Bến cảng Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh – Nơi ghi dấu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vũ Hường
Chia sẻ
(VOV5) -  Vào ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc bấy giờ lấy tên là Nguyễn Văn Ba) đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville, ra đi tìm đường cứu nước. 

Bến cảng Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây ngoài trưng bày những hiện vật gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Người, còn đặc biệt ghi dấu sự kiện ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu hành trình rời Việt Nam bôn ba thế giới để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, bắt đầu từ Bến cảng Nhà Rồng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Bảo tàng Hồ Chí Minh đặt trong ngôi nhà trước đây là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế (Messageries Impériales), một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng từ giữa năm 1862 và hoàn thành vào năm 1863 với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "Lưỡng long chầu nguyệt" nên được gọi là Nhà Rồng, và bến cảng nơi đây cũng mang tên là Bến cảng Nhà Rồng. Năm 1870, Công ty Vận tải Hoàng đế (Hotel des Messageries Impériales) đổi thành công ty Vận tải Hàng hải (Messageries Maritimes).
Bến cảng Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh – Nơi ghi dấu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 1Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
(Ảnh: Phạm Cường)

Năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại ở Việt Nam, thương cảng Sài Gòn – trong đó có Nhà Rồng được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý. Năm 1965, ngôi Nhà Rồng do quân đội Mỹ sử dụng làm trụ sở của Cơ quan Tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ. Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, Nhà Rồng - biểu tượng của cảng Sài Gòn - thuộc Cục đường biển Việt Nam quản lý. 

Một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến cảng Nhà Rồng là vào ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc bấy giờ lấy tên là Nguyễn Văn Ba) đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville, ra đi tìm đường cứu nước.  Để ghi nhớ sự kiện trên, sau ngày đất nước thống nhất, ngôi Nhà Rồng được giữ lại làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến năm 1995 chuyển thành "Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh". 

Bến cảng Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh – Nơi ghi dấu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 2Bảo tàng trưng bày hình ảnh, tư liệu có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu đến khi ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: VOV

Chị Phan Quế Huỳnh, Thuyết minh viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết:  Tại Bảo tàng có trưng bày mô hình con tàu Amiral Latouche Tréville. Con tàu thuộc công ty vận tải hợp nhất hay còn gọi là hãng 5 sao, là 1 trong 6 con tàu buôn hạng sang thuộc hãng 5 sao. Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, trang sổ theo dõi tàu ra vào cảng Sài Gòn 6/1911, có đề ngày 2/6/1911 tàu từ Hải Phòng đã cập cảng Nhà Rồng, lúc đó gọi là cảng Sài Gòn, hãng 5 sao đã tuyển thêm 1 số nhân sự làm việc trên tàu, trong số những người xin việc có người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lấy tên là Văn Ba, được nhân vào chân phụ bếp.

Riêng về Bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng có cấu trúc 1 trệt, 2 lầu với 7 phòng trưng bày theo chủ đề và 8 gian trưng bày khác với tổng diện tích gần 1.500 m2, giới thiệu khoảng 11.000 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong đó có 03 phòng trưng bày đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, tình cảm sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Nhân dân miền Nam và tình cảm của Nhân dân miền nam dành cho Người: "Những tư liệu, hình ảnh,  hiện vật được trưng bày tại bảo tàng thì đều có những sự kiện lịch sử, mang trong mình những câu chuyện riêng. Có thể kể đến trang sổ lương của các thủy thủ đoàn tàu Amiral Latouche Tréville trang sổ lượng cùng những tư liệu hiện vật tại bảo tàng có thể giúp khách tham quan có thể hiểu hơn về cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước đầy gian khổ của Bác Hồ."

Bến cảng Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh – Nơi ghi dấu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 3Bảo tàng thường xuyên tổ chức các triển lãm trưng bày hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VOV

Những dịp Quốc khánh (2/9) hay kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, đón rất đông du khách tới thăm và tưởng nhớ đến Người. Dù ở tuổi niên thiếu hay đã cao niên, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, mọi người đều bày tỏ niềm kính yêu và biết ơn trước công ơn trời biển của Người.

Sau đây là chia sẻ của một số du khách  :"Mỗi lần đến đây thì mình tự hào là một công dân của một dân tộc có vị cha già đã chăm lo cho dân tộc mình như thế. Mỗi lần đến đây cảm xúc nó trào dâng lắm. Ngay cả khi dẫn con đến đây tham quan cũng vậy, mình muốn mình háo hức, muốn giới thiệu cho con mình biết trước địa chỉ này, để sau này khi các con học tới sẽ có cảm nhận khác”."

"Con đến đây rất là vui. Cảm thấy được tìm hiểu nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh và con hứa là sẽ chăm chỉ là học giỏi hơn."

Với giá trị lịch sử gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành biểu tượng của thành phố mang tên Người và là niềm tự hào của nhân dân cả nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu