơn La và Hà Nội, rau quả khi vận chuyển đến nơi bị hỏng, dập nát nên đôi khi người nông dân phải vứt bỏ tới 30% sản lượng, đặc biệt là các loại rau quả dễ hư hỏng như xà lách, đậu và cà chua.

Australia hỗ trợ công nghệ bảo quản rau quả sau thu hoạch chi phí thấp ở Mộc Châu, Sơn La - ảnh 3Đại diện dự án giới thiệu với ông Kim Wimbush, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation về thành quả dự án. Ảnh Tuyết Lê

Dự án do công ty Fresh Studio Việt Nam và Applied Horticultural Research đến từ Australia thực hiện đã lắp đặt thành công 11 kho lạnh và 02 xe tải lạnh sử dụng CoolBot cho các nông dân và hợp tác xã ở Mộc Châu. Dự án cũng tổ chức tập huấn về sử dụng công nghệ và các kỹ thuật sau thu hoạch khác. Ngoài ra, để nông dân có đầy đủ thông tin, dự án cũng đã tiến hành đánh giá ban đầu về khả năng đảm bảo chất lượng rau củ khi áp dụng công nghệ CoolBot và khảo sát mức tăng thu nhập của người nông dân sau khi áp dụng công nghệ.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La cũng cho biết thêm “Ứng dụng khoa học công nghệ đã được lãnh đạo tỉnh xác định là một trong những giải pháp đẩy mạnh ngành nông nghiệp và thực phẩm. Chúng tôi đánh giá cao dự án vì đã cung cấp đầy đủ gói đào tạo và chuyển giao công nghệ, đồng thời củng cố mô hình hợp tác bao gồm doanh nghiệp, viện nghiên cứu và chính quyền địa phương để đảm bảo tính bền vững.”

Australia hỗ trợ công nghệ bảo quản rau quả sau thu hoạch chi phí thấp ở Mộc Châu, Sơn La - ảnh 4Xe tải lạnh của HTX Nông Xanh (thị trấn Nông trường Mộc Châu) đã đi vào hoạt động.

Dự án được khởi động từ tháng 9 năm 2020 với nguồn tài trợ 378.000 đô la Australia từ chương trình Aus4Innovation. Nhóm thực hiện dự án đã làm việc với các tổ nhóm nông dân để thí điểm liệu ứng dụng công nghệ CoolBot sử dụng máy điều hòa không khí sản xuất trong nước có thể giải quyết yếu tố chuỗi cung ứng lạnh đang thiếu trong chuỗi giá trị rau quả, tăng thu nhập cho nông dân và cải thiện chất lượng cũng như nguồn cung rau cho người tiêu dùng tại Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu