Công viên địa chất Đắk Nông mang tầm công viên địa chất toàn cầu

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô nói riêng, Công viên địa chất Đắk Nông nói chung, mang những giá trị của công viên địa chất toàn cầu.

Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, thuộc quần thể công viên địa chất Đắk Nông, nằm trong địa phận tỉnh Đắk Nông, vừa lọt vào 11 hồ sơ được Global Geoparks Network chấp nhận và trình lên Ủy ban Giáo dục Văn hóa và Khoa học Liên Hợp Quốc (UNESCO) đề cử  vào danh sách công viên địa chất toàn cầu của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Kết quả cuối cùng sẽ được UNESCO công bố vào tháng 4/2020 nhưng điều này cho thấy Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô nói riêng, Công viên địa chất Đắk Nông nói chung, mang những giá trị của công viên địa chất toàn cầu.

Công viên địa chất Đắk Nông mang tầm công viên địa chất toàn cầu - ảnh 1 Núi lửa Nâm Kar - Ảnh: thanhnien.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích khoảng 2.000km2, nằm trải dài trên địa bàn 6 huyện, thị xã gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Đăk Nông. Với 55 điểm di sản địa chất, trong đó có 7 điểm di sản địa chất tầm quốc tế, công viên này hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.

Điểm nổi bật nhất trong Công viên địa chất này là hệ thống hang động núi lửa phân bố khu vực dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007, hoàn toàn hoang sơ, chưa có sự tác động của con người. Hệ thống này có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau, với tổng chiều dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa Buôn Choáh dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp. Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật bản đánh giá hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là hang động dung nham dài và đẹp nhất Đông Nam Á. Bên trong các hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm. Ông La Thế Phúc, Nguyên Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, cho biết: "Đây là vùng rất là niềm năng về di sản. Về di sản địa chất, có nhiều di sản có tiềm năng nổi trội, đa dạng. Ví dụ như hệ thống miệng núi lửa ở đèo 52, nó là độc nhất vô nhị ở Tây Nguyên. Mỗi một núi lửa được hình thành trong điều kiện địa chất khác nhau, lại mang ý nghĩa khác nhau về mặt di sản".

Giá trị lớn nhất của hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là có nhiều di vật khảo cổ là bằng chứng con người tiền sử sinh sống tại đây từ hậu kỳ đồ đá cũ (6.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (4.000 đến 3.000 năm trước công nguyên). Những phát hiện khảo cổ học này cho thấy một loại hình cư trú mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalt Tây Nguyên, từ đó mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Điều làm tăng giá trị cho công viên địa chất Đắk Nông là nó nằm giữa vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N'drong, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vườn Quốc gia Tà Đùng, Rừng đặc dụng, cụm thác Đ’ray Sáp,Trinh Nữ, Gia Long và Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk). Nếu những ngọn núi lửa hùng vĩ và những thác nước tuyệt đẹp, hệ thống hang động núi lửa  bazan vô vùng độc đáo dài nhất khu vực Đông Nam Á làm nên tuyến du lịch độc đáo thứ nhất ở Công viên địa chất Đắk Nông thì những giá trị khác cũng khiến cho Công viên địa chất Đắk Nông là địa danh đáng khám phá. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, cho biết: "Tuyến du lịch thứ hai ở Công viên địa chất Đắk Nông có tên gọi “Bản giao hưởng của làn gió mới”. Đây là hành trình về nguồn, nơi chứa đựng các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc M’nông, Êđê như: sử thi, nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống...và các di tích lịch sử thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. “Âm vang từ trái đất” là tên gọi của tuyến du lịch thứ ba, mang đến những trải nghiệm về cảnh quan thiên nhiên như hồ Tà Đùng, thác nước granit, điểm gỗ hóa thạch... và thưởng thức nhạc cụ truyền thống dân tộc tại nhà trưng bày các nhạc cụ cổ xưa, cồng chiêng người Mạ và nhà triển lãm âm thanh..."

Công viên địa chất Đắk Nông cho đến nay hoàn toàn hội đủ tiêu chí của UNESCO để trở thành công viên địa chất toàn cầu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng. Ý thức được điều này, Ban Quản lý Công viên Địa chất Đắk Nông đã phối hợp với các sở ban ngành và các địa phương để triển khai nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về di sản địa chất, cách bảo vệ, phát huy giá trị di sản đến người dân, qua đó giúp người dân tiếp cận mô hình bảo tồn và phát triển Công viên Địa chất Đắk Nông một cách đầy đủ nhất, đồng thời quảng bá hình ảnh Công viên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu