Tết đoàn tụ, sum vầy

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Tết trong quan niệm của người Việt có một ý nghĩa thiêng liêng và là thời gian để cả gia đình nghỉ ngơi, quần tụ bên nhau, cầu mong một năm mới sung túc, đầm ấm. Những người con xa quê chỉ chờ dịp cuối năm để về nhà đón tết, tận hưởng không gian mùa xuân dưới mái ấm gia đình. Với họ, hương vị tết ở quê bình dị mà thiêng liêng. Trong không khí tràn ngập sắc xuân, tiếng cười, niềm vui, mời quý vị và các bạn cùng hoà mình vào không khí đón tết của gia đình cụ Bùi Thị Các ở đất tổ Vua Hùng, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
(VOV5)- Tết trong quan niệm của người Việt có một ý nghĩa thiêng liêng và là thời gian để cả gia đình nghỉ ngơi, quần tụ bên nhau, cầu mong một năm mới sung túc, đầm ấm. Những người con xa quê chỉ chờ dịp cuối năm để về nhà đón tết, tận hưởng không gian mùa xuân dưới mái ấm gia đình. Với họ, hương vị tết ở quê bình dị mà thiêng liêng. Trong không khí tràn ngập sắc xuân, tiếng cười, niềm vui, mời quý vị và các bạn cùng hoà mình vào không khí đón tết của gia đình cụ Bùi Thị Các ở đất tổ Vua Hùng, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Tết đoàn tụ, sum vầy - ảnh 1

Nhấn vào đây để nghe âm thanh:


Đã hơn 10 năm nay, đêm giao thừa năm nào gia đình cụ Bùi Thị Các cũng tụ họp đông đủ như vậy. Khuôn mặt ai cũng rạng ngời niềm hạnh phúc, hân hoan đón chào năm mới bên những người thân yêu. Cụ Bùi Thị Các năm nay đã 84 tuổi, tự hào chứng kiến cảnh cháu con quây quần đầm ấm bên nhau: Ai cũng muốn ngày tết xa xa gần gần các con về sum họp mấy ngày. Chỉ mong các con cháu về đủ, quây quần, có to làm to, có nhỏ làm nhỏ. Đó là điều vui nhất khi sum họp gia đình.

Là con trai trưởng của cụ Các, ông Nguyễn Văn Thư muốn anh chị em, con cháu trong nhà sau một năm bươn chải, tết đến cùng nhau tề tựu về quê, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cái tết thực sự trọn vẹn khi mà anh em quây quần bên mâm cơm, nâng ly rượu chúc thọ mẹ, cùng được trải lòng về một năm vất vả mưu sinh: Ngày tết là ngày sum họp, ai cũng phấn khởi, mọi người đều vui vẻ, chia ngọt sẻ bùi về việc làm ăn trong năm. Hỏi han nhau làm ăn như thế nào. Kinh tế ra sao đó là những chia sẻ của các anh em trong gia đình. Về với cụ để ăn tết cũng mong các cụ khoẻ, để con cháu được dựa vào để hàng năm có những cái tết về sum họp gia đình. Đấy là nét văn hoá của ông cha để lại.

Nhà cụ Các có 5 người con thì có đến 4 người công tác và sinh sống ở Hà Nội nên khi tết đến, đó là dịp được trở về. Ông Nguyễn Văn Phong, con trai thứ của cụ Các, bảo rằng chỉ khi về quê đón tết cùng người thân, ăn bữa cơm gia đình, đi thăm hỏi bà con làng trên xóm dưới mới thực sự thấy tết có ý nghĩa: Không khí tết ở quê vui và đầm ấm. Hơn 20 năm ở Hà Nội nhưng năm nào cũng về quê. Cơ bản anh em đi làm xa quê, tết được gặp nhau có tình cảm, san sẻ, chuyện trò rất vui. Năm nào cũng đưa các cháu về quê, chúng rất vui vì về quê rộng rãi thoải mái và được gặp bà con họ hàng.

Từ ngày về làm dâu đất Sơn Vi, bà Lê Thị Hoa, vợ ông Thư, duy trì nếp nhà sắm đồ tết từ Hà Nội mang về biếu mẹ, dâng lên ban thờ tổ tiên ông bà. Bà Hoa bảo rằng mặc dù mẹ ở quê không thiếu thốn nhưng đó là tấm lòng thành của con cái dành cho đấng sinh thành. Mỗi lần về quê ăn tết bà đều cảm thấy xốn xang khó tả thành lời: Các con cháu, dâu rể, trai gái, tập trung tâm sự, ngồi chờ phút giao thừa, phút giây này không phải ai cũng có được. Tôi thích mẹ con, chị em, cháu chắt đoàn kết. Tâm trạng của mình muốn mãi mãi được như thế và con cháu sau này của mình vẫn cứ tiếp tục duy trì như vậy.

Người đi xa mong về gần, người ở nhà mong người đi xa, đó là tâm trạng của các thành viên trong gia đình khi Tết đến. Bà Nguyễn Thị Công, con gái của cụ Các mong Tết đến để gặp các em và quan trọng hơn, bà muốn 5 anh, chị em mang niềm vui về cho mẹ: Cả năm có một cái tết, tôi như tất cả mọi người, muốn tập trung tất cả anh em, tập trung tại nhà mẹ đẻ, nơi sinh ra mình, đó là điều thiêng liêng nhất. Đây cũng là điều ai cũng mong ước. Các em đi xa cũng mong và người ở nhà cũng mong. Quê còn có mẹ sinh ra 5 anh chị em nên ngày tết 5 anh chị em về đây một ngày hoặc mấy ngày cùng với mẹ là không có gì vui hơn.

Cả năm nhà cửa vắng hoe là thế, nhưng đến ngày tết, ngôi nhà 5 gian xây kiểu cổ: 3 gian 2 chái của cụ Các lại rộn rã tiếng nói cười. Năm nay, gia đình cụ Các có thêm niềm vui là đón cháu dâu mới về ăn tết nên cụ sắm sửa đầy đủ hơn từ bánh chưng, dưa hành... để hậu duệ hiểu hơn về nếp nhà. Cụ cẩn thận chọn con gà trống cúng thật đẹp, chân tươi, mào đỏ cho vào luộc để thắp hương. Cụ bảo những đồ lễ dâng lên tổ tiên phải là ngon, đẹp nhất để bày tỏ lòng thành, mong một năm thuận hoà lại đến với gia đình mình. Ngồi bên những đứa con thân yêu đang cười nói, thấy chúng ríu rít kể cho nhau nghe về công việc làm ăn, còn các cháu bàn luận sôi nổi về việc học, cụ Các cười mãn nguyện. Cả năm làm ăn bươn chải, tết đến các con lại được sống trong ngôi nhà từ thuở ấu thơ, được ăn những món mẹ nấu, cốt để con cháu không quên cội nguồn. Bên mâm cơm sum họp, cụ Các lại dặn dò các con như thuở họ còn thơ bé: Bây giờ các con đã trưởng thành tự lo được rồi chỉ mong các con mạnh khoẻ, làm ăn chân chính không xâm phạm cái gì của ai, của công hoặc của tư,không tham lam của xã hội hay của riêng ai. Chỉ dạy con thế thôi, mong các con mạnh khoẻ, làm ăn thật thà, chân chính.

Trong giây phút thiêng liêng của đất trời, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới, cả gia đình quây quần với một cảm giác ấm áp ngập tràn hương xuân. Như thấy, mùa xuân trọn vẹn, sum vầy như đủ đầy trong mối giao cảm Xuân Quý Tỵ./.                        

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu