Đình Tây Đằng - Di tích quốc gia đặc biệt

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Ngôi đình này chứa đựng những giá trị kiến trúc chạm khắc đặc sắc, độc đáo và được coi như một bảo tàng nghệ thuật dân gian của thế kỷ XVI.

Đình Tây Đằng ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, cách thành Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây. Ngôi đình này chứa đựng những giá trị kiến trúc chạm khắc đặc sắc, độc đáo và được coi như một bảo tàng nghệ thuật dân gian của thế kỷ XVI. Đình Tây Đằng được Chính phủ Việt Nam xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 9 tháng 12 năm 2013.

Đình Tây Đằng - Di tích quốc gia đặc biệt - ảnh 1 Toàn cảnh đình Tây Đằng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đình Tây Đằng là một trong số ít ngôi đình cổ Việt Nam được bảo tồn khá nguyên vẹn với gần 500 năm tuổi. Công trình đình Tây Đằng kiến trúc hình chữ nhật, gồm 2 hạng mục chính là Nghi Môn và Đại Bái. Vật liệu xây dựng đình ban đầu bằng gỗ mít, sau này trong quá trình tu bổ có dùng thêm một số gỗ lim.

Đi qua cổng chính ta bắt gặp một hồ nước lớn, tiếp đến là Nghi Môn, hai phía bên trái và bên phải là Tả Vu và Hữu Vu. Chính giữa là gian chính, đầu hồi phía phải của ngôi đình là một giếng cổ, nguồn nước đá ong bốn mùa trong xanh. Sau nghi môn là một sân rộng, nơi tổ chức lễ hội vào dịp Xuân về hoặc những ngày cúng tế. Ông Trần Đức Tài, Thủ từ Đình Tây Đằng, kể:  “Đình Tây Đằng thờ Tản Viên Sơn Thánh và thờ hai vị tả hữu tướng quân là Cao Sơn và Quý Minh, là hai vị tướng của Tản Viên Sơn Thánh. Ngoài ra, đình còn thờ Thần Nông để cầu mong mùa màng tốt tươi. Đình xây dựng năm 1540 đời Lê Trung Hưng, thiết kế theo kiểu nội công ngoại quốc. Đình có 3 gian và 2 chái, mặt đình hướng Tây Nam hướng về núi Tản viên. Phía trước đình là hồ bán nguyệt tượng trưng cho trời đất. Cột đồng trụ nghi môn, hai bên có 2 con nghê ở giữa có long, ly, quy, phượng gọi là tứ linh. Mái đình lợp ngói âm dương, có hình hai đao thời Lê. Các đường nét hoa văn tiêu biểu là các tượng thánh, tượng dân gian, hình tượng các con vật như trâu, ngựa, rồng, cá chép.”

Nếu như các ngôi đình khác đều có bứng ván hoặc xây tường xung quanh thì đình Tây Đằng chỉ có hệ thống cột chống dàn mái tạo nên một không gian thoáng đãng, tràn đầy ánh sáng làm nổi bật những hoa văn giá trị trong đình. Đình được dựng bằng 48 cột gỗ lớn nhỏ, 8 cột hàng ngang và 6 cột hàng dọc.

Nghệ thuật điêu khắc, trang trí kiến trúc đình Tây Đằng được thể hiện trên toàn bộ kết cấu gỗ của ngôi đình, hầu như không có mảng trống nào trên gỗ là không có chạm khắc trang trí. Nét độc đáo của đình Tây Đằng được thể hiện qua các bức chạm khắc đậm chất dân gian. Toàn bộ hơn 1.300 chi tiết chạm khắc gỗ trong đình Tây Đằng không hề trùng nhau một chi tiết nào và được bố trí hài hòa, không mang tính đối xứng như các chi tiết kiến trúc ở những ngôi đình khác. Với kỹ thuật chạm khắc đến đỉnh cao của một hình thức thao diễn, tạo nên những tác phẩm điêu khắc tuyệt tác, dù những tác phẩm này đứng riêng biệt hay hòa nhập trong một tổng thể kiến trúc. Các đề tài được tập trung vào các loại hình cơ bản như: linh vật, hình tượng con người, biểu tượng tự nhiên và cây cỏ được “vũ trụ” hóa. Các linh vật thì phổ biến nhất là rồng, lân, hươu, phượng, voi, ngựa... hay miêu tả đời sống, sinh hoạt của con người, đó là đốn củi, đuổi hổ, bắt rắn, làm xiếc, trồng lúa... Giáo sư - Tiến sĩ Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa, cho biết: “Đầu đình có hình như đầu con hổ, tả hữu vu như tay con hổ, 4 cột nghi môn như răng con hổ còn hồ bán nguyệt như là Mặt Trăng, mái đình như là biểu tượng của bầu trời. Mái đình Tây Đằng tượng trưng cho tầng trời, sinh lực và những cột đình như mang sinh lực xuống trần gian. Như thế thần linh, trời đất hòa nhập vào nhau, thể hiện ước vọng của tổ tiên thuở trước đó là ước mong được mùa để con người sinh sống. Về kiến trúc, đình có những những hình ảnh gắn với thực tế cuộc sống con người rất sinh động.”

Hàng năm, rất đông người dân, du khách trong nước và du khách quốc tế tới viếng thăm, tìm hiểu, nghiên cứu về những giá trị lịch sử, văn hóa của đình Tây Đằng. Lễ hội Đình Tây Đằng cũng là một trong những lễ hội lớn ở Xứ Đoài. Ông Trương Danh Sước, một người dân thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, cho biết: “Lễ hội đình Tây Đằng chính hội ngày 11/1 âm lịch, ngoài ra còn lễ phụ nữa vào 1/5 âm lịch. Cứ 5 năm mở hội lớn 1 lần. Lễ hội chính diễn ra trong vòng 5 ngày từ 11 - 15/1 âm lịch. Phần lễ, ban tế các cụ có 21 người, đồ lễ trước đây là lợn nay là xôi, gà. Trong ban tế đông tới 200 người theo kiệu rước Thánh Tản Viên đi chu du vui chơi tuần thú quanh làng. Phần hội có văn nghệ, chèo, quan họ, chọi gà, vật, ném còn, trò chơi dân gian.”

Đình Tây Đằng là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc đầy ắp các di vật quý giá cả về văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của ông cha. Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Xứ Đoài.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu