Những tấm lòng chia sẻ yêu thương cùng vượt qua mùa dịch

Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên
Chia sẻ
(VOV5) - Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường 9, thành phố Đà Lạt, cho biết, việc huy động các nguồn lực để đảm bảo công tác an sinh xã hội là việc làm thường xuyên của địa phương.

Với tinh thần "Chia sẻ yêu thương vượt qua mùa dịch", ngày 14/4 hơn 300 suất quà gồm tiền mặt, gạo, mì tôm, dầu ăn và rau củ đã được UBND phường 8, phường 9 phối hợp với Công ty Việt Farm trao tặng  người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa của địa phương, giúp người nghèo, người tàn tật, người bán vé số ấm lòng hơn trong mùa dịch.

Những tấm lòng chia sẻ yêu thương cùng vượt qua mùa dịch - ảnh 1
                                        Người khó khăn nhận quà hỗ trợ

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Có mặt từ sớm để nhận quà, bà Hoàng Thị Huệ ở tổ dân phố Mê Linh, phường 9, thành phố Đà Lạt chia sẻ: Gia đình bà vào Lâm Đồng làm thuê đã 10 năm nay, cuộc sống của hai vợ chồng già chỉ dựa vào tiền đi lượm ve chai và bán vé số. Mỗi tháng gia đình trả tiền nhà trọ hơn 1 triệu đồng và mua thức ăn nên không còn dư giả được bao nhiêu. Từ ngày thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh hai vợ chồng không làm gì ra tiền nên cuộc sống rất khó khăn.

“Tôi chân thành cảm ơn rất nhiều tấm lòng của các công ty, phường và các đoàn thể đã giúp đỡ cho tôi trong lúc khó khăn này.”, bà Huệ chia sẻ.

Từ sau Tết Nguyên đán khi dịch bệnh bùng phát công việc trông trẻ của bà Lê Thị Hồng Nguyệt (67 tuổi) ở phường 9, thành phố Đà Lạt cũng bị tạm ngưng nên gia đình bà thiếu trước hụt sau. Để có tiền sinh hoạt và chăm sóc mẹ già 95 tuổi, bà phải đi vay mượn khắp nơi.

Những tấm lòng chia sẻ yêu thương cùng vượt qua mùa dịch - ảnh 2
          Những phần quà giúp người khó khăn vượt qua dịch bệnh

“Trong năm tôi có giữ mấy đứa trẻ, bây giờ dịch bệnh họ không gửi nữa. Giờ tôi ở nhà trông mẹ, mẹ tôi năm nay 95 tuổi rồi. Tôi rất cảm ơn đã được Nhà nước quan tâm tới gia đình.”, bà Nguyệt cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường 9, thành phố Đà Lạt, cho biết, việc huy động các nguồn lực để đảm bảo công tác an sinh xã hội là việc làm thường xuyên của địa phương. Nhưng từ khi dịch Covid-19 phát sinh, công tác này càng được quan tâm nhiều hơn. Nhiều nhà hảo tâm cũng đã chia sẻ với địa phương trong công tác này.

“Đa số phần quà chúng tôi xuất tiền từ Quỹ người nghèo của địa phương và ngoài ra vận động các doanh nghiệp đóng góp để chia sẻ thêm với bà con. Đối với suất quà chúng tôi chia ra làm hai loại, phần đầu tiên mỗi suất quà trị giá 1,5 triệu đồng dành cho những người đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Phần quà thứ hai có trị giá 500.000 đồng”.

Tương tự tại UBND phường 8, hơn 100 suất quà đã được trao tận tay đến những người tàn tật, người nghèo và đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch bệnh. Nhận gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm và 200.000 đồng từ các nhà hảo tâm chị Nguyễn Thị Ngọc, một người khuyết tật làm nghề bán vé số, xúc động: “Tôi thuê nhà trọ ở một mình. Tôi bị tàn tật từ nhỏ nên đi vào đây bán vé số. Nhận được những phần quà này tôi rất mừng và cảm ơn các anh chị đã giúp đỡ”.

Những tấm lòng chia sẻ yêu thương cùng vượt qua mùa dịch - ảnh 3
Cán bộ, nhân viên phường 9, thành phố Đà Lạt hỗ trợ người tàn tật nhận quà

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Công ty Việt Farm, hơn 300 phần quà được trao đến tay người khó khăn là tấm lòng của cán bộ, công nhân viên công ty trích một ngày lương để đóng góp. Thời gian tới, các thành viên của công ty sẽ tiếp tục quyên góp, giúp các cảnh đời khó khăn vượt qua mùa dịch.

“Ngoài danh sách mà UBND phường lập và đã đi đến từng nhà khảo sát hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ. Bên công ty sẽ phát thêm những suất quà nữa ngoài danh sách như người tàn, tật, người không có khả lao động chính trong mùa dịch này.”, chị Thanh Tuyền cho biết thêm.

Nghĩa cử cao đẹp của những tổ chức, các nhân đã tiếp thêm niềm tin cho những mảnh đời nghèo khó trong mùa dịch để họ vượt qua khó khăn, đồng lòng cùng cả nước đẩy lùi dịch Covid -19.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu