Đền thờ Khúc Thừa Dụ

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Đền thờ Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, là một danh lam thắng cảnh đẹp của xã Kiến Quốc cũng như tỉnh Hải Dương. 

Nằm giáp đê sông Luộc, quần thể di tích Đền thờ Khúc Thừa Dụ đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, biểu tượng đẹp về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây 

Khúc Thừa Dụ là một trong những anh hùng dân tộc có công đầu dựng nước ở thế kỷ 10. Khởi nghiệp là một hào trưởng đất Hồng Châu, nay là làng Cúc Bồ, thuộc xã Kiến Quốc, Khúc Thừa Dụ là người đã tạo dựng những nền móng ban đầu cho công cuộc giành độc lập, xây dựng nền tự chủ của đất nước, chấm dứt ách thống trị của phong kiến phương bắc trong những năm đầu thế kỷ thứ 10. Con và cháu ông là Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ tiếp tục nối nghiệp cha ông, có công củng cố độc lập, thực hiện quản lý chính quyền đến cấp làng, xã.

Đền thờ Khúc Thừa Dụ - ảnh 1Toàn cảnh đền thờ Khúc Thừa Dụ - Ảnh: dulichhaiduong.vn 

Ngày 23/7/907, Khúc Thừa Dụ mất. Ðể tưởng nhớ công lao Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, người dân trong vùng Hồng Châu đã đóng góp xây dựng đình làng Cúc Bồ trên một khoảng đất rộng ở phía nam của làng, cách đê sông Luộc chừng 300 m. Năm 2005, tỉnh Hải Dương khởi công xây dựng đền Cúc Bồ thờ ba vị Anh hùng họ Khúc là: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, ngay cạnh đình cổ làng Cúc Bồ. Công trình có tổng diện tích hơn 57.000 m2, sử dụng ba loại vật liệu chủ yếu là: Ðá xanh, gỗ lim và đồng. Đền thờ có kiến trúc độc đáo, bao gồm nhiều công trình văn hóa nghệ thuật như: Tam quan, Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hai bên có nhà Tả vu, Hữu vu, giếng mắt rồng, phù điêu đá, tượng Linh thú, hồ sen, cầu đá, tứ trụ... Tất cả được xây dựng theo kiến trúc truyền thống.

Ông Bùi Quang Triệu, Thủ từ Đền thờ Khúc Thừa Dụ, cho biết: "Đây là nơi giáo dục truyền thống của dân tộc. Khách thập phương về đây được giới thiệu về lịch sử truyền thống dựng nước của dân tộc. Nói về lịch sử dân tộc, cha ông ta đã nói rằng: Nếu muốn minh họa điều này, không có một trang nào, dòng nào không viết về thanh gươm tự vệ của đất nước, để tô hồng dòng máu của dân tộc Việt Nam."

Đền thờ Khúc Thừa Dụ - ảnh 2 Tượng thờ Khúc Thừa Dụ. - Ảnh: dulichhaiduong.vn

Nếu có một lần đến thăm Đền Khúc Thừa Dụ, du khách sẽ được đắm mình vào một không gian linh thiêng và cuốn hút. Những vẻ đẹp và hoành tráng của khuôn viên di tích là sự phản ánh đúng tầm vóc của một con người có công lao dựng nền tự chủ đầu tiên của nước nhà. Không gian kiến trúc của đền được bố trí hài hòa, với sự kết hợp của nhiều loại nguyên vật liệu, mà đặc biệt là những kết cấu điêu khắc bằng gỗ và đá. Bên cạnh đó, phải kể đến những hình khối tượng trưng cho tứ trụ, bát quái, những rồng đá, hoa sen, hình tượng tứ linh, những biểu tượng của vũ trụ, âm dương quần lợi… Đây là những tác phẩm nghệ thuật  đặc biệt, mà người nghệ nhân đã khéo léo sử dụng bàn tay, khối óc và đưa vào đó nội dung, khái niệm lịch sử và triết lí nhân sinh quan và vũ trụ quan; là những biểu tượng của sức mạnh, quyền uy… thể hiện cho tầm vóc và công lao của họ Khúc với vận mệnh đất nước.

Trung tâm của đền Khúc Thừa Dụ, được gọi là Thượng điện. Tại đây, các ban thờ được bố trí theo những quy định chuẩn mực và có nội dung ý nghĩa sâu sắc. Ban công đồng đặt chính giữa, có đặt bức hoành phi 4 chữ ghi là: “Thiên Nam Chính Khí”: dịch nghĩa là Họ Khúc là chính nghĩa trời Nam. Và hai bên là ban thờ “Lưỡng ban”, có 2 hoành phi: bên phải “Hồng Châu anh kiệt”, dịch nghĩa là: Bậc anh hùng, hào kiệt đất Hồng Châu. Bên trái “Hùng Phong do tại”: dịch nghĩa là: Phong thái anh hùng như còn đây. Tại đền Khúc Thừa Dụ còn có những bức tranh nghệ thuật có tên là “Khúc hoan ca”, mô tả cảnh thái bình, cuộc sống yên vui của cư dân dưới nền tự chủ đầu tiên; bên cạnh đó là cảnh “tụ nghĩa”, rèn quân sỹ. Nội dung mà bức tranh này chuyển tải chính là sự thể hiện cho tinh thần thượng võ, ước vọng hòa bình, ổn định phồn vinh của dân tộc Việt Nam.

Ông Phạm Viết Sắn, lãnh đạo xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, cho biết: "Trong thời gian vừa qua, xã có nhiều họat động quảng bá về Đến Khúc Thừa Dụ, ghi nhận công cao của dòng họ Khúc. Những năm vừa qua, kể từ khi khánh thành năm 2009, mỗi năm có trên 2.000 lượt du khách trong nước và nước ngoài đã đến thăm quan, chiêm ngưỡng Đền thờ Khúc Thừa Dụ, một di tích hiếm có tại địa phương.

Đền thờ Khúc Thừa Dụ - ảnh 3 Đường vào đền thơ Khúc Thừa Dụ - Ảnh: dulichhaiduong.vn

Đến thăm đền Khúc Thừa Dụ, du khách có thể trải nghiệm thực tế và tìm hiểu chân dung của gia tộc họ Khúc. Tại khu cung điện của đền, có 3 pho tượng đồng lớn: tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ đặt giữa, tượng Trung chúa Khúc Hạo bên phải, và bên trái là tượng Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ. Tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ với thanh gươm cầm trên tay thể hiện cho uy quyền và tài trí “Đức trùm thiên hạ”.. là một pho tượng có chiều sâu về thần thái, thể hiện sắc thái của một vị đế vương, có dung mạo uy nghi, khí tiết hơn người.

Đền thờ Khúc Thừa Dụ là một công trình có ý nghĩa tôn vinh công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc dòng họ Khúc thời kỳ tiền độc lập dân tộc. Cùng với ý nghĩa về văn hóa tâm linh và du lịch, Đền thờ Khúc Thừa Dụ cũng là điểm đến du lịch, tham quan, nghiên cứu lịch sử hấp dẫn trên mảnh đất Hải Dương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho muôn đời sau.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu