Đảm bảo an sinh xã hội: điểm sáng của Việt Nam trong năm 2021

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -  An sinh xã hội là một trong những trụ cột cơ bản của hệ thống chính sách xã hội ở Việt Nam. 

Trong năm 2021, Việt Nam ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ, triển khai khẩn trương các biện pháp hỗ trợ để giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19. Do đó, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của quốc gia, đảm bảo quyền con người.

Các trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội gồm tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và giảm nghèo do nhà nước làm chủ đạo, tạo ra một lưới an toàn nhiều tầng cho tất cả các thành viên, các nhóm xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh đại dịch COVID - 19, Chính phủ ban hành 3 gói chính sách an sinh lớn. Nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách.

 Đảm bảo an sinh xã hội: điểm sáng của Việt Nam trong năm 2021 - ảnh 1Tặng quà cho các hộ dân trong khu cách ly ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

Kịp thời, hiệu quả

Thống kê của Bộ lao động, thương binh và xã hội cho biết năm 2021, hơn 740 nghìn lượt người sử dụng lao động và trên 42,8 triệu lượt người dân... được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Tổng kinh phí là gần 71,5 nghìn tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ hướng tới 3 nhóm lớn: nhóm chính sách về bảo hiểm; nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền; nhóm chính sách cho vay vốn. Đặc biệt, Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là chính sách chưa từng có tiền lệ, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động.

Ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ theo các nghị quyết của Chính phủ, một số chính sách an sinh xã hội khác cũng được triển khai trong năm 2021. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với 46 tỉnh, thành phố hỗ trợ gần 15 tỷ đồng cho hơn hơn 4 nghìn trẻ em mồ côi cha, mẹ do COVID-19 và trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19…

Bên cạnh chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay, để cho chính sách an sinh xã hội thêm bền vững, Việt Nam kịp thời triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và an toàn phòng chống dịch COVID-19, như: đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, linh hoạt trong chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế… Việc chi trả nhanh, gọn, dứt điểm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đúng lúc người lao động, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với cuộc sống người lao động, nhất là những lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Phục hồi thị trường lao động

Một trong những yếu tố đảm bảo an sinh xã hội là chăm lo cho người lao động, hỗ trợ và phục hồi thị trường lao động. Trong năm 2021, Việt Nam ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Mục tiêu là duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%. Chương trình nhằm hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay lại làm việc.

Nhằm tạo việc làm tốt, thu nhập bền vững, cũng như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lao động, Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động còn hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất an toàn, đồng thời thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ kết nối cung - cầu lao động. Một trong sáu nhiệm vụ chính được đề ra, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc; hướng dẫn người sử dụng lao động về các cơ chế vay tiền để trả lương; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng; chi phí tuyển dụng lao động thông qua trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc; đào tạo trực tiếp cho lao động địa phương phù hợp với diễn biến của dịch bệnh; bổ sung thêm nguồn vốn vào Quỹ Quốc gia về việc làm.

Những thành quả về an sinh xã hội năm 2021 cho thấy quyền lợi an sinh của người dân tiếp tục được quan tâm đảm bảo tốt hơn trong đại dịch COVID - 19, góp phần đảm bảo một trong những quyền con người cơ bản, được xếp vào nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hoá trong Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (UDHR) năm 1948./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu