Thành phố Hải Dương trên chặng đường phát triển mới

Vũ Miền- Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Hải Dương trở thành đô thị đáng sống là điều mà các cấp chính quyền và người dân xứ Đông đang hướng tới.

Thành phố Hải Dương những ngày này  ngập tràn không khí náo nức của người dân vì Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận Hải Dương là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương. Với mỗi người dân Hải Dương, tháng 10 còn trào dâng những cảm xúc đặc biệt bởi mùa thu của 65 năm về trước, khi thị xã Hải Dương được giải phóng.

Thành phố Hải Dương trên chặng đường phát triển mới - ảnh 1 Thành phố Hải Dương. - Ảnh: dangcongsan.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Ở tuổi ngoài 90, ông Nguyễn Văn Hài, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã Hải Dương, vẫn vẹn nguyên ký ức của 65 năm về trước. Ngày 30/10/1954, chàng thanh niên 25 tuổi đã hòa dòng người nô nức cùng đoàn quân giải phóng với cờ đỏ sao vàng trên tay, tiếng trống khua rộn rã khắp phố phường. Sau này giữ các cương vị lãnh đạo khác nhau của thị xã, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, song cảm xúc về mùa thu năm ấy, với ông Hài luôn là những kỷ niệm đặc biệt, không bao giờ quên: "Tôi nhớ 8 giờ thì tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Phú Lương. 9 giờ thì tổ chức mit tinh ở vườn hoa Độc lập, trung tâm Thành Đông. Công bố sắc lệnh khoan hồng – Nhân dân phấn khởi, đồng tình reo vang. 10 giờ ra lệnh giới nghiêm, giờ thiết quân luật thi hành được ngay. Như vậy là trọn 1 ngày, công việc tiếp quản hoàn thành vẻ vang".

Thị xã Hải Dương sau nhiều năm bị giặc chiếm đóng, không điện, nước, rác thải đầy đường, kinh tế kiệt quệ, 80% dân số mù chữ. Những khó khăn dần được khắc phục bằng sự đoàn kết, đồng lòng của người dân và chính quyền lâm thời. Phố nghề bắt đầu hình thành với tên gọi Đông Kiều phố, gồm hàng giầy, hàng bạc, hàng đồng, hàng lọng. Các nhà máy sứ, nhà máy nước, nhà máy bơm, nhà máy mỳ sợi lớn nhất khu vực được đầu tư để vực dậy nền kinh tế lớn thứ 4 miền Bắc lúc bấy giờ. Từ nền tảng này, 65 năm qua, ý chí và nghị lực của người xứ Đông đã giúp thành phố Hải Dương phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt gần 14%, góp phần đưa tỉnh Hải Dương trở thành 1 trong 17 địa phương trong cả nước tự chủ về kinh tế.

Bấy lâu nay, hàng chục nghìn tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở Hải Dương. Những con phố cũ được mở rộng và dài, sầm uất với hàng quán tấp nập; các đại lộ, các dịch vụ công ích, cảnh quan xanh mát ngay giữa trung tâm thành phố được hình thành. Những chuyển biến ấy được nhà nhiếp ảnh Văn Cả Quyết ghi lại bằng nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng như Thành Đông 200 tuổi và Hải Dương đón chào đô thị loại II.

"Thành phố Hải Dương từ khi tôi chụp bức ảnh Thành Đông 200 năm (cách đây 15 năm) đến tác phẩm Hải Dương đón chào đô thị loại II (năm 2009) và 10 năm sau là Hải Dương đón chào đô thị loại I tôi thấy đổi mới rất nhiều. Từ bức ảnh đầu tiên không có đến một nhà cao tầng mà tôi phải trèo lên chòi của một cơ sở làm đá nhờ họ chụp ảnh từ trên cao khi bắn pháo hoa đến bức ảnh thứ hai khi thành phố chào đón sự kiện đô thị loại hai đã có san sát nhà 3 tầng. Và giờ thì từ kinh tế, xã hội đều phát triển".

Sau 65 năm, không gian đô thị Hải Dương thay đổi chóng mặt, mở rộng gấp 4 lần thị xã trước đây nhưng không vì thế mà mất đi hồn xưa, nét cũ. Các dãy nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp với tuổi đời hàng trăm năm vẫn được tận dụng làm trụ sở các cơ quan như sở Giao thông vận tải, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Quý Mùi cho biết ngôi nhà di tích cách mạng số 17 phố Đông Môn nay là phố Phạm Hồng Thái, tháp nước, phố cổ Đầu ghi, ngã Sáu, cầu Phú Lương, bến đò Hàn từng là bộ mặt đô thị của Hải Dương 65 năm về trước nay đã trở thành những công trình cổ như kết tinh văn hóa được gìn giữ đúng như cốt cách của người xứ Đông: "Nói về cốt cách của người Hải Dương thì theo tôi không nên nói khác cụ Nguyễn Trãi. Thời chiến người Hải Dương cường ngạnh, hòa bình thì thuận tòng. Cho nên cụ Nguyễn Trãi đã nói Trấn thủ xứ ấy không thể không kén chọn người. Đây là đặc điểm chung của người xứ Đông. Nhất là truyền thống hiếu học thì Hải Dương đã có làng tiến sỹ ở Mộ Trạch và bây giờ rất nhiều người Hải Dương đóng góp cho quốc gia".

 Để đô thị loại 1 không chỉ là danh xưng, tỉnh Hải Dương đã xây dựng nghị quyết phát triển mở rộng thành phố thủ phủ về 5 hướng theo hình ngôi sao với 5 đô thị vệ tinh là Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và Lai Cách (Cẩm Giàng); xây dựng 3 khu đô thị mới phía đông, phía tây và phía nam cùng hàng chục khu đô thị vừa và nhỏ khác, tổng diện tích lên tới trên 1.500 ha với mục tiêu xây dựng thành phố xanh, thân thiện, phát triển dọc theo 2 con sông trù phú Thái Bình và sông Sặt. Ông Trần Hồ Đăng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Dương, cho biết: "Mục tiêu của thành phố hoạch định trong giai đoạn mới là xây dựng đô thị xanh, đáng sống, một đô thị giàu đẹp văn minh theo đúng chủ đề của Thủ tướng Chính phủ. Và kế hoạch cụ thể thành phố sẽ tranh thủ nguồn lực, thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và tăng cường văn minh đô thị. Và hướng trung hạn sắp tới thì sẽ tái thiết khu vực trung tâm, xây dựng nhà ở xã hội thay thế khu tập thể và cải thiện điều kiện sống của người dân an toàn, hạnh phúc hơn".

Hải Dương vừa rộn ràng trong không khí Lễ công bố đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Còn rất nhiều việc phải làm nhưng mục tiêu đưa Hải Dương trở thành đô thị đáng sống là điều mà các cấp chính quyền và người dân xứ Đông đang hướng tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu