Tìm về ký ức- hồi ức về chiến tranh và tính nhân văn cao cả

Bùi Hằng
Chia sẻ
(VOV5) -Trưng bày là dịp để mỗi người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, để cùng góp sức xây dựng thế giới hòa bình.

Trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”, do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức, nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không (tháng 12/1972 – 12/2017), đang diễn ra tại Hà Nội. Trưng bày là dịp để mỗi người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, để cùng góp sức xây dựng thế giới hòa bình.

Nghe âm thanh tại đây:

“Đến tham quan trưng bày cũng như di tích Hỏa Lò, tôi thấy lòng mình lắng lại. Tôi thấy có rất nhiều thông tin về cuộc chiến giữa Việt Nam và Mỹ trước đây. Qua đó, tôi cũng phần nào hình dung được bối cảnh cuộc chiến.” Đó là cảm nhận của bạn Nguyễn Thị Hoa Lý, ở quận Đống Đa, Hà Nội, khi có mặt ở Trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”.

Tìm về ký ức- hồi ức về chiến tranh và tính nhân văn cao cả - ảnh 1Triển lãm chuyên đề “Tìm lại ký ức” trưng bày gần 250 hình ảnh, tài liệu, hiện vật nhằm kể lại một câu chuyện sinh động xoay quanh địa danh lịch sử: Nhà tù Hỏa Lò. 

Tại khu vực trưng bày đầu tiên với nội dung “Đối mặt với B-52”, Hoa Lý như được sống lại với hình ảnh của bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên, Thị trấn Yên Viên (Thủ đô Hà Nội); tỉnh Thái Nguyên; cầu Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa);  thành phố Hải Phòng trong 12 ngày đêm hứng chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn. Trận chiến khốc liệt tháng 12 năm 1972 được tái hiện trong sân Di tích Nhà tù Hỏa Lò, với khung nhà nham nhở còn vết cháy bom, với những căn hầm cá nhân phủ nắp rơm bên trên nắp xi-măng, và những bức ảnh người dân sống, chiến đấu và chiến thắng như thế nào trong suốt cuộc chiến ấy.

Tìm về ký ức- hồi ức về chiến tranh và tính nhân văn cao cả - ảnh 2Cánh cửa ngục được bảo toàn gần như nguyên vẹn sau hàng chục năm. 

Dừng chân tại không gian trưng bày “Khách sạn Hilton-Hà Nội”, ông Steve Krenz, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam những năm 1964, 1965, 1966, rưng rưng xúc động về những câu chuyện đậm tính nhân văn. Đặc biệt là chuyện kể về các cán bộ làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ.

Đó là những câu chuyện bằng hình ảnh được chính các phi công Mỹ từng bị bắt giam ở đây như: Trung úy Hải quân Everett Alvarez Jr, phi công đầu tiên bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam; Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber, người điều khiển máy bay F-4J bị bắn rơi tại tỉnh Nghệ An năm 1968... đưa đến.

Tìm về ký ức- hồi ức về chiến tranh và tính nhân văn cao cả - ảnh 3Xà lim ngục tối 

Ông Steve Krenz chia sẻ: Tôi từng tham chiến ở Việt Nam. Có hai hướng nhìn khác nhau. Một là của người bản địa và một là của người tham chiến. Việc tham chiến ở Việt Nam trước đây là việc tôi bắt buộc phải làm chứ không phải điều mình mong muốn. Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương và mối quan hệ hai nước càng ngày càng trở nên gần gũi và tốt đẹp hơn.

Trong khuôn viên trưng bày với chủ đề “Ngày trở về” là những bức ảnh, những hiện vật liên quan đến việc Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành trao trả những người bị hai bên giam giữ, sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973. Đó là những gương mặt vui mừng, cảm động, những giọt nước mắt hạnh phúc… khi được trở về trong vòng tay đồng đội, người thân.

Ẩn chứa trong từng bức ảnh, trong mỗi hiện vật là những câu chuyện cảm động về hơi ấm tình vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng… sau bao năm xa cách của các tù binh chính trị Việt Nam, được chính quyền Mỹ - Ngụy trao trả tại bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị... Anh David Burley, có cha từng tham chiến ở Việt Nam những năm 1966, 1967, cho biết: “Tôi rất vui khi được đến tham quan Trưng bày. Bố tôi đã từng tham chiến ở Việt Nam. Đến đây, tôi được thấy mọi thứ khác so với những gì tôi từng biết.”

Với không gian “Xây đắp tương lai” - nội dung cuối của trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”, người xem như thấy được khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam với mong muốn khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Từ năm 1973, Chính phủ Việt Nam đã chủ động tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Năm 1989, Chính phủ Hoa Kỳ đã phối hợp với Việt Nam trong các hoạt động tìm kiếm. Những cuộc “trở về” này tuy không thật trọn vẹn, nhưng đã phần nào hàn gắn, xoa dịu những nỗi buồn thời chiến.

 Tham quan Trưng bày “Tìm lại ký ức”, ông Nguyễn Quốc Thịnh, ở Hà Đông, Hà Nội, cho biết: Trước đây, các bạn của tôi từng trông coi tù binh ở đây.  Các cựu tù binh Mỹ bị bắt được đối xử rất nhân đạo; vì vậy họ rất cảm phục. Đến với trưng bày, tôi thấy lại được chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam. Chính vì vậy, hiện nay bang giao giữa Việt Nam và Mỹ rất tốt.”   

45 năm đã trôi qua, nhân dân Việt Nam vẫn luôn dành tình cảm tốt đẹp cho những người Mỹ yêu hòa bình. Trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” với gần 250 hình ảnh, tài liệu, hiện vật… đã thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và để người dân Việt Nam thêm tự hào về lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để các cựu phi công Mỹ nhớ lại một khoảng lặng trong cuộc đời để cùng góp sức chung tay với nhân dân Việt Nam xây dựng cuộc sống hạnh phúc, hòa bình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu