Chuyển đổi số - Chìa khóa để phục hồi du lịch ở Quảng Nam

Phi Long
Chia sẻ
(VOV5) - Quảng Nam đang nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây :

Thời gian qua, ngành du lịch gần như bị đình trệ mọi hoạt động do dịch Covid-19, khiến ngành gặp nhiều tổn thất nghiêm trọng. Để thay đổi và vực dậy ngành du lịch sau đại dịch, giải pháp duy nhất chính là “chuyển đổi số ngành du lịch” hay còn được gọi là “du lịch số“. Trong thực tiễn, du lịch số hay chuyển đổi số ngành du lịch là phát triển du lịch một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số, để tạo ra và cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch và làm du khách hài lòng.

Để nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, một trong bốn chiến lược quan trọng đặt ra là làm sao thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin. Theo ông Lê Hùng Anh, Người sáng lập thương hiệu Travelner, doanh nghiệp xây dựng các nền tảng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh, thời điểm này, du khách đã thay đổi xu thế và phương thức tìm kiếm thông tin du lịch. Với sự xuất hiện của chuyển đổi số, các hoạt động trong ngành công nghiệp du lịch đã tạo ra một sự đổi mới trong cách mọi người nhận thức và nắm bắt thông tin và dịch vụ mà các đại lý du lịch cung cấp.
Chuyển đổi số - Chìa khóa để phục hồi du lịch ở Quảng Nam - ảnh 1Khai thác tiện ích trên các thiết bị thông minh, du khách nhanh chóng có sự lựa chọn cho lịch trình của mình - Ảnh: VOV

Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số ngành du lịch ngày nay không chỉ  là một chiến lược tùy chọn mà dần trở thành một thông lệ tất yếu phải được thực hiện để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng sự phát triển không ngừng trong nhu cầu của khách hàng. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chủ động làm mới mình, thích ứng an toàn trong thời gian tới. Ông Lê Hùng Anh cho biết: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hiện tại, gần như tất cả khách hàng đều sử dụng các ứng dụng về đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay trên thiết bị di động. Đây là cơ hội rất hiếm có.”

Là một trong 5 tỉnh được thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong thời kỳ mới (thích ứng an toàn với dịch Covid-19), Quảng Nam xem việc ứng dụng công nghệ thông tin để đón khách du lịch là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chính quyền Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị hạ tầng công nghệ tại các điểm đến, lắp đặt wifi miễn phí, quảng bá trực tuyến các sản phẩm du lịch trên các nền tảng mạng xã hội. Kể từ 1/4/2022, Hội An thực hiện bán vé tham quan điện tử, dần thay thế vé tham quan truyền thống. 

Chị Trương Thị Cẩm Nhung cùng nhiều khách từ thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan Hội An lần này cảm thấy hài lòng với các ứng dụng công nghệ số. Chỉ cần khai thác tiện ích trên các thiết bị thông minh, du khách nhanh chóng có sự lựa chọn cho lịch trình của mình: “Dịch vụ ở Hội An có những tính năng cho khách du lịch đến với Hội An bằng app kỹ thuật. Nó nhanh hơn, tiện lợi hơn cho du khách, làm cho giới trẻ bắt kịp thông tin nhanh hơn và giới thiệu cho bạn bè chính xác hơn.”

Chuyển đổi số - Chìa khóa để phục hồi du lịch ở Quảng Nam - ảnh 2Từ ngày 1/4/2022, thành phố Hội An bán vé tham quan điện tử, dần thay thế vé tham quan truyền thống - Ảnh: VOV

Từ khi Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được Tổ chức khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, chính quyền và người dân Quảng Nam đã nỗ lực đưa ngành Du lịch phát triển về quy mô lẫn chất lượng, trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn khôi phục du lịch hiện nay, thách thức đặt ra đối với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp là làm sao để bắt kịp xu thế công nghệ 4.0 cũng như đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.

Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đến năm 2025. Kế hoạch chuyển đổi số toàn diện về du lịch được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2023 hoàn thành việc số hóa toàn bộ dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch, các di tích danh thắng… trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2023 – 2025 tiếp tục nâng cấp hệ thống phần mềm du lịch thông minh ngành du lịch tỉnh Quảng Nam cho phù hợp với các công nghệ mới. Tiếp tục thực hiện cập nhật, bổ sung thường xuyên dữ liệu du lịch mới. Tiếp tục xây dựng nền tảng hệ thống du lịch thực tế ảo trên bản đồ số và công nghệ VR360 đối với các khu, điểm du lịch, các di tích danh thắng do nhà nước quản lý và các cơ sở kinh doanh du lịch quản lý…

Sau hơn 2 năm gần như “đóng băng”, Du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với sự chủ động, sáng tạo, ngành du lịch đang nỗ lực sẵn sàng đón khách du lịch trở lại trong năm 2022 và những năm tiếp theo, trong đó chuyển đổi số chính là chìa khóa để ngành du lịch bứt phá.

Tinh thần này cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022, Du lịch Việt Nam cần kiên định với những giá trị bền vững đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế, đó là hình ảnh “Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”: “Cần có tư duy và cách làm mới để biến nguy thành cơ. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu thì hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay. Những từ khóa chủ đạo của du lịch Việt Nam giai đoạn sắp tới sẽ là hợp tác, phát triển, xanh hóa, số hóa và kết nối thân thiện.”

Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang triển khai Dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch, mục tiêu hình thành trục liên thông kết nối thông tin quản lý từ Trung ương đến địa phương và cơ sở dịch vụ; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; sàn giao dịch điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch. Những nền tảng số này sẽ hỗ trợ tích cực cho các chủ thể trong ngành du lịch hoạt động trong môi trường số.

Riêng với tỉnh Quảng Nam, ước tính, hiện tỉnh có khoảng gần 90% doanh nghiệp du lịch mở cửa hoạt động đón khách trở lại, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực lưu trú, các cơ sở du lịch, khu, điểm du lịch. Với nhiều sự kiện, hoạt động kích cầu, ngành du lịch Quảng Nam đã có những tín hiệu lạc quan về khôi phục thị trường du khách nội địa, khách quốc tế.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách tham quan, lưu trú ước đạt hơn 1,5 triệu lượt khách, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Với lợi thế về du lịch và nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, Quảng Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, xác định là chìa khóa để bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội, sớm trở thành địa phương nằm trong tốp đầu của cả nước về chuyển đổi số vào năm 2030.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu