Tò he-nét đẹp dân gian Việt Nam cần được gìn giữ

Mai Liên
Chia sẻ
(VOV5) -Không ai biết chính xác tò he có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là món đồ chơi dân gian độc đáo của trẻ em vẫn luôn là một nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn.

Trong số các trò chơi dân gian của Việt Nam, có lẽ tò he là số ít vẫn giữ được đến nay. Tháng 7 vừa qua, tò he đã được chọn là một trong những mặt hàng nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Việt Nam tham gia trong Chương trình giao lưu văn hóa Việt - Mỹ. Không ai biết chính xác tò he có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là món đồ chơi dân gian độc đáo của trẻ em, là một nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tò he, tò he! Oh, nhiều con giống đáng yêu quá; hình con Rồng -biểu tượng của thành phố Hà nội này. Đây hẳn là thứ đồ chơi của của trẻ em Việt Nam phải không? Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thích. Tôi nghĩ rằng, đây là nét văn hóa đặc sắc của đất nước các bạn đấy”.

Tò he-nét đẹp dân gian Việt Nam cần được gìn giữ - ảnh 1Giá bán tò he khoảng 20 nghìn một sản phẩm 

Đó là sự thích thú của chị Brawone, du khách đến từ Wellinton, Newzeland, khi được nhóm các bạn trẻ Việt Nam giới thiệu đồ chơi dân gian tò he tại phố đi bộ Bờ Hồ. 

Nếu như tò he lạ lẫm đối với người nước ngoài thì với người Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc thì không mấy ai lại không biết đến loại đồ chơi truyền thống này. Không rõ nghề nặn tò he có từ bao giờ, chỉ biết rằng đến nay, tại các lễ hội, khu vui chơi giải trí, công viên hay tại các sự kiện văn hóa từ nông thôn đến thành thị…tò he vẫn hiện hữu bên cạnh nhiều loại đồ chơi hiện đại khác…

Dạo phố đi bộ nhộn nhịp quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà nội vào dịp cuối tuần, du khách dễ dàng bắt gặp những hòm hàng tò he được bày bán đối diện với cổng đền Ngọc Sơn. Trẻ em, thanh niên và người nước ngoài thường nán lại khá lâu để ngắm những chú tò he xanh, đỏ, tím, vàng ngộ nghĩnh và rất sống động.

Tò he-nét đẹp dân gian Việt Nam cần được gìn giữ - ảnh 2Tò he nhiều sắc màu, hình thù đa đa dạng bắt mắt 

Du khách Pháp Oryle Mark cho biết muốn mua tò he làm quà kỷ niệm khi về nước: “Oh, thật là hay. Có nhiều hình thù khác nhau. Tôi nghĩ rằng, đây là đồ chơi cho cả người già lẫn trẻ em. Món đồ này mua để làm quà tặng cũng tốt đây. Lại có mùi thơm và có thể ăn được nữa chứ”

 Còn chị Elon đến từ Newzeland thích thú nói “Loại đồ chơi này rất đẹp, được làm kỳ công và mầu sắc vô cùng đẹp mắt. Thật ngạc nhiên là chúng được làm bằng tay.Trẻ em chắc rất thích những con giống xinh xắn này. Tôi sẽ mua một cái”

Giá bán tò he  khoảng 20 nghìn đồng (hoặc 1 đôla) một sản phẩm. Nếu thích thêm chi tiết nào, người bán miễn phí tặng kèm. Còn nếu không thích mua sẵn, bạn có thể tự tay nặn tò he theo hình thù mình thích. Bé Hà Anh quận Hà Đông hào hứng nói:

“ Con thích nặn tò he vì chúng có nhiều màu sắc, đặc biệt bột làm tò he rất thơm, nặn tò he rất là vui. Con thích tạo những bông hoa đủ sắc màu. Con còn làm được nhiều tò he khác như bác nghệ nhân.

Tò he-nét đẹp dân gian Việt Nam cần được gìn giữ - ảnh 3Hai bé say sưa nặn tò he 

“ Con thích bông hoa nhưng trước tiên con phải nhờ bác nghệ nhân làm trước rồi làm theo. Con thích tò he bởi chúng rất đẹp, màu sắc rực rỡ”. Bé Hà Anh chia sẻ.

Xem các bé say sưa nặn tò he, chị Monique- du khách Canada nhận xét: “Khi đến đây, tôi cũng muốn biết những gì trẻ em và các bạn trẻ Việt Nam hay chơi.Tôi không biết nhiều đồ chơi truyền thống của Việt Nam, ngoài món nặn tò he này. Đây là một hoạt động bổ ích cho trẻ nhỏ bởi nó phát triển được khả năng sáng tạo, đặc biệt giúp các em tránh và hạn chế những tác hại từ việc xem quá nhiều tivi hay các trò chơi điện tử”

Ông Nguyễn Văn Đĩnh 61 tuổi, nghệ nhân làng Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nôi - nơi nổi tiếng với nghề truyền thống làm tò he cho biết, ông theo nghề từ năm 7 tuổi:“ Không ai biết rõ nghề nặn tò he có từ bao giờ, chỉ biết rằng các bậc cao niên nhất làng tôi kể rằng từ khi sinh ra đã thấy trong nhà đã nặn rất nhiều tò he. Tôi làm tập làm tò he từ năm 7,8 tuổi, đến nay đã gắn bó với nghề  được này hơn 55 năm. Nghề truyền thống nặn tò he đã nuôi sống bao thế hệ ở làng tôi”

Tò he-nét đẹp dân gian Việt Nam cần được gìn giữ - ảnh 4Nghệ nhân nặn tò he Nguyễn Văn Đĩnh 

Nguyên liệu chính để làm tò he là gạo tẻ trộn với một phần gạo nếp với tỉ lệ ra sao để bột gạo phải dẻo, dễ nặn nhưng không được dính tay. Gạo sau khi được trộn đem ra xay nhuyễn cho thật mịn, trộn với chút nước rồi treo khoảng 4 tiếng cho róc khô nước. Thứ bột ấy sau đó được trộn với nước màu, đem đồ chín thành bột nặn.

“Nước màu có nguồn gốc từ thiên nhiên, từ các loại lá cây, rau củ ăn được. Chẳng hạn như màu đó từ quả gấc, màu đen từ cây nhọ nồi, ở đồng quê rất nhiều, màu xanh từ lá trầu không, lá riềng. Cần phải qua nhiều công đoạn công phu, đặc biệt khâu làm bột thì mới làm ra được sản phẩm tò he bóng mượt và màu sắc tươi đẹp”

Theo ông Đĩnh, làm tò he cần chút khéo tay, tỷ mỉ, sáng tạo và quan trọng nhất là phải có niềm đam mê, mới có thể “thổi hồn” được cho những con giống bé xinh tò he được.

Tò he-nét đẹp dân gian Việt Nam cần được gìn giữ - ảnh 5Bác Đĩnh hướng dẫn các bé nặn tò he 

Nghệ nhân Đĩnh cho biết, như những đồ chơi truyền thống khác, việc duy trì nghề nặn tò he đang gặp nhiều khó khăn, bởi sự lấn áp của các đồ chơi Trung Quốc. Tuy nhiên, những người như ông và thế hệ làng Xuân La vẫn đang nỗ lực giữ gìn, phát triển nét đẹp văn hóa của địa phương và không ngừng tìm hướng đi mới cho tò he. Mới đây, con trai ông được Sở Văn hóa Thể thao-Du lịch Hà nội công nhận là nghệ nhân trẻ và mới đây sang Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản để giới thiệu quảng bá sản phẩm tò he như một nét văn hóa dân gian độc đáo cần được gìn giữ của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu