Chuyện khởi nghiệp của chàng trai dân tộc Tày ở Bắc Kạn

Hoàng Minh
Chia sẻ
(VOV5) - Câu chuyện của Trần Văn Bình đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho các đoàn viên trong xã Dương Phong nói riêng và cả tỉnh Bắc Kạn nói chung. 

Ở tuổi 24, Trần Văn Bình, chàng trai dân tộc Tày đã trở thành tấm gương vượt khó, phát triển kinh tế của lớp thanh niên và người dân ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, với mô hình trang trại gia đình. Trang trại của Bình thường xuyên duy trì từ 500 – 700 con gà, vịt và ao cá, với 500 con giống các loại cá nước ngọt. Ngoài ra, còn 2 ha vườn quýt cùng khu nuôi giun trên khuôn viên 300 m2. Sản phẩm chủ lực của gia trại Trần Văn Bình là trứng vịt sạch và vịt thịt, đang được cung cấp rộng rãi tại địa phương.

Chuyện khởi nghiệp của chàng trai dân tộc Tày ở Bắc Kạn - ảnh 1Trang trại của Bình thường xuyên duy trì từ 500 – 700 con gà, vịt và ao cá, với 500 con giống các loại cá nước ngọt - Ảnh: VOV

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 
 

Bắt đầu xây dựng mô hình trang trại năm 17 tuổi, từ hai bàn tay trắng, đến nay, mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt của Trần Văn Bình đã gặt hái những thành công đầu tiên. Trần Văn Bình cũng đã xây dựng một cơ sở bán trứng vịt cho hành khách di chuyển trên tuyến đường liên tỉnh đi Thành phố Bắc Kạn với sức tiêu thụ trên 200 quả trứng/ngày. Trần Văn Bình cho biết: "Năm 17 tuổi, lúc đấy phát triển từ 100 con thôi, nuôi để lấy trứng. Khu nhà mình có trường học, Ủy ban nhân dân,mẹ nuôi 7-8 con nơi bán trứng bán chứng để phục vụ gia đình. Mình thấy mọi người có nhu cầu cần trứng sạch nên mình cũng nuôi thử nghiệm 100 con thấy nó sinh ra lợi nhuận mình tiếp tục chăn nuôi tăng lên tăng lên. Đến nay năm đàn lần thứ 5. Lúc đầu nuôi 100 con, rồi 300 con, 600 con và giờ 800 con. Chu kỳ khoảng 2 năm là thay đàn".

Điều kiện gia đình khó khăn, đã thúc đẩy Trần Văn Bình thực hiện mong ước vượt khó, thoát nghèo và làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình. Đến năm học lớp 10, Bình phải bỏ học để đi làm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhận thấy nhu cầu của người dân trên địa bàn về trứng sạch, trong khi nhà lại gần thượng nguồn sông Cầu có không gian và nguồn thực phẩm tự nhiên thuận lợi để chăn nuôi vịt, Trần Văn Bình quyết định đem 20 triệu đồng chắt chiu từ những ngày tháng đi làm thuê để mua con giống.

Lứa đầu tiên, do chưa nắm vững về chăn nuôi, cách chăm sóc, đàn vịt của Bình nhiễm bệnh, thiệt hại quá nửa... nhưng Trần Văn Bình vẫn quyết tâm làm lại. Những ngày sau, Bình tìm kiếm các tài liệu về chăn nuôi, đăng ký tham gia các lớp tập huấn các lớp chăn nuôi để bổ sung thêm kiến thức, từ đó cải thiện mô hình chăn nuôi. Anh Nông Ngọc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Dương Phong, cho biết: "Trần Văn Bình tuy rất trẻ nhưng chịu khó... Một mình tự lo chăn nuôi, nửa đêm còn lọ mọ trong chuồng trại. 4-5h sáng đã dậy thu hoạch trứng để đi giao hàng. Bình tiếp thị các sản phẩm của mình khá rộng, từ các huyện lân cận, đến thành phố... Bình đều đi giao. Sau gần chục năm nỗ lực thì Bình mới có ngày hôm nay. 3 năm trước ngoài chăn nuôi vịt, Bình còn nuôi trâu, trồng 2 ha quýt. Tuy nhiều việc nhưng vẫn cần mẫn làm, rất chịu khó".

Chuyện khởi nghiệp của chàng trai dân tộc Tày ở Bắc Kạn - ảnh 2Những lứa vịt sau của Bình phát triển tốt hơn, năng suất trứng cao và đều hơn - Ảnh: VOV

Cũng nhờ nỗ lực ấy, những lứa vịt sau của Bình phát triển tốt hơn, năng xuất trứng cao và đều hơn. Từ thành công bước đầu đó, Trần Văn Bình bắt đầu tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ.

Trong suốt quá trình làm trang trại, Bình chưa phải đi vay vốn bên ngoài, lợi nhuận được Bình tích lũy và quay vòng đầu tư mở rộng trang trại. Bình cho rằng nếu làm lớn ngay từ đầu, gặp rủi ro thì sẽ rất khó vực dậy, vậy nên Bình chọn cách phát triển chậm và chắc.

"Là một thanh niên khởi nghiệp, đầu tiên là phải yêu công việc mà mình sắp sửa làm. Sau đó là tìm hiểu thị trường, làm sao cho phù hợp với gia đình, phù hợp với khu mình ở và thế mạnh của mình là gì. Trong chăn nuôi thì phải làm thế nào con vật nuôi của mình luôn khỏe mạnh. Lúc đầu có thể hòa vốn hoặc lỗ một chút những sau đấy mình sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn" - Trần Văn Bình nói.

Quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ để có được thành quả như ngày hôm nay của Trần Văn Bình đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho các đoàn viên trong xã Dương Phong nói riêng và cả tỉnh Bắc Kạn nói chung. Trần Văn Bình cho biết trong tương lại có thể sẽ xây dựng nên một thương hiệu trứng sạch mang tên Bình Minh. Khi sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, Trần Văn Bình sẽ thành lập tổ hợp tác liên kết với bà con trong xã để nhân rộng mô hình, đưa sản phẩm vươn ra thị trường ngoại tỉnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu