Phát huy giá trị du lịch của Khu di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Thuộc tuyến du lịch trong Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Khu di tích quốc gia đặc biệt được ban tặng nhiều món quà thiên nhiên vô giá. 

Đặc biệt, nơi cội nguồn cách mạng này gắn với một giai đoạn lịch sử trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu di tích Pắc Pó) và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Rừng Trần Hưng Đạo). Nhận thấy tiềm năng lớn về du lịch, tỉnh Cao Bằng đã quan tâm đầu tư, xúc tiến quảng bá để tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc của vùng Non nước Cao Bằng. PV Đài TNVN phỏng vấn ông Đào Văn Mùi, giám đốc Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về tuyến thăm quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng, một trong hành trình không thể bỏ qua của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng?

Trong hành trình tham quan về nguồn kết hợp với các tuyến du lịch chính Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có gắn liền với 3 giá trị lớn về lịch sử của 3 khu vực khác nhau. Khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc-Pó gắn với Du lịch về nguồn, ở đây có các nguồn suối tuyệt đẹp, gắn kết với nhau để tạo thành sản phẩm riêng độc đáo cho mỗi tuyến du lịch của Công viên địa chất cũng như giá trị lịch sử của nó.

Phát huy giá trị du lịch của Khu di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng - ảnh 1 Làn nước trong xanh mát ở khu di tich Pác Pó, Cao Bằng. Ảnh Thế Vĩ.

Trong giai đoạn 1941-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và xây dựng căn cứ cách mạng sau khi bôn ba trở về từ nước ngoài để tìm đường cứu nước. Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo có một thổ nhưỡng và địa chất văn hóa khác, bao gồm  một khu rừng tự nhiên đại ngàn rộng hàng nghìn ha mà trước đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp  chọn thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao tiền, có nhiều nghề truyền thống độc đáo. Hành trình này còn kết hợp du lịch sinh thái rừng đặc dụng vườn quốc gia Phja Đén. Khu di tích quốc gia đặc biệt “Chiến thắng chiến dịch 1950” là một chuỗi vành đai biên giới gắn với các trận thắng của QĐND Việt Nam trong trận chiến dịch 1950. Đây là chiến dịch duy nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tham gia chỉ đạo, đánh thắng lực lượng quân đội Pháp tiến tới trận chiến Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954. Khu vực này hiện là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày Nùng, giáp tỉnh Lạng Sơn. Với lợi thế đó, tỉnh Cao Bằng đang phối hợp khá tốt với tỉnh Lạng Sơn để phát huy tuyến du lịch Công viên địa chất, gắn liền với các điểm di tích lịch sử này.

Phát huy giá trị du lịch của Khu di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng - ảnh 2 Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo là nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. - Ảnh HL

PV: Thưa ông, trong tuyến du lịch này, không chỉ được đến thăm nhiều địa danh lịch sử cách mạng, ngằm cảnh non nước hùng vĩ, du khách còn có những trải nghiệm thú vị nào khác?

Thuận lợi là chúng tôi có điểm du lịch kết hợp nhiều giá trị về văn hóa, cảnh quan và lịch sử. Với những sản phẩm du lịch này, chúng tôi đang tích cực trong công tác tuyên truyền phát huy để làm sao thu hút ngày càng đông đảo du khách, bằng việc kết hợp gắn tour kết nối với vùng sinh thái Phja Oắc- Phja đén ở huyện Nguyên Bình. Đây là tuyến tham quan kết hợp với nhiều giá trị về sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa với du lịch về nguồn. Chúng tôi đã xây dựng được những tuyến riêng và sản phẩm đặc sắc để làm sao khách du lịch đến 3 khu này được thưởng thức những không gian văn hóa khác nhau.

Đặc biệt, tại các làng nghề truyền thống, bà con mở gian hàng bán đặc sản địa phương phục vụ du khách. Với khách nước ngoài còn được trải nghiệm cuộc sống với dân bản địa, cảm nhận một không gian văn hóa chung trước khi thực hiện tham quan các di tích lịch sử và thắng cảnh Non nước công viên địa chất toàn cầu.

Phát huy giá trị du lịch của Khu di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng - ảnh 3Núi Các Mác trong quần thể du lịch Pắc Pó. - Ảnh HL 

PV: Vâng, thưa ông, để phát triển du lịch bền vững thì Ban quản lý có biện pháp gì để vừa có thể khai thác tối đa tiềm năng giá trị di tích mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở đây.?

Về công tác bảo tồn cảnh quan thiên nhiên quốc gia, chúng tôi phối hợp rất tốt với cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương để bảo vệ. Ở đây, mỗi hạng mục, mỗi cây đều đươc đặt tên, gắn mã chip điện tử. Tất cả đều có sự kiểm soát nghiêm túc. Ví dụ những cây bị đổ gẫy do mưa bão vừa qua, chúng tôi chỉ được phép dọn dẹp để mở đường chứ không được đưa gỗ ra ngoài. Tất cả những cây hỏng đó sẽ cho hạ xuống, chờ thời gian chúng mủn đi và tự phân hủy, từ đó tạo ra lượng sinh trưởng cung cấp nguồn dinh dưỡng và chất màu cho đất để phát triển khu rừng nguyên sinh.

Phát huy giá trị du lịch của Khu di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng - ảnh 4Tại khu rừng Trần Hưng Đạo, có nhiều cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm tuổi.  

Đây là một trong những phương án thiết thực trong bảo tồn khu thiên nhiên. Ngoài ra, chúng tôi đang cùng với chính quyền địa phương làm sao phối hợp tốt với bà con dân tộc để tiếp tục phát huy các giá trị di tích lịch sử đồng thời phát triển kinh tế nhờ vào tuyến du lịch thăm quan Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

PV: Dạ, xin trân trọng cảm ơn Ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu