Về lại chiến trường Quảng Trị

Đình Thiệu
Chia sẻ
(VOV5) - Thành Cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn được xem là “nghĩa trang không nấm mồ” với hàng nghìn liệt sỹ ra đi khi còn mười chín đôi mươi.

(VOV5) - Người dân ở mọi miền Tổ quốc khi đến với Quảng Trị không phải vì những danh thắng đẹp, món ăn ngon  mà họ đến đây với một tâm trạng hết sức đặc biệt đó là sự tri ân, sự kính trọng. Ai đến Quảng Trị mà không một lần ghé qua Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. 

Về lại chiến trường Quảng Trị - ảnh 1
Thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn (Ảnh: vov.vn)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Ở vùng núi cao phía Bắc tỉnh Lạng Sơn, cứ vài ba năm một lần vào dịp tháng 7, cựu chiến binh Phạm Xuân Thanh lại bắt xe đò vào Quảng Trị “viếng thăm” đồng đội. Ông Thanh là một trong số những người cuối cùng rời thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ thành cổ Quảng Trị  năm 1972.  Ông Thanh tâm sự, Quảng Trị là chiến trường, nơi ông đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất, ở đó nhiều đồng đội ông mãi mãi nằm lại. Mỗi lần vào, ông không quên mang một nắm đất, một ít nước đựng trong cây lồ ô ở quê nhà đưa vào thành cổ Quảng Trị. Nắm đất ông rải lên phần mộ, nước thì ông đổ xuống dòng sông Thạch Hãn. Ông Thanh nghĩ rằng, làm như vậy là mang quê hương vào với các Anh hùng liệt sĩ. Ông chia sẻ: "Hôm nay chúng tôi về thăm lại các đồng đội, thả hoa xuống dòng sông này, tưởng nhớ đồng đội và đồng bào ta đã hy sinh tại nơi đây. Chúng tôi cảm động vô cùng!".


Tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, là nơi yên nghỉ của gần 65 vạn liệt sĩ.  Đây là địa phương duy nhất cả nước có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Xã nào ở Quảng Trị cũng có nghĩa trang liệt sỹ. Có xã có tới 4 nghĩa trang. Thành Cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn được xem là “nghĩa trang không nấm mồ” với hàng nghìn liệt sỹ ra đi khi còn mười chín đôi mươi.


Những ngày này, đến nghĩa trang nào ở Quảng Trị cũng nghi ngút khói hương, hoa dâng đầy trên các phần mộ. Ở đó nhiều người mẹ đưa con đến thắp hương cho bố chưa hề biết mặt; có bà mẹ già lưng còng, mắt mỏi vẫn chống gậy đến thắp một nén hương thơm lên phần mộ người thân. Bàn tay mẹ khô gầy xoa nhẹ lên tấm bia mộ, vỗ về gần gũi như thuở nào mẹ từng âu yếm con mình. Ở đó, có người người gặp lại đồng đội trong âm dương cách biệt. Lần đầu về Quảng Trị, viếng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, thăm thành cổ Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Hạnh, quê ở Hải Phòng đã bật khóc: "Tôi rất bồi hồi xúc động. Lần đầu tiên đến đây thắp nén hương cho các anh hùng liệt sỹ, cũng là lời cảm tạ đến các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh".


Với người dân Quảng Trị, Tháng 7 có đến 2 ngày rằm. Nếu như ngày rằm tháng 7 Âm lịch là ngày báo hiếu thì ngày 27/7 được xem là ngày Rằm tri ân anh hùng liệt sỹ. Vào ngày này, thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn và 72 nghĩa trang trong tỉnh rực rỡ sắc hoa và lung linh hàng vạn ngọn nến hoa đăng. Tháng 7 ở Quảng Trị còn gắn với nhiều sự kiện lớn: Chiến thắng Đường 9- Khe Sanh vào tháng 7/1968, cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị diễn ra vào tháng 7/1972... Tháng Bảy ở Quảng Trị cũng là điểm đến của những tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”. Vào dịp này, nhiều hạng mục công trình được trùng tu, nâng cấp đưa vào sử dụng, nhiều tượng đài chiến thắng, bia di tích khánh thành, hàng nghìn nhà tình nghĩa, ấm tình đồng đội trao tặng gia đình chính sách... Những công trình có sự chung tay góp sức của tấm lòng gần xa, thể hiện tình cảm sâu nặng của đồng bào cả nước với anh hùng liệt sỹ. Dịp này, tỉnh Quảng Trị vừa khánh thành công trình Tượng đài chiến thắng Cửa Việt tổng kinh phí 30 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Qua Chương trình "Hùng thiêng đất mẹ", các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ 100 tỷ đồng giúp tỉnh Quảng Trị thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Lien Viet Post Bank cho biết: "Chúng tôi nghỉ rằng, để có ngày hôm nay biết bao nhiêu xương máu của  anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống. Chúng tôi có làm bao nhiêu chăng nữa về vật chất cũng khó bù đắp được công lao to lớn của Anh hùng liệt sỹ và gia đình khó khăn đang sống ở đây. Chúng tôi muốn nói lên thông điệp gửi đến lớp trẻ phải cố gắng nhiều hơn nữa với sự hy sinh mất mát của cha ông ta".


Chiến tranh đã qua 40 năm, các anh hùng liệt sỹ đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ nhưng những nghĩa cử tri ân, những tình cảm sâu nặng với các anh hùng liệt sỹ, với vùng đất thiêng Quảng Trị của người dân cả nước như mạch nguồn tuôn chảy nối tiếp bao thế hệ người Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu