Thiết bị hỗ trợ thở “Made in 108” ra lò

Chia sẻ
(VOV5) - Đoàn thanh niên của đơn vị có thể triển khai sản xuất 150-200 máy/tuần khi có yêu cầu.  Chi phí sản phẩm hoàn thiện một sản phẩm chưa đến 20 triệu đồng.

Tại Việt Nam, lượng máy thở trong các bệnh viện, cơ sở y tế hiện nay ước tính khoảng 4.000 chiếc các loại. Điều này đặt ra nguy cơ thiếu máy thở nếu số người nhiễm Covid-19 tăng cao.

Thiết bị hỗ trợ thở “Made in 108” ra lò - ảnh 1
Cán bộ, kỹ sư Khoa Trang bị (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) với thiết bị hỗ trợ thở ASS1-108.

Nhận rõ nguy cơ tiềm ẩn, nhằm chủ động phương tiện, trang bị để cán bộ, nhân viên y tế đủ khả năng cứu chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19, thực hiện các biện pháp phòng dịch, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, đoàn viên, thanh niên Khoa Trang bị, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108 bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị hỗ trợ thở Ambu Smart Squeezer ver.1.0 BV108 (gọi tắt là ASS1-108). Thiết bị góp phần rất quan trọng giúp hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và các đối tượng khác cần hỗ trợ thở máy. Sản phẩm có cấu tạo chính gồm: Một bóng Ambu và hệ thống điều khiển cảm biến, cùng hệ thống và cơ cấu chấp hành. Cơ cấu cơ khí được thiết kế linh hoạt và tiến hành gia công trên hệ thống máy CNC có độ chính xác cao tại Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng.

Thiếu tá Đặng Nam Thắng, Phó chủ nhiệm Khoa Trang bị, Bệnh viện TƯQĐ 108 thông tin: “Thiết bị trợ thở này có đủ các tính năng cơ bản của một máy thở thực thụ như: Cung cấp lượng khí vào phổi hằng định; có thể điều chỉnh, kiểm soát những thay đổi về áp lực, tần số thở, duy trì được áp lực dương cuối kỳ thở ra, cảnh báo một số thông số an toàn... Chi phí sản phẩm hoàn thiện một sản phẩm chưa đến 20 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với một máy thở nhập khẩu hiện nay. Đặc biệt, trong tình huống quá tải về người bệnh cần hỗ trợ thở máy, thiếu máy thở và nhân lực, có thể sử dụng thiết bị này thay thế việc bóp bóng Ambu thủ công, hoặc có thể hỗ trợ thở kéo dài cho một số đối tượng bệnh nhân khác”.

Theo Thiếu tá, kỹ sư Trần Văn Diện, Khoa Trang bị, tác giả chính của công trình nghiên cứu này, trong điều kiện hiện nay, cán bộ, kỹ sư, đoàn thanh niên của đơn vị có thể triển khai sản xuất 150-200 máy/tuần khi có yêu cầu. Đây chính là lượng trang bị tối cần thiết nếu bệnh viện phải tiếp nhận, cứu chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi dịch bùng phát diện rộng. 

Thiết bị hỗ trợ thở ASS1-108 được Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện TƯQĐ 108 đánh giá cao bởi tính tiện ích và hiệu quả; đồng thời rất phù hợp cho bệnh nhân cần hỗ trợ thở. Hiện nay, sản phẩm đang được tiến hành các bước để đề nghị công nhận sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quân đội và ngành y tế.

Bài và ảnh: GIA HUY/qdnd.vn

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu