Chuyện kể về một thời oanh liệt của một cựu binh

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Những ký ức về một thời oanh liệt vẫn sống động trong ông như mới hôm qua.
(VOV5) - Những ký ức về một thời oanh liệt vẫn sống động trong ông như mới hôm qua.

Đến khu 3, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, ai cũng biết cựu chiến binh Nguyễn Đức Môn, người đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những ký ức về một thời oanh liệt vẫn sống động trong ông như mới hôm qua.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Năm nay đã 85 tuổi, vẫn còn minh mẫn, nhắc đến Điện Biên Phủ, mắt ông Nguyễn Đức Môn sáng lên và hồi tưởng về một thời kỳ hào hùng cách đây tròn 60 năm.

Năm 1954, ông Nguyễn Đức Môn thuộc trung đoàn 141, sư đoàn 312. Sau 3 tháng hành quân từ Ninh Bình, vừa đi vừa học tập, trung đoàn vào đến Điện Biên, đóng quân gần khu vực đồi Him Lam. Là người có sức vóc nhỏ nhắn, ông Môn được phân công vào đội tải thương, tiểu đoàn 2. Tuy có hơi buồn vì không được trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng ông vẫn hăng hái tham gia thực hiện nhiệm vụ mới: Chúng tôi đưa những thương binh từ mặt trận đưa xuống hào. Nhiều khi đạn bắn nhiều quá thì phải kéo người xuống giao thông hào, những người bị thương kéo xuống để bộ phận sau đến tiếp tục, cứ từng đoạn, từng đoạn một. Đi một vài chuyến thì đều quen.

Những đường giao thông hào ngoằn ngoèo trên mặt trận ở Him Lam, khu vực Sân bay và đồi A1 cũng gắn bó với ông Môn ngay từ những ngày đầu mới tham gia trận đánh Điện Biên Phủ: Đào giao thông hào cũng rất là kỳ cục. Trước khi đi phải đội mũ rơm, quấn tròn trên đầu, mặc áo, đi găng và cái xẻng. Trên chỉ huy đã căn giao thông hào, đi chéo, cứ thế đào, từng nấc từng nấc một. Một tiểu đội chi làm ba nhóm. Cứ như thế tiến hành, đến một cái là cúi xuống và đào.  Đào từ trên xuống, đào hầm để giấu tbinh, giấu ở đấy, giữa lối đi để cho bộ binh lên đi chiến đấu. Đào vào buổi đêm.

Ông kể, người ở dưới đào đến đâu hất đất lên thì ở trên đã có người ứng trực sẵn, san đất cho phẳng và kéo cành cây ngụy trang. Ông chợt ngừng lời khi nghĩ tới một người bạn, một người đồng hương đã nằm lại trên chiến trường: Lúc còn sống ở doanh trại đi ra mặt trận thì còn gặp, đến hôm sau đi ra đánh nhau thì chết. Có những bạn như Khánh ở Diêm Điền. Gặp nhau, Khánh nói: tao xin ra mặt trận, lần này quyết lập công. Vừa vào giao thông hào thì bị đạn bắn vào đầu.

Trong thời gian làm nhiệm vụ cán thương, có những hình ảnh về những người đồng đội tới giờ ông vẫn không thể quên: Đến giao thông hào có những người bị thương nằm. Nhớ nhất là có một ông ngồi cạnh giao thông hào, chân tay cụt hết rồi, chỉ còn mông thôi, và cứ há mồm ra nói: cho hớp nước. Đặc biệt nhất là trong trận đánh sân bay lần cuối cùng có đại đội trưởng tên là Bằng, bị thương nặng, anh em rút hết quân rồi. Mình tôi với ông. Tôi cõng ông  từ giao thông hào lên để đưa ra bên ngoài dòng kiểm sóat, khoảng độ 300m. Tôi thì bé nhỏ, khoảng 40 cân, cõng ông trên lưng, Mình vừa bò, vừa kéo, vừa đẩy đi, từ giao thông hào đi lên, bò ra ngoài hàng rào, ra đến ngoài thì anh em đến giúp đỡ, đưa đi. 

Chuyện kể về một thời oanh liệt của một cựu binh - ảnh 1
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Môn ( bên trái) trước khu mộ Nguyễn Đức Cảnh

Sau lần ấy, ông được tuyên dương và tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua của trung đoàn 141 và được nhận huân chương chiến công hạng 3. Và đến tháng 9 năm 1954 ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trong thời kỳ kháng chiến, đã biết bao người con tỉnh Thái Bình như ông Môn lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay vẫn còn 118 cựu binh Điện Biên sống tại huyện Thái Thụy. Nói về sự đóng góp của những cựu binh quê lúa, ông Bùi Đức Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thái Thụy cho biết:Đây là một trang sử vẻ vang của cả dân tộc, trong đó có đóng góp quan trọng của những cựu chiến binh trong thời kỳ năm 1954. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân phấn khởi, chúng tôi tự hào, kẻ địch khiếp sợ.

Năm 1980, ông Nguyễn Đức Môn xuất ngũ trở về quê nhà Diêm Điền, chăm lo cho gia đình và dòng tộc. Là cháu ruột của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, ông nguyện gắn bó thời gian cuối đời để lo hương khói, phụng thờ tại Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh. Ngồi trong ngôi nhà nhỏ nép mình bên góc trái của Khu Lăng mộ, ông say sưa kể về quá trình tìm kiếm phần mộ của vị lãnh tụ đầu tiên của phòng trào công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam. Câu chuyện bị ngắt quãng giữa chừng bởi có đoàn khách đến thăm.

Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, ông hướng dẫn đoàn khách thắp hương trước nhà thờ tổ rồi Đài tưởng niệm. Trong khu mộ Nguyễn Đức Cảnh, ông lại giới thiệu về thân thế của người chú ruột mình với một giọng nói rõ ràng, mạch lạc, tình cảm chân thành, khiến người nghe xúc động và khâm phục về sự nghiệp của vị tiền bối cách mạng.

Với 85 tuổi đời, 60 năm tuổi đảng, trong cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Đức Môn vẫn thường xuyên giáo dục con cháu giữ vững truyền thống cách mạng của gia đình và là tấm gương về sự mẫu mực của chiến sĩ Điện Biên năm xưa./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu