Về đất Thanh Thủy xem Lễ hội Rước voi Đào Xá

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Lễ hội Đào Xá hay còn gọi là lễ hội rước voi được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Giêng, trong đó ngày 28 là ngày chính hội. 

Không chỉ thu hút bởi phong cảnh “sơn thủy hữu tình”, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, còn hấp dẫn du khách bởi những lễ hội độc đáo, mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Trong những ngày xuân này, mời quý vị và các bạn đến xã Đào Xá để hòa mình vào một trong những lễ hội lớn nhất của huyện Thanh Thủy, một Di sản văn hóa phi vật thể cấp gia, đó là lễ hội rước Voi Đào Xá.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Lễ hội Đào Xá hay còn gọi là lễ hội rước voi được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Giêng, trong đó ngày 28 là ngày chính hội. Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đã có mặt ở khu vực xung quang đình Đào Xá để cùng bốn giáp Đông, Tây, Nam, Bắc xưa kia dâng lễ cúng. 4 mâm cỗ thờ và mâm ngũ quả được chuẩn bị hết sức cầu kỳ, cẩn thận. Trên một chiếc mâm đồng, các loại quả được xếp thành hình tháp 9 tầng, cài hoa trang trí xung quanh, cao tới hơn một mét. Mâm cỗ thờ gồm có xôi nếp, gà trống luộc chín, chè kho, bánh mật, được trình bày đẹp mắt. Đặc biệt, con gà luộc chín có dáng như đang bay, da vàng óng. Ông Nguyễn Văn Tiết, khu 14, xã Đào Xá, cho biết: Để có được con gà đẹp dâng lễ, luộc gà không được luộc nhanh hay lửa to. Khi luộc phải giữ nước hơi nong nóng khi cho tay thử và phải luộc gà trong 6-7 tiếng. Luộc như vậy gà sẽ không bị rách da và khi nhấc gà ra khỏi nồi thấy nước trong chảy ra, khi đó con gà mới chín.

Về đất Thanh Thủy xem Lễ hội Rước voi Đào Xá - ảnh 1

Lễ hội Đào Xá hay còn gọi là lễ hội rước voi được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Giêng, trong đó ngày 28 là ngày chính hội. - Ảnh: báo Phú Thọ

Phần lễ được dân làng Đào Xá tổ chức trang nghiêm, thành kính để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng là Hùng Hải Công. Tương truyền, Hùng Hải Công là em trai của Hùng Vương thứ 18 cai quản vùng Tam Giang gồm địa phận xã Đào Xá, Hưng Hoá và Thọ Xuyên, đã giúp dân trị thủy làm ăn, yên vui cày cấy. Ngài kết duyên với Trang Hoa, sinh được 3 người con là Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương. Khi Trang Hoa hóa thân, Hùng Hải Công nuôi dạy các con khôn lớn rồi ông giao miền đất này cho 3 con cai quản còn mình về trông nom miền sông Nhị thuộc địa phận tỉnh Hải Dương ngày nay. Ông Trần Văn Sàng, Chủ tế lễ hội rước voi Đào Xá, cho biết: Ông Hùng Hải Công khi đi dẹp giặc về thì được Vua Hùng đã ban thưởng cho 2 đôi voi. Sau này nhân dân Đào Xá nhớ dến công ơn của Hùng Hải Công đã tôn ông làm Thành Hoàng làng, và lấy hai đôi voi để rước trong ngày hội làng.

Về đất Thanh Thủy xem Lễ hội Rước voi Đào Xá - ảnh 2Rước Voi và rước kiệu tại lễ hội.Ảnh: báo Phú Thọ

Phần lễ kết thúc cũng là khi lễ rước voi bắt đầu. Tham gia đoàn rước có tới 120 người, dẫn đầu là đôi voi to lớn, tiếp theo là ban nhạc, với đủ đàn, sáo, trống, nhị; đoàn rước 2 kiệu, kiệu bát cống 24 người khiêng và kiệu văn 8 người khiêng, đi dưới kiệu là ban tế, cuối cùng là dân làng và du khách thập phương. “Ông voi” là nét đặc trưng tiêu biểu của lễ hội với hình dáng, kích cỡ, màu sắc như voi thật, các bộ phận chân, ngà, vòi, tai, mắt rất sinh động. Mỗi “ông voi” do 2 thanh niên điều khiển, một người làm 2 chân trước điều khiển vòi, tai và 1 người làm 2 chân sau điều khiển đuôi voi. Voi được dẫn đi bởi người quản voi và người cầm lệnh điều khiển cho voi đi nhanh, chậm, rẽ phải, trái. Ông Nguyễn Xuân Khoa, người quản tượng Lễ hội rước voi Đào Xá, cho biết: Trong khi hai “ông voi” vui đùa với người dân dự hội thì đoàn người cầm cờ chạy xung quanh hai kiệu, vừa chạy vừa hô vang tạo không khí huyên náo. Cứ thế, đoàn rước sẽ rước voi từ đình ra đền rồi lại rước từ đình về đền: Bắt đầu rước và để voi cử động được phải vào đủ người và đứng dậy… Người ở trong phải đi làm sao để con voi có khí thế, thần thái… Sau khi 4 cụ tết lễ khấn vái xong, thì con voi bắt đầu vui chơi với người dân nhưng quan trọng là sự chỉ đạo của người Quản tượng.

Về đất Thanh Thủy xem Lễ hội Rước voi Đào Xá - ảnh 3 Rước Voi và rước kiệu tại lễ hội. - Ảnh: báo Phú Thọ

Khi phần lễ với những nghi thức truyền thống kết thúc thì phần hội với các trò chơi gắn liền với phong tục tập quán của địa phương cũng được bắt đầu. Trong đó thi thổi cơm là trò thi tài đua khéo hấp dẫn nhất và thu hút đông đảo người xem. Trò thổi cơm thi trong hội làng Đào Xá rất độc đáo bởi người dự thi phải giã thóc, giần, sàng thành gạo sau đó mới mới thực hiện được công đoạn nấu cơm. Bốn đội thi đại diện cho 4 giáp Đông, Tây, Nam, Bắc cử ra đội thi thổi cơm, mỗi đội gồm 4 người đàn ông được phân công một việc cụ thể: Người gánh nước, người kéo lửa, người giã thóc, người sàng gạo, người mổ gà, người nấu cơm. Ông Nguyễn Trung Khoa, Đội thi khu 14, xã Đào Xá, cho biết: Năm nào hội thì khu tôi cũng cử đội tham gia thi. Mặc dù nội dung thi vẫn thế nhưng trong không khí hào hứng như thế này ai trong đội cũng thấy phấn khởi và hồi hộp.

Lễ hội đình Đào Xá phản ánh những giá trị lịch sử, những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng thờ thủy thần của cư dân vùng đất Tổ. Đây là dịp để người dân địa phương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, dựng làng, cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, dân an, nước thịnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu