Việt Nam khi trở thành thành viên Ủy ban Di sản thế giới

Phương Thúy
Chia sẻ
(VOV5)- Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, một trong những ủy ban chuyên môn quan trọng nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), từ ngày 20/11/2013. Sự kiện này khẳng định uy tín của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế về công tác quản lý, bảo tồn di sản thế giới. Điều này cũng đòi hỏi Việt Nam ngày càng phải củng cố vị trí và uy tín của mình ở cả trong và ngoài nước.
(VOV5)- Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, một trong những ủy ban chuyên môn quan trọng nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), từ ngày 20/11/2013. Sự kiện này khẳng định uy tín của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế về công tác quản lý, bảo tồn di sản thế giới. Điều này cũng đòi hỏi Việt Nam ngày càng phải củng cố vị trí và uy tín của mình ở cả trong và ngoài nước.

Cũng như việc gia nhập vào các tổ chức quốc tế khác, sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới là một tín hiệu mừng. Từ nay, Việt Nam chính thức nắm trong tay một phiếu trong những cuộc bình chọn giá trị văn hóa toàn cầu. Việt Nam cũng có thêm tiếng nói để bảo vệ cho bản sắc văn hoá và để các giá trị văn hoá Việt Nam đạt tới những danh hiệu cao quý do UNESCO công nhận.

Việt Nam khi trở thành thành viên Ủy ban Di sản thế giới - ảnh 1
Thánh địa Mỹ Sơn - một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này ở Việt Nam. - Ảnh: news.go.vn


Những vấn đề chuyên môn quan trọng nhất của UNESCO liên quan tới việc công nhận các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, đánh giá tình trạng bảo tồn các Di sản Thế giới trên toàn cầu; quyết định về chủ trương, đường lối, cũng như định hướng phát triển của Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (gọi tắt là Công ước Di sản Thế giới)... từ nay sẽ có thêm tiếng nói của Việt Nam.

Trong bối cảnh hàng chục di sản văn hóa của Việt Nam được quốc tế công nhận, hàng nghìn di sản văn hóa được công nhận cấp quốc gia, cấp địa phương thì sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Uỷ ban Di sản Thế giới, việc đề cao giá trị văn hóa Việt Nam và bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của Việt Nam ở trong nước và quốc tế lại càng cần thiết hơn.Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nêu ý kiến:“Hiện nay, chúng ta cần nâng cao ý thức của nhân dân, các nhà quản lý đối với di sản, cũng là nâng cao vai trò của văn hóa đối với phát triển xã hội. Hơn nữa, có ý thức rồi phải trang bị kiến thức vì bảo vệ di sản là một khoa học, đòi hỏi chúng ta có tri thức.”

Trong thực tế, những di sản văn hóa của Việt Nam sau khi được UNESCO vinh danh đang gặp khó khăn khi bảo tồn theo nguyên tắc và tiêu chí của Công ước quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới. Do đó, sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới một lần nữa nhắc nhở Việt Nam phải tiếp tục gìn giữ di sản văn hóa và di sản tự nhiên của mình, mặc dù việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đã nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Dù là thành viên Uỷ ban di sản Thế giới hay không  thì Việt Nam vẫn phải phát triển văn hóa để văn hóa phải trở thành yếu tố chính yếu trong đời sống xã hội Việt Nam. Văn hóa bao gồm hoạt động văn hóa thực tại, đó là con người cư xử với nhau như thế nào trong cuộc sống và một phần nữa là di sản văn hóa truyền thống bởi vì con người vẫn là kế thừa từ truyền thống mà đi lên. Hai cái đó nếu không khăng khít với nhau và không được bảo tồn tốt thì dẫn đến việc chúng ta giàu có nhưng thiếu đạo đức, thiếu một bối cảnh ứng xử xã hội tốt.”

Bên cạnh việc nỗ lực đề cao giá trị văn hóa Việt Nam và bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của Việt Nam ở trong nước và quốc tế, việc Việt Nam tham gia vào Hội đồng Di sản Thế giới cũng là cơ hội để Việt Nam học hỏi, phát huy vai trò và tiếng nói của mình và cùng cộng đồng thế giới bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của nhân loại nói chung. Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, khi gia nhập Ủy ban Di sản thế giới Việt Nam phải đủ khả năng đưa ra những phán quyết về các di sản của các quốc gia khác một cách công bằng và hiệu quả. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực trong vấn đề di sản ở nhiều lĩnh vực như khảo cổ, lịch sử, khoa học... là rất quan trọng. Và vì thế, chặng đường 4 năm hoạt động trong Uỷ ban Di sản Thế giới của Việt Nam sẽ còn nhiều thử thách nhưng tin rằng một quốc gia, một dân tộc có ngàn năm văn hiến và là một trong những nước có nhiều di sản được công nhận nhất ở khu vực như Việt Nam sẽ thành công trong vai trò là thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu