Tráng A Chu và giấc mơ làm giàu từ bản làng

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Tráng A Chu không chỉ làm thay đổi cuộc sống gia đình mình, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cả cộng đồng.

Hua Tạt là điểm du lịch cộng đồng mới nổi của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Nếu như cao nguyên Mộc Châu nổi tiếng với đồi chè, rừng thông bản Áng, là điểm dừng chân quen thuộc đối với du khách thì Hua Tạt lại hấp dẫn bởi những phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mông bản địa.

Và người góp phần làm khởi sắc tiềm năng du lịch của bản làng nằm ở cửa ngõ của tỉnh Sơn La này chính là Tráng A Chu – người con của núi rừng Hua Tạt. Với phương châm phát triển du lịch nhưng không làm mất đi cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa của dân tộc, Tráng A Chu không chỉ làm thay đổi cuộc sống gia đình mình, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cả cộng đồng.

Tráng A Chu và giấc mơ làm giàu từ bản làng - ảnh 1

Tráng A Chu biểu diễn giao lưu cùng du khách

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Homestay A Chu là một quần thể bao gồm nhà sàn và một vài bungalow nằm ngay cạnh nhà văn hóa và sân vận động của bản Hua Tạt. Năm 2014, gia đình Tráng A Chu là những người đầu tiên trong bản đã tự tay phá bỏ vườn mận, vườn đào, vay vốn cùng anh em dựng ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Nhà văn hóa và sân vận động được xây dựng khang trang cũng do một phần góp đất của gia đình A Chu.

Tráng A Chu và giấc mơ làm giàu từ bản làng - ảnh 2

Tráng A Chu cùng du khách nước ngoài

Tráng A Chu chia sẻ: "Cái thôi thúc lớn nhất là tôi đã đi làm thuê rồi và bỏ về vì công việc bấp bênh lắm. Tôi đã tốt nghiệp Đại học Công nghệ thực phẩm, mà chả làm được cái gì thì cả làng cười cho. Tôi có sẵn năng khiếu về văn nghệ, có tiếng khèn của người Mông nên có thể vận dụng những cái đó. Tôi cũng học thêm cách nấu ăn, cách làm du lịch để làm du lịch. Công việc của chúng tôi giờ phát triển cũng tốt và công việc ngày càng nhiều. Gia đình tôi cũng chia công việc cho các hộ xung quanh cùng làm du lịch".

Quyết định của A Chu lúc đầu cũng gặp ý kiến trái chiều của bà con trong bản, khi anh mang về một mô hình mới phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng thật may mắn, A Chu đã nhận được sự hỗ trợ của các công ty du lịch, mong muốn A Chu khai thác chính thế mạnh từ phong tục, tập quán của dân tộc Mông, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, chị Hàng Thị Sua luôn bên cạnh và ủng hộ chồng hết lòng.

Tráng A Chu và giấc mơ làm giàu từ bản làng - ảnh 3

Homestay A Chu lung linh về đêm

"Lúc đầu chúng tôi cũng không suy nghĩ nhiều và đồng lòng làm. Sau thấy số vốn lên cao quá, chúng tôi phải đi vay nên cũng hơi nản vì sợ không thu hồi được. Thế nhưng hai vợ chồng đã quyết tâm và vượt qua khó khăn, dần dần được các công ty giới thiệu khách cho nên giờ đỡ hơn rồi. Quan trọng nhất là hai vợ chồng lúc nào cũng đồng lòng và động viên nhau" - chị Sua nói.

Giờ đây, cơ ngơi của A Chu đã rất vững vàng. Ngôi nhà sàn độc đáo, kết hợp những nét truyền thống của ngôi nhà Mông, nhưng lại tăng thêm những tiện ích hiện đại tạo sự thoải mái cho du khách. Mái nhà lợp lá cọ, trên những hàng cột được lắp bóng điện trang trí khéo léo. Tầng một của nhà sàn được thiết kế quầy bar, các bàn cho khách ngồi ăn uống, ngắm cảnh thiên nhiên, được trang trí bằng những vật dụng độc đáo. Tất cả những vật dụng nhỏ nhất của ngôi nhà đều tạo ra vẻ hài hòa với không gian của miền cao nguyên.

Tráng A Chu và giấc mơ làm giàu từ bản làng - ảnh 4

Tráng Seo Linh thành thạo máy vi tính và đang theo học tiếng Anh

Cả nhà A Chu đều tập trung vào làm du lịch. Cậu con trai nhỏ Tráng Seo Linh cũng rất tích cực, từ việc dẫn khách đi leo núi, xuyên rừng, hay tổ chức các đội bóng đá giao hữu. Năm nay Seo Linh học lớp 5, và con đã có những suy nghĩ rất "người lớn" khi được hỏi con mong muốn điều gì: "Khi lớn lên con sẽ tiếp tục làm homestay vì con muốn giúp mọi người trong bản, cùng xây dựng bản làng đẹp hơn". 

Còn chị Hàng Thị Sua, từ khi có homestay là chị không còn phải đi nương, làm rẫy nữa mà phụ trách bếp núc nấu nướng phục vụ du khách. Những món của người Mông như gà xương đen, cá suối, lợn bản, rau rừng… được chị khéo léo gia giảm, hợp khẩu vị với những thực khách trong và ngoài nước. Căn bếp lúc nào cũng có năm, sáu cô gái người Mông ríu rít đi ra đi vào, phụ chị Sua làm bếp. 

Tráng A Chu và giấc mơ làm giàu từ bản làng - ảnh 5

Bungalow tại homestay A Chu đạt tiêu chuẩn homestay Châu Á - Thái Bình Dương

Tráng Thị Dụ làm ở đây đã 3 năm, chia sẻ: "Làm ở homestay A Chu em được tiếp xúc với nhiều người, và em hiểu rằng phong tục tảo hôn của người quê em là không tốt. Một số bạn của em mới 13 tuổi mà đã lấy chồng, còn em thì không muốn mình đi theo con đường mòn như vậy. Em vẫn đi học và đi làm ở homestay của chú A Chu, và em học được nhiều điều từ công việc này".

Tráng A Chu và giấc mơ làm giàu từ bản làng - ảnh 6

Tráng A Chu (ngoài cùng bên phải, hàng thứ 2 từ trên xuống) trên bìa sách Tourism Stories Vietnam

Đến với homestay A Chu, du khách được tìm hiểu đời sống, nếp sinh hoạt của người Mông qua các hoạt động trải nghiệm cuộc sống thú vị của đồng bào như: thu hoạch đào, mận, làm bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống... Ngoài ra, để du khách và người dân bản gần gũi với nhau hơn, homestay A Chu còn tổ chức các hoạt động giao lưu và văn nghệ do chính các thanh niên trong bản và cả vợ chồng A Chu biểu diễn. Đó là những “điểm cộng” để cho homestay A Chu nói riêng và Hua Tạt nói chung luôn được du khách yêu mến lựa chọn.

Trên cuốn sách “Những câu chuyện về du lịch Việt Nam” do Tổ chức du lịch thế giới phát hành, homestay A Chu được nhắc đến như một nơi cần phải đến, một điểm du lịch sinh thái tiêu biểu. Khi được hỏi năm qua thành công nhất của anh là gì, Tráng A Chu chia sẻ, anh vui nhất vì những vị khách đến homestay của anh đã hiểu hơn về Hua Tạt, đặc biệt có những người đã gửi tiền tài trợ xây trường, xây cầu cho vùng quê anh khởi sắc hơn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu