Một mảnh hồi ức về Tiếng Quê Hương

Xuân Tân
Chia sẻ
(VOV5)- Trang hồi ức của nhà báo Xuân Tân kể lại đôi nét công việc bếp núc thực hiện mục ngôn ngữ cho thính giả Việt Nam ở xa tổ quốc.
(VOV5)- Ngày 7/9 năm nay, là ngày kỷ niệm 71 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 – 7/9/2016). Trong nhiều trang thư gửi về chúc mừng ngày thành lập Đài, cũng có những câu hỏi thân thương của thính giả về chuyện hậu trường của người làm báo. Hầu chuyện quý thính giả, trang hồi ức của nhà báo Xuân Tân kể lại đôi nét công việc bếp núc thực hiện mục ngôn ngữ cho thính giả Việt Nam ở xa tổ quốc.

Một mảnh hồi ức về Tiếng Quê Hương - ảnh 1
Ảnh minh họa


Từ đầu thập kỷ tám mươi thế kỷ trước, người viết được điều động về chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong suốt mấy thập niên làm công việc của nghề báo nói  ở chương trình phát thanh này cho một đối tượng thính giả “xa mặt không cách lòng” vô cùng đặc biệt là trên dưới năm triệu người Việt định cư sinh sống ở khắp các châu lục, dần dần hình thành những chuyên mục trong tuần sao cho phù hợp với người nghe. Riêng thứ ba đều đặn sau phần thời sự chính trị là giới thiệu văn học Việt Nam trong đó có chuyên mục “Tiếng Quê Hương” diễn giải vẻ trong sáng của tiếng mẹ đẻ trong rừng ngôn ngữ nhân loại và những vấn đề truyền dạy ngôn ngữ cho thế hệ  kiều bào thứ hai thứ ba thứ tư đã “xa tổ quốc”.


Ngôn ngữ Việt với thính giả Việt Kiều trước hết là thế hệ đi trước, những người vì thời cuộc đưa đẩy, vì những lý do khác nhau đã định cư sinh sống lập nghiệp ở các nước từ trước và sau cách mạng mùa thu năm 1945; trước và sau khúc quanh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1945. Họ thuộc nhiều thành phần xã hội nhưng đều là trụ cột gia đình, trụ cột trong cả việc giữ giàn bản sắc Việt cho con cháu, trong đó có tiếng mẹ đẻ. Với “nhánh thính giả” này, tiếng Việt cụ thể là thơ Kiều, thơ tiền chiến, ca dao dân ca, tục ngữ, ngạn ngữ… gần gụi với họ như “cơm ăn nước uống”, như một mảnh tình quê mà ca từ Tình Ca của nhạc sĩ lão thành Phạm Duy đã viết “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời - mẹ hiền ru những câu xa vời...,” Người biên tập dẫn dụ, giải trình phần tinh túy nhất của tiếng nước tôi là thơ Kiều, là ca dao. Không còn nhớ bao nhiêu câu Kiều, bao nhiêu câu thơ dân gian, bao nhiêu câu tục ngữ đã được giới thiệu trên sóng phát thanh. Nào là “vầng trăng ai xẻ làm đôi-nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” (Kiều) nào là câu ca dao có hơi hướng thơ tượng trưng ví như “ai đi đằng ấy xa xa-để em ôm bong trăng tà năm canh”; nào là “khăn thương nhớ ai khăn rơi xuống đất -mắt thương nhớ ai mà mắt không khô” vân vân...


Ngoài phần giới thiệu tinh hoa tiếng Việt, người biên tập cũng ý thức được rằng ngôn ngữ là một khoa học chuyên biệt nên kết hợp phần bình giải gợi nhớ tâm tình người Việt cũng cần có những bài phân tích “kỹ” hơn dưới góc độ báo chí về những biện pháp tu từ quen thuộc của tiếng mẹ đẻ như tính tượng thanh tượng hình, tính ẩn dụ hoán dụ ... vv để thấy rõ hơn ngôn ngữ dân tộc Việt cũng đầy đủ chức năng toàn diện của ngôn ngữ như bất kỳ ngôn ngữ của một quốc gia văn minh có truyền thống văn hiến nào. Người biên tập đặc biệt lưu tâm đến những biến thái phong phú của tiếng Việt và không ngần ngại đưa ra những giả thuyết về nét đặc sắc của phương ngôn, của  cách nói ở nhiều vùng miền. Ví như hai từ cổ “ đèo bòng” trong những câu thơ cổ “đôi ta chút nghĩa đèo bòng” (Kiều ), “đa mang chi nữa đèo bòng”... có thể thấy đèo như là biến âm của động từ “đeo” , bòng nhứ là biến âm của động từ “bồng”... cũng như hai từ quá thông dụng “vợ chồng’ thì như có người đã dẫn giải vùng Thừa Thiên-Huế ngày xưa có nơi còn gọi “vợ” là bợ-trong nghĩa bợ đỡ... Hiện tượng biến âm “bờ-vờ” tương tự như  “bả” thành  “vả”; hay biến âm từ Cái sang nái, mái, gái... Như vậy, vừa là kiến thức, vừa là tình tự dân tộc trong từng con chữ, câu chữ, người biên soạn hy vọng thính giả ở xa tổ quốc có thêm dịp hiểu và cảm rõ hơn tiếng quê hương.                  


Với thế hệ sinh sau đẻ muộn ở xứ người, người biên tập ý thức cần giới thiệu những phát  triển của ngôn ngữ trong quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa hai chiều của tiếng Việt. Hàng loạt những từ mới trên cơ sở tiếp thu và sử dụng linh hoạt từ Hán Việt, từ của Pháp ngữ, Anh ngữ vv để tiếng Việt có đầy đủ khả năng biểu đạt và hội nhập với đà phát triển của khoa học xã hội, của công nghệ. Tiếng Việt phong phú, đa dạng không chỉ nhờ vốn từ cổ tinh tế, giàu tính tượng hình tượng thanh đặc trưng lối tư duy biểu cảm  của dân tộc mà còn được bồi đắp trong quá trình giao lưu văn hóa với  các nước, đặc biệt với những ngôn ngữ do quan hệ lịch sử riêng có mối tương giao lâu đời như chữ Hán, chữ Pháp. Biểu hiện ngôn ngữ Việt hiện đại không có gì tiêu biểu hơn là  sự phát triển của văn học Việt hiện đại. Việc diễn giải ngôn ngữ thơ của những tác giả tiêu biểu như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lê Đạt, Trần Dần… trong các chuyên mục bình thơ hay tiếng quê hương là theo chiều hướng đó.


Ngoảnh lại mấy mươi năm gắn bó với “Tiếng quê hương” trên sóng phát thanh, thật khó nói được gì nhiều hơn trong phạm vi một bài báo có tính tạp cảm, tạp luận gọi là “một mảnh hồi ức...” Đưa mắt nhìn tủ sách không lấy gì làm đồ sộ của người viết báo, ngoài những tác phẩm văn học cổ kim là gần như không thiếu mấy những cuốn sách có tính “công cụ” để làm công việc này như từ điển tiếng Việt, từ điển Hán Việt, từ điển văn học và không ít những cuốn mang tính giáo trình như “tiếng lóng”, như “Từ đồng âm”, như “Ngôn ngữ dẫn luận’ vv và vv.... người biên tập quan niệm muốn hiểu được tiếng Việt, tiến tới truyền đạt vẻ trong sáng của tiếng Việt, thì trước hết phải có kiến thức phong phú về ngôn ngữ mẹ đẻ đã được nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu giảng dạy ngôn ngữ văn chương đúc kết từ góc nhìn riêng, kiến giải riêng của họ. Và trên hết là tình yêu với  tiếng  quê hương mà Lưu Quang Vũ đã cất lên lời trong thơ “ôi tiếng Việt ngàn đời tôi mắc nợ - quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn”. Hay như người nhạc sĩ lão thành tài hoa Phạm Duy đã cất lên lời tình ca “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...”

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu