Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng và hạnh phúc!

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 28/6/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 28/06 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Đây là dịp để xã hội tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình; là dịp để mọi người giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
(VOV5) - Ngày 28/6/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 28/06 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Đây là dịp để xã hội tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình; là dịp để mọi người giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng và hạnh phúc! - ảnh 1
Ảnh minh họa theo:baoyenbai.com.vn


Nghe âm thanh tại đây:

Gia đình Việt Nam đang trong quá trình biến đổi mạnh mẽ từ truyền thống sang hiện đại. Nhiều giá trị văn hóa quý báu của gia đình truyền thống cũng như hiện đại đang cùng hiện diện trong đời sống gia đình Việt Nam. Để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự trở thành tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là mục tiêu mà mỗi người dân trong xã hội hướng tới. Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: "15 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để làm hành lang cho công tác quản lý gia đình, cùng với đó phát động được các phong trào, các chương trình hành động cao ở các lĩnh vực như giáo dục đạo đức hay tấm gương sáng trong việc dạy con ngoan và ông bà cha mẹ gương mẫu, cháu con thảo hiền… đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.Qua các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư thì tỷ lệ gia đình văn hóa cũng đã được nâng lên. Chính gia đình được củng cố, kiện toàn và xây dựng với chủ đề là ấm no hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng và bền vững nó đã đóng góp cho việc xóa đói, giảm nghèo để giải quyết các vấn đề xã hội và tạo ra hưng phấn trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thành viên của gia đình".

Theo thời gian, cơ cấu của gia đình Việt Nam có nhiều biến đổi. Gia đình hạt nhân chiếm đa số, mỗi cặp vợ chồng có từ 1 đến 2 con, gia đình chỉ có từ 3 đến 4 người, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm đáng kể, tuổi thọ trung bình được nâng cao. Các mối quan hệ trong gia đình hiện đại vẫn giữ được nền nếp, trên dưới, gắn bó mật thiết, nhưng ngày càng dân chủ, bình đẳng và tự do hơn. Những giá trị về tình yêu, hôn nhân vẫn được đề cao; vấn đề bình đẳng giới được thực hiện, qua đó, phụ nữ có vai trò, vị thế quan trọng trong đời sống gia đình. Anh Nguyễn Lam Sơn, doanh nhân tại Hà Nội, chia sẻ: "Bình đẳng giới không chỉ khẳng định được vai trò của phụ nữ trong xã hội mà còn chia sẻ công việc hay trách nhiệm gia đình với đàn ông. Khi xã hội phát triển, công việc xã hội rất nhiều và công việc gia đình gia đình cũng nhiều hơn đó là việc dậy dỗ con cái, định hướng cho các con, hay chia sẻ tâm tư nguyện vọng cùng các con và quan trọng nữa là việc tham gia các hoạt động học tập và ngoại khóa cùng các con, là những việc cần được quan tâm. Nếu cả người phụ nữ và đàn ông cùng chung tay làm việc nhà thì công việc sẽ không còn áp lực mà nhận thức của các con sẽ được hoàn hảo hơn. Giá trị gia đình được nâng lên từ những việc nhỏ đó".

Trong xã hội hiện đại nhưng gia đình Việt Nam vẫn kế thừa, phát huy những giá trị cao quý của gia đình truyền thống và chọn lọc. Chủ đề chính của công tác gia đình năm 2016 là “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và bình đẳng, bền vững”, nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhân kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam đang diễn ra ở khắp các địa phương, trong đó có tổ chức các bữa cơm gia đình, tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ…. Bà Đặng Thị Bích Liên cho biết: " Chính các hoạt động này sẽ là diễn đàn để mỗi mỗi cá nhân bày tỏ ý kiến, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ngày càng đầm ấm.Cùng với sự phát triển trong xã hội thì chúng tôi cũng đang tuyên truyền về truyền thống của gia đình Việt Nam, đặc biệt là bữa cơm trong gia đình. Đây chính là thời điểm để các thành viên trong gia đình có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi. Chúng tôi đánh giá rất là cao, nếu như chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo để mỗi gia đình trong một ngày có ít nhất một bữa cơm hạnh phúc thì tôi cho có một ý nghĩa rất quan trọng".

Nhà nước Việt Nam xác định việc gìn giữ và phát huy nền nếp gia phong vẫn là vấn đề cốt lõi trong việc xây dựng gia đình văn hóa hiện đại. Qua đó, các ngành, các địa phương đã và đang tiếp tục phát động nhiều phong trào hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, bình đẳng, lôi cuốn nhiều gia đình tham gia và được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ, thực hiện.

Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng và hạnh phúc! - ảnh 2

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu