Lễ hội Rằm tháng Giêng tại Bình Dương

Chia sẻ
(VOV5) - Qua từng năm, lễ hội rằm tháng giêng hòa cùng lòng hiếu khách, sự tử tế của người dân Bình Dương đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, là lễ hội đầu xuân của mọi người, mọi nhà.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hằng năm, vào dịp rằm tháng giêng, tại Bình Dương có lễ hội chùa Bà Thiên Hậu. Lễ hội đã trở thành ngày hội lớn của bà con dân tộc Hoa và dân tộc Kinh ở Nam Bộ. Lễ hội góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó của các dân tộc và trở thành nét văn hóa chung trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Rằm tháng Giêng tại Bình Dương - ảnh 1

Hàng năm, chùa Bà Thiên Hậu tổ chức lễ hội rước kiệu Bà vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch, đây được xem là lễ hội lớn nhất ở Bình Dương. - Ảnh: dulichbinhduong

Theo các tư liệu, miếu Bà được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20 ở Thủ Dầu Một với mục đích tôn kính, thờ phụng bà Thiên hậu Thánh Mẫu, xuất phát từ tín ngưỡng của ngư dân gốc Hoa đối với vị nữ thần biển cả đã che chở họ trên đường lập nghiệp ở vùng đất phương Nam. Bà được dân gian huyền thoại hóa, xem như là thần tài lộc, phù hộ cho mọi công việc làm ăn buôn bán. Mặc dù chỉ đơn thuần là một sinh họat tín ngưỡng mang tính chất dân gian, nhưng qua hàng trăm năm nay, tín ngưỡng này đã trở thành một lễ hội có quy mô lớn bậc nhất miền Đông Nam Bộ vào dịp rằm tháng giêng, với những nghi lễ văn hóa mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng đất Bình Dương. Ông Vương Vĩnh Thắng, Trưởng Ban trị sự Lễ hội Rằm tháng giêng Bình Dương, cho biết: “Hiện nay, lễ hội Rằm tháng Giêng này không còn là lễ hội của riêng người Hoa nữa mà trở thành một lễ hội dân gian. Người Kinh cũng đến đây để cầu Bà phù hộ. Chúng tôi tổ chức đưa rước kiệu Bà vào ngày Rằm để bà đi coi xem thế gian có an cư lạc nghiệp không, nếu không để bà ban ơn phù hộ thêm”.

Lễ hội rằm tháng giêng vài năm trở lại  đây ngày càng thu hút hàng trăm ngàn khách thập phương gần xa ….đến vía Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu với lòng thành kính, với tâm nguyện tốt lành. Như nhiều hoạt động tín ngưỡng thuần túy, họ cũng ước mong sao có cuộc sống an lành, thịnh vượng. Một khách hàng hương bày tỏ: “Hàng năm năm nào gần đến ngày Rằm tháng Giêng mình đều đi tới đây. Dựa vào đây để sống thoải mái, nghĩ là tâm mình có tưởng người giúp mình, để có niềm tin sống tiếp”.

Lễ hội Rằm tháng Giêng tại Bình Dương - ảnh 2Lễ hội thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong tỉnh và từ các tỉnh thành lân cận đến hành hương. - Ảnh: dulichbinhduong 

Kỳ du xuân đầu năm của mọi người thêm ý nghĩa khi mà lễ hội Rằm tháng giêng đã được các cấp chính quyền cùng người dân chung tay tổ chức công việc thiện nguyện này vì một mùa lễ hội bình yên, vì lòng mến khách của người dân Bình Dương. Đến tham gia lễ hội vào những ngày cao điểm, đâu đâu người ta cũng thấy những dòng chữ miễn phí.

Vài năm nay, từ sự chung tay của các nhà hảo tâm, một nhà vệ sinh thông minh có giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng hoạt động hoàn toàn miễn phí để phục vụ du khách gần xa trong cả năm. Ông Vương Vĩnh Thắng, Trưởng Ban trị sự Lễ hội Rằm tháng giêng Bình Dương, cho biết thêm: “Chúng tôi tổ chức những khu phát nhang miễn phí, phát nước miễn phí đồng thời phục vụ ăn uống miễn phí cho bà con đến đây được thuận tiện. Chúng tôi tỏ lòng hiếu khách của người dân Bình Dương đối với khách thập phương”.

Trong ngày Rằm tháng giêng, trước khi diễn ra phần chính của lễ hội là rước kiệu Bà, trong khuôn khổ các hoạt động, có Lễ đấu giá thánh đăng. Tham gia đấu giá có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đa số là các doanh nghiệp người Hoa. Qua đấu giá tổng số tiền thu được hàng năm khoảng từ 3- 5 tỷ đồng. Theo Ban tổ chức lễ hội, toàn bộ số tiền đấu giá trên được gây quỹ dành cho việc dạy và học tiếng Hoa ở trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Thủ Dầu Một) và dùng làm từ thiện trong năm.

Vào ngày rằm tháng giêng, ngày lễ chính, lượng khách đến viếng lễ rước kiệu Bà tăng cao hơn bình thường. Hơn 15 giờ, kiệu Bà bắt đầu xuất phát từ miếu Bà Thiên Hậu. Theo đó, 4 bang người Hoa lần lượt dẫn đầu đoàn rước kiệu, sau đó đến các đoàn lân sư rồng trong và ngoài  tỉnh. Trong tiếng kèn, trống, phèng la rộn rã, với sự mở đường của cảnh sát giao thông và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự lễ hội, lễ rước kiệu Bà đã thực sự bắt đầu. Với hàng chục đoàn lân sư rồng cùng nhiều đoàn xe hoa càng làm cho phố phường Bình Dương thêm nhộn nhịp, ngập tràn hương sắc của lễ hội.

Chị Trần Ngọc Hương, một người dân sống ở khu vực gần chùa Bà bày tỏ: “Bà Thiên Hậu là xuất phát là từ người Hoa nhưng ở đây người Kinh là nhiều. Nhưng sống gần khu vực chùa Bà được Bà phù hộ cho làm ăn suôn sẻ, may mắn nên tất cả các dân tộc không kể người Hoa người Kinh gì, cái tâm có tín ngưỡng thì ai cũng tín ngưỡng thôi”.

Lễ hội rằm tháng Giêng tại thành phố Thủ Dầu Một mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương. Lễ hội thu hút mọi người từ khắp nơi đổ về cùng thưởng thức nét văn hoá dân gian và cùng nhau hái lộc đầu năm, cùng chúc cho nhau “mưa thuận gió hoà, nhà nhà hạnh phúc”, qua đó, thắt chặt  tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, giữa các vùng miền. Qua từng năm, lễ hội rằm tháng giêng hòa cùng lòng hiếu khách, sự tử tế của người dân Bình Dương đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, là lễ hội đầu xuân của mọi người, mọi nhà.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu