Xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

Thu Hoa (TH)
Chia sẻ
(VOV5) - Các mô hình do thanh niên làm chủ thường mang lại hiệu quả rõ rệt do được áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế của trong cả nước, những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã lan tỏa ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao mặt bằng kinh tế xã hội của nhiều địa phương còn nhiều khó khăn. Tại tỉnh Quảng Nam và Bắc Kạn, nhiều thanh niên đã từng bước khẳng định sức trẻ bằng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 nhưng Nguyễn Thành Luận, ở xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, không theo nghiệp thể thao mà trở về quê khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm Đông trùng hạ thảo. Năm 2018, anh Luận đầu tư thiết bị, giống rồi dựng trại để xây dựng mô hình trồng nấm mới mẻ ở quê nhà. Đến nay Hợp tác xã nấm Đông trùng hạ thảo của anh Luận có quy mô 80.000 phôi nấm, doanh thu mỗi năm đạt trên 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp - ảnh 1Mô hình nấm Đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Thành Luận mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: VOV

Anh Luận cho biết: “Ở quê mình chưa có nấm Đông trùng hạ thảo nên về quê khởi nghiệp để người dân tiếp cận nguồn dược liệu này đảm bảo sức khỏe tốt hơn. Thị trường của mình phân phối Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Kết hợp với người nông dân lấy tơ tắm đó làm sẵn nguồn nguyên liệu chính sản xuất ra nấm đông trùng hạ thảo. Mình đang định hướng cho thanh niên khởi nghiệp và hướng dẫn cho nông dân trồng nấm có thu nhập cải thiện kinh tế tại địa phương".

Ở xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nhiều người nhắc đến Huỳnh Thế Toàn bởi những thành công với mô hình nuôi dúi. Mô hình nuôi dúi của anh Toàn đã thu hút 20 thành viên, chủ yếu là thanh niên tại địa phương. Trang trại của Toàn đã nuôi được gần 1000 con dúi, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Huỳnh Thế Toàn còn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ và người dân tại địa phương.

Xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp - ảnh 2Anh Huỳnh Thế Toàn thành công với mô hình nuôi dúi - Ảnh: VOV

Anh Toàn chia sẻ: “Tổ hợp tác chăn nuôi dúi Đại Lộc đã được thành lập, phát triển hiệu quả, từng bước nâng cao phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng tập trung, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều thành viên, đặc biệt là thanh niên. Chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình cho các bạn trẻ trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp".

Dù rất nhiều bạn bè cùng trang lứa lựa chọn về thành phố kiếm việc làm thì Nguyễn Việt Thế, dân tộc Tày ở Tiểu khu 3, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, lại quyết định gắn bó với mảnh ruộng cùng quyết tâm phải làm giàu ngay trên đồng đất quê mình. Năm 2017, sau thời gian tìm hiểu, Nguyễn Việt Thế vận động thêm một số thanh niên địa phương thành lập Tổ hợp tác trồng rau sạch. Chỉ sau vài vụ, sản phẩm rau xanh của Tổ hợp tác Trồng rau sạch đã được biết đến rộng rãi và hiện mỗi năm, 7 thành viên trong Tổ hợp tác thu về gần 500 triệu đồng.

Anh Nguyễn Việt Thế cho biết: "Thời gian tới thì tổ hợp tác sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả rau màu, đặc biệt là đảm bảo chất lượng đầu ra sao an toàn tuyệt đối, được cấp chứng chỉ cần thiết. Tới chúng tôi cũng dự định xây dựng các nhà lưới và trồng thêm rau trái vụ, đảm bảo cung ứng nhu cầu của thị trường".

Cũng khởi nghiệp từ nông lâm đặc sản của địa phương, năm 2018, chị Lường Thị Giang ở xã Lục Bình, huyện Bạch Thông cũng đã có một quyết định táo bạo khi thành lập HTX trồng nấm. Bắt đầu với 3.000 bịch nấm Hoàng Đế trồng thí điểm, sau hơn một năm, HTX của chị Giang đã mở rộng quy mô sản xuất gấp 10 lần. Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư thêm máy sơ chế, đóng gói và mở rộng nhà xưởng, đồng thời hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng an toàn từ trồng, thu hái đến đóng gói sản phẩm. Nhờ cách làm chuyên nghiệp, sản phẩm của HTX được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Đó chỉ là 4 trong số rất nhiều mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội của thanh niên Quảng Nam và Bắc Kạn. Được biết, tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 350 mô hình kinh tế, tổ hợp tác và HTX do thanh niên làm chủ. Tỉnh Bắc Kạn có trên 300 mô hình kinh tế, 31 HTX và 35 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ, đa số đều có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Các mô hình do thanh niên làm chủ thường mang lại hiệu quả rõ rệt do được áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, những thanh niên khởi nghiệp ở Quảng Nam và Bắc Kạn đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu