Tiếng nói Việt Nam thân thuộc trong trái tim thính giả Nga

Chia sẻ
(VOV5) - Đài Tiếng nói Việt Nam vượt qua biên giới, đem các tin tức thời sự, các chương trình văn hóa, âm nhạc đặc sắc đến với một bộ phận thính giả ở nhiều nước trên thế giới

Trong suốt chặng đường dài 75 năm hình thành và phát triển, các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam vượt qua biên giới, đem các tin tức thời sự, các chương trình văn hóa, âm nhạc đặc sắc đến với một bộ phận thính giả ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có LB Nga. Đối với thính giả Nga, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở nên rất đỗi thân quen qua các giọng đọc chuẩn trên sóng và chất lượng thông tin là điều cuốn hút họ nghe Đài: Tôi bắt đầu nghe Đài Tiếng nói Việt Nam từ rất lâu rồi, từ khi còn là sinh viên. Chúng tôi nghe Đài chủ yếu để tập nghe, tập hiểu. Và câu “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tôi thấy rất là quen thuộc. Tôi luôn nhớ giọng nói câu này và nhạc người ta đưa sau câu này rất là thích. Đài Tiếng nói Việt Nam thì luôn nói giọng rất rõ, rất tốt cho việc tập nghe, ngoài ra thì chương trình rất hay, chủ yếu chúng tôi nghe chương trình thời sự.

Tiếng nói Việt Nam thân thuộc trong trái tim thính giả Nga - ảnh 1Bà Svetlana Glazunova - giảng viên tiếng Việt ở khoa Quan hệ Quốc tế-Học Viện Ngoại giao Nga trả lời phỏng vấn.
 

Đó là lời kể của Bà Svetlana Glazunova - giảng viên tiếng Việt ở khoa Quan hệ Quốc tế-Học Viện Ngoại giao Nga. Bà Glazunova cho biết, bà không chỉ nghe các chương trình thời sự của Đài Tiếng Nói Việt Nam để rèn luyện kỹ năng nghe trong quá trình học tiếng Việt, mà còn nghe các chương trình văn hóa, âm nhạc để hiểu sâu hơn về truyền thống, văn hóa của Việt Nam.

Còn theo chia sẻ của nhà khoa học chính trị, giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint.Peterburg-Nga, GS.TSKH Vladimir Kolotov, ông cũng đã nghe Đài Tiếng Nói Việt Nam từ khi còn là sinh viên, đến thực tập tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1990. Thói quen nghe Đài hình thành từ hồi đó được ông duy trì đến tận bây giờ để phục vụ cho công tác nghiên cứu của mình. GS Kolotov cho biết: Bây giờ có nhiều phương tiện, có thể xem tivi, nhưng mà Đài vẫn là phương tiện truyền thống. Ở trong phòng mình có thể viết bài, nghỉ ngơi, vừa được biết bao nhiêu tin, tình hình thế giới như thế nào, vì mình, ngoài việc nghiên cứu về Việt Nam, là một nhà phân tích chính trị, nên phải biết quan điểm ở Việt Nam người ta đánh giá như thế nào, nghe lập luận, được hiểu biết ý kiến của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về các vấn đề quốc tế.

Không chỉ nghe các chương trình thời sự, các vấn đề quốc tế, GS Kolotov còn thích nghe chương trình giới thiệu về các tác phẩm văn học của Việt Nam, hồi ký của các nhà chính trị nổi tiếng, như hồi ký về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông mong muốn có thể mua được audio book để nghe thường xuyên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu