Xuân về trên những bàn tay: workshop hướng nghiệp cho trẻ tự kỉ

Ngọc Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Hoạt động nhằm góp một mảng màu sáng tươi trên mảng màu chung trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ tự kỉ, phần nào đưa trẻ tự kỉ ra ngoài không gian an toàn, hòa nhập với cộng đồng.

Ngày 8/1, tại sân khấu chính Phố Sách Hà Nội, diễn ra chương trình Xuân về trên những bàn tay workshop hướng nghiệp cho trẻ tự kỉ do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và 9 trung tâm giáo dục, đào tạo nghề cho trẻ tự kỉ tổ chức.

Chương trình sẽ có hoạt động trao quà Tết, trẻ em tự kỉ giới thiệu về sản phẩm của trung tâm mình, hoạt động thiết kế lì xì và các hoạt động vui chơi tương tác khác. Tại chương trình cũng bày bán các sản phẩm hướng nghiệp do trẻ tự kỷ thực hiện.

Xuân về trên những bàn tay: workshop hướng nghiệp cho trẻ tự kỉ - ảnh 1Các trẻ em tập làm sản phẩm.

Để trẻ tự kỉ được “trở về” với cuộc sống bình thường, ngoài việc học ăn, học nói, học chữ, học số như người bình thường, các phụ huynh còn có một mong mỏi lớn, là con em mình được đào tạo nghề, có cơ hội tự lập khi đến tuổi trưởng thành. Sự kiện “Xuân về trên những bàn tay” được tổ chức tại Phố sách Hà Nội lần này thể hiện mong muốn đó của các bậc phụ huynh và những người làm công tác giáo dục trẻ tự kỉ tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

Xuân về trên những bàn tay: workshop hướng nghiệp cho trẻ tự kỉ - ảnh 2Sản phẩm do trẻ tự kỷ thực hiện sẽ được bày bán tại khu vực workshop

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, TBT NXB Phụ nữ cho biết: “Bằng việc phối hợp với Phố sách Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỉ Hà Nội tổ chức sự kiện Xuân về trên những bàn tay, dành hẳn một ngày Hội cho các gia đình, trung tâm giáo dục trẻ tự kỉ đoàn tụ, với các chương trình ca nhạc do trẻ tự kỉ biểu diễn, các sản phẩm do trẻ tự kỉ tự làm, cùng các trò chơi tương tác…, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam mong muốn góp một mảng màu sáng tươi trên mảng màu chung trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ tự kỉ, phần nào đưa trẻ tự kỉ ra ngoài không gian an toàn, hòa nhập với cộng đồng.”

Xuân về trên những bàn tay: workshop hướng nghiệp cho trẻ tự kỉ - ảnh 3Sản phẩm trang trí Tết do trẻ em tự kỷ thực hiện.

Trước đó, trong những hoạt động liên quan đến việc nâng cao dân trí về vấn đề trẻ tự kỷ, tháng 4/2019, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức chuỗi ra mắt series sách Nuôi dạy trẻ tự kỉ. Series sách cho trẻ tự kỷ xuất bản lần đầu gồm 5 cuốn, trong đó có 3 cuốn sách của các tác giả nước ngoài - những chuyên gia, huấn luyện viên có chứng chỉ quốc tế về can thiệp và chăm sóc trẻ tự kỷ - được dịch sang tiếng Việt (Thúc đẩy giao tiếp – 300 trò chơi và hoạt động cho trẻ tự kỷ; Can thiệp phổ tự kỷ hằng ngày - Kết hợp giáo dục trong những hoạt động hằng ngày cho trẻ và gia đình; Hướng dẫn cha mẹ thực hành kỹ năng trị liệu hoạt động cho trẻ tự kỷ - Thực hành kỹ năng vận động, phối hợp cảm giác, tự đi vệ sinh…) và 2 cuốn sách viết bằng tiếng Việt (Nuôi dạy trẻ có rối loạn phổ tự kỷ trong môi trường gia đình; Những đứa trẻ mộng mơ) của các tác giả Việt - những bác sĩ, chuyên gia tâm lý, chuyên gia can thiệp trị liệu đặc biệt… có nghiên cứu chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm điều trị và can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Giống như những bàn tay dẫn lối, series Sách cho trẻ tự kỷ là những cuốn “cẩm nang” bổ ích cho nhiều gia đình, nhất là các gia đình ở các vùng nông thôn ít có điều kiện tiếp xúc với Internet, những vùng chưa có các trung tâm giáo dục chuyên biệt cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Đồng thời những cuốn sách này cũng là những nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các cán bộ mới bắt đầu bước vào lĩnh vực can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.

Đến tháng 12/2020, tại Phố sách Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ra mắt bộ sách Con về, Con về không phải bởi phép màu, góp phần làm đầy đặn tủ sách nuôi dạy trẻ tự kỉ của Nxb Phụ nữ Việt Nam.

Đây  là bộ đôi sách kể về quá trình nuôi, dạy trẻ tự kỉ, được viết bởi tác giả Đào Hải Ninh và các giáo viên của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Hỗ trợ trẻ tự kỉ Tuệ Quang. Bằng kinh nghiệm thực tế, các tác giả khẳng định: “Mỗi đứa trẻ tự kỉ là một thế giới khép kín. Hãy kiên nhẫn gõ cửa, điều kì diệu sẽ xảy ra”.

Mong muốn của các tác giả, cũng như của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, khi xuất bản hai cuốn sách này, là tiếp thêm niềm tin cho các bậc cha mẹ, ông bà, người thân và người làm việc với trẻ tự kỉ, rằng, bằng tình yêu thương, sự hiểu biết và nhẫn nại, họ có thể đưa một trẻ tự kỉ “trở về” với cuộc sống bình thường.

9 trung tâm giáo dục, đào tạo nghề cho trẻ tự kỉ, tham gia workshop hướng nghiệp cho trẻ tự kỉ, gồm: Trung tâm SEED, Trung tâm Albert Einstein, Trung tâm Vkagbe, Trung tâm Giáo Dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội, Trung tâm Sfora Hà Đông, Trung tâm Khánh An - Thái Nguyên, Trung tâm Hand in Hand, Trung tâm cô Thuý ở Hải Phòng, Câu lạc bộ Tự kỉ Thanh Hoá. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu