Đền Hùng – Nơi hội tụ những giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước. 

Dân tộc Việt Nam có bề dày hàng nghìn năm lịch sử, từ trong sâu thẳm của tâm linh Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của cộng đồng người Việt và các Vua Hùng là người có công dựng nước. Chính điều đó đã hình thành nên đời sống văn hóa tín ngưỡng rất độc đáo của cả dân tộc Việt Nam và cả dân tộc đều thờ một ông tổ chung và tất cả các di tích trong quần thể Khu di tích Đền Hùng là minh chứng rõ nét cho tín ngưỡng độc đáo ấy.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước. Xa xưa vùng đất này là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, nằm giữa hai dòng sông giống như hai dãy hào thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô xưa của các vua Hùng. Đền Hùng cách trung tâm Thành phố Việt Trì 7km về hướng Bắc, cách thủ đô Hà Nội 80km. Khu di tích lịch sử Đền Hùng được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968-979). Đến thời Hậu Lê (thế kỷ XV) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện nay. 

Với diện tích 845 héc ta, trong khu vực đền Hùng có 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa, 1 lăng và một số hạng mục kiến trúc, được xây dựng hài hoà với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Trong quần thể khu di tích đền Hùng hiện có Bảo tàng Hùng Vương, trưng bày chuyên đề về thời đại Hùng Vương. Những hiện vật được trưng bày trong bảo tàng sẽ giúp cho đồng bào hiểu về quá trình hình thành, ra đời và phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương, cán bộ phòng quản lý di tích, bảo tàng, Khu di tịch lịch sử Đền Hùng, cho biết: Và các ngôi đền ở trên núi Hùng, đó là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng. Ba ngồi đền là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng là nơi thờ 18 đời Vua Hùng. Đến Giếng là nơi thờ hai bà công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa, con gái của Vua Hùng thứ 18.

Đền Hùng – Nơi hội tụ những giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam - ảnh 1  Quang cảnh khu di tích đền Hùng. (TTXVN)

Cổng đền Hùng được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh vào năm Khải Định thứ 2 (1917), dạng vòm cuốn, cao 8,5m, gồm 2 tầng, 8 mái... Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê. Mặt trước của cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hình hổ phù.

Đi tiếp lên núi Nghĩa Lĩnh, du khách sẽ đến điểm đầu tiên đó là Đền Hạ, nơi thờ 18 đời Vua Hùng. Trong hậu cung Đền Hà có 3 long ngai bài vị, nơi thờ chung 18 đời Vua Hùng. Ở khu vực Đền Hạ thì gắn liền với câu chuyện truyền thuyết nói về nguồn gốc của người Việt. Tương truyền bà Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng ở khu vực đền Hạ, cho nên hai tiếng “đồng bào”, đồng là cùng, bào là bọc, bắt nguồn từ đây, để nói lên tinh thần đoàn kết của người dân Việt.

Đến Hạ cũng gắn với sự kiện ngày 18/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đi qua đền Hạ là đến Đền Trung, nơi gắn liền với một câu chuyện đời Hùng Vương thứ 6. Hùng Vương thứ 6 không như các đời Vua Hùng khác truyền ngôi cho con cả mà lại mở một cuộc thi tài ở khu vực đền Trung để chọn người kế vị. Lang Liêu, người con út của Hùng Vương thứ 6 đã dùng gạo nếp của quê hương để làm ra hai thứ bánh tượng trưng cho trời và đất là bánh chưng vuông, bánh dày tròn. Vua khen bánh ngon, ý hay và truyền ngôi cho Lang Liêu trở thành Hùng Vương thứ 7.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương cho biết thêm:  Trên đỉnh núi là ngôi đền Thượng, xưa kia là nơi tổ tiên người Việt thờ Trời và thần Lúa. Tương truyền vào thời đại Hùng Vương, các vua Hùng thường đem trống đồng lên đỉnh núi để tế lễ trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, muôn dân ấm no, hạnh phúc. Để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, các thế hệ sau đã lập ngôi đền để thờ các vua Hùng và những nghi lễ quan trọng nhất trong ngày Giỗ Tổ 10/3 được tổ chức ở ngôi đền Thượng mang ý nghĩa tâm linh nhất.

Đền Hùng – Nơi hội tụ những giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam - ảnh 2  Lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích Đền Hùng. (VOV)

Trong quần thể di tích Đền Hùng còn có các di tích gồm: Chùa Thiên Quang; Lăng Hùng Vương - tương truyền là mộ của vua Hùng thứ 6; Đền Giếng, được xây dựng vào thế kỷ XVIII; Đền Tổ mẫu Âu Cơ, được khởi dựng trên đỉnh núi Ốc và trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và Lạc hầu, Lạc tướng; Đền thờ Lạc Long Quân, khởi công xây dựng năm 2007, tại đồi Sim, trong đền đặt tượng Lạc Long Quân, đúc bằng đồng, bệ tượng, lư hương được tạc bằng đá khối, họa tiết trang trí tinh xảo.

Mỗi năm, Di tích lịch sử Đền Hùng đón hàng triệu lượt du khách trong nước và nước ngoài đến thăm quan, dâng hương. Chỉ tính riêng 3 tháng mùa xuân năm vừa qua, khu di tích đón gần 8 triệu lượt khách. Ông Trần Liệt Oanh, 94 tuổi, một cựu chiến binh, xúc động chia sẻ: Được về với Đền Hùng, được thắp nén hương lên tổ tiên, nhất là sắp đến ngày Giỗ Tổ. Hôm nay có lẽ là lần cuối cùng trong đời mình tôi được đến thắp hương tổ tiên của dân tộc, nơi được coi là nguồn cội của dân tộc mình, dân tộc Việt Nam. Tôi thấy có nhiều cháu nhỏ đến Đền Hùng, đây là điều rất tốt và thế hệ trẻ sẽ làm theo lời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Dân tộc Việt Nam đã có truyền thống mấy nghìn năm xây dựng và giữ nước vì vậy chúng ta phải cùng nhau bảo vệ đất nước.

Đền Hùng gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) cùng với câu ca đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Hàng ngàn năm qua, Đền Hùng luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu