Tưng bừng, rộn rã lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận

Nhóm PV/VOV-TPHCM
Chia sẻ
(VOV5) - Lễ hội Katê năm nay của đồng bào Chăm diễn ra từ ngày 11 đến 13/10 dương lịch, tức ngày 01 đến 03/07 Chăm lịch.

(VOV5) - Lễ hội Katê năm nay của đồng bào Chăm diễn ra từ ngày 11 đến 13/10 dương lịch, tức ngày 01 đến 03/07 Chăm lịch. Tại Ninh Thuận, vào ngày này, hàng ngàn người Chăm cùng du khách trong nước và nước ngoài cùng tập trung về các tháp Pô Rômê ở Phước Hữu, huyện Ninh Phước, để dự lễ rước Y trang và Tháp Pô Klong Girai ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang –Tháp Chàm, tham gia các nghi thức trong lễ hội Katê.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Mở đầu cho lễ hội Katê 2015 là nghi thức rước y trang nữ thần Pô Nư Cành từ miền núi Phước Hà về làng Chăm Hữu Đức, huyện Ninh Phước, diễn ra vào ngày 30/06 Chăm lịch, tức ngày 11/10 dương lịch. Không khí lễ hội tưng bừng lan tỏa khắp làng Chăm, nhà nào cũng đông vui, chuẩn bị dê, gà, gạo nếp làm các món bánh, món ăn truyền thống cúng cho ông bà tổ tiên và mẹ xứ sở Pô Nư Cành. Đúng sáng ngày 01/07 Chăm lịch (ngày 12/10), ngày lễ chính Katê ở Ninh Thuận diễn ra cùng một lúc trên 3 tháp: Pô Nư Cành, Pô Rômê, Pô Klong Girai.

Tưng bừng, rộn rã lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - ảnh 1
Tại ngôi đền thờ Pô Ina Nagar trong làng (xây dựng lại vào năm 1942) sẽ diễn ra cuộc đón rước, trao y trang của Nữ thần và giao lưu văn hóa giữa người Chăm và người Raglai. Ảnh: phanrangninhthuan.com


 Đoàn rước gồm người Raglei và người Chăm đưa y trang lên tháp để làm lễ tạ ơn trời đất, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cộng đồng tỏ lòng biết ơn những bậc có công làm thủy lợi, dạy dân chúng trong vùng canh tác nông nghiệp. Cả sư Bá Văn Đứng phụ trách nghi lễ làng Chăm Hữu Đức cho biết:
"Mỗi một năm có một Katê để nhớ ơn ông bà. Các ngài đã có công lập ra kênh nước, ruộng vườn, nương rẫy để lại cho con cháu. Mọi người phải nhớ ơn các ngài."

Tưng bừng, rộn rã lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - ảnh 2
Các chức sắc người Chăm chuẩn bị đón rước y trang từ người Raglai đưa đến.


Việc tổ chức lễ hội ở Tháp là dịp để bà con người Chăm thể hiện lòng tôn kính của mình đối với các vị thần linh và vua Pô Klong Girai, người có công lớn trong việc hướng dẫn người Chăm phát triển sản xuất, nhất là có công “dẫn thủy nhập điền”, khởi đầu xây dựng hệ thống thủy lợi Nha Trinh – Lâm Cấm. Đây cũng là dịp để đồng bào Chăm cầu mong các vị thần linh làm cho “mưa thuận, gió hòa”, giúp bà con đẩy mạnh sản xuất, phát triển đời sống. Chị Mai Thị Mỹ Nhung ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước cho biết:  “Katê nào tôi cũng lên Tháp Pô Klong Girai. Tôi lên để cúng và tham gia với mọi người. Tôi cúng cho gia đình mình hạnh phúc ấm no, mọi người đều có sức khỏe dồi dào”.

Trong không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt, du khách từ khắp nơi có dịp tìm hiểu thêm nét văn hóa truyền thống của địa phương. Chị Iana Lukashevskaia, đến từ nước Nga, chia sẻ:"Đây là lần thứ ba tôi đến với lễ hội này. Tôi rất ấn tượng với những điệu nhạc, điệu múa và trang phục truyền thống trong nền văn hóa lâu đời của người Chăm".

Tưng bừng, rộn rã lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - ảnh 3
Thiếu nữ Chăm với chiếc áo dài xinh xắn cùng điệu múa quạt truyền thống trong buổi lễ đón rước y trang.


Sau lễ cúng tháp là thời gian cộng đồng nghỉ ngơi ăn tết. Người Chăm, người Kinh và các dân tộc khác cùng sinh sống trong làng dành thời gian đi thăm nhau, thể hiện tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết dân tộc, gắn bó keo sơn một nhà. Ở khắp các làng Chăm nơi nào cũng rộn ràng, sôi động với tiếng nhạc, tiếng trống mừng lễ hội, những trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ thể dục thể thao… thu hút sự tham gia của đông đảo bà con. Các bà, các chị, các em trong làng diện những bộ áo dài với đủ sắc màu ra làng đón hội Katê. Chị Hán Thị Lễ, người Chăm xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước cho biết: "Katê lớn nhất trong làng, mấy người phụ nữ sắm áo dài đi chơi, đi múa. Cả gia đình, con cái cũng sắm đồ mới. Tết Katê vui lắm".

Tưng bừng, rộn rã lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - ảnh 4
Nghi thức té nước lên tháp để cầu mong mọi điều tốt lành, sau khi đã cúng thần xong.Ảnh: vanhien.vn



Còn với những nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận, lễ hội Katê còn là dịp để giới thiệu, quảng bá tới các du khách gần xa những sản phẩm thủ công tinh xảo do chính những đôi tay tài ba của họ làm ra. Đón mừng lễ hội Katê năm nay, người dân ở các làng nghề truyền thống Chăm Ninh Thuận càng phấn khởi khi đời sống ngày một khá hơn, công việc sản xuất ổn định. Bà Thuận Thị Trào, nghệ nhân nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, xã Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cho biết:  “Cơ sở của tôi chuẩn bị các mặt hàng phục vụ lễ hội Katê trong năm 2015 là những mẫu mã mới, những sản phẩm mới và những hoa văn và những mặt hàng may gia công ra để đón khách trong lễ hội năm 2015. Lượng khách đến tham quan trong làng Mỹ Nghiệp đông nên cơ sở chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo trong lễ hội Katê năm 2015 này”.

Tưng bừng, rộn rã lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - ảnh 5
Thiếu nữ Chăm đi hội Katê. Ảnh: vanhien.vn



Xưa kia, ngày hội Katê ở các làng kéo dài đến một tháng còn hội Katê ngày nay được rút ngắn trong thời gian 7 ngày. Vào ngày lễ này mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh rủi ro, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục cho các thế hệ con cháu nhớ ơn, kính trọng tổ tiên.

Mỗi mùa lễ hội Katê, làng Chăm ở Ninh Thuận như bừng lên trong niềm vui, thân thiện, tình đoàn kết xóm giềng. Mọi người thực sự quên đi những vất vả, lo âu của đời thường để tận hưởng những giây phút thăng hoa  trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, bề bộn... Lễ hội katê không chỉ thể hiện ước mong hạnh phúc, cầu được vụ mùa của đồng bào Chăm mà còn là nét đẹp văn hóa đặc sắc của văn hóa Chăm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu