Tết của những người Việt trẻ

Lan Anh
Chia sẻ
 (VOV5) - Những người Việt trẻ giờ quan niệm là nghỉ Tết chứ không nói là ăn Tết. Tết đến họ thích nghỉ ngơi, đi du lịch hay làm hoạt động xã hội để mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết thay vì chỉ bó hẹp không gian Tết trong gia đình như truyền thống.
(VOV5) - Những người Việt trẻ giờ quan niệm là nghỉ Tết chứ không nói là ăn Tết. Tết đến họ thích nghỉ ngơi, đi du lịch hay làm hoạt động xã hội để mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết thay vì chỉ bó hẹp không gian Tết trong gia đình như truyền thống.   


Tết của những người Việt trẻ  - ảnh 1
(Ảnh: doisongphapluat.com)


Đây là năm thứ 4, gia đình nhỏ của chị Cao Thị Lê Anh ở Hà Nội đón Tết ở Sapa, Lào Cai. Chị Lê Anh cho biết những chuyến đi như vậy vợ chồng con cái được nghỉ ngơi bên nhau, hiểu nhau hơn và quan trọng hơn 2 con của chị được trải nghiệm, khám phá cuộc sống ở vùng đất mới: “Năm nào cũng thế, trẻ con nhà tôi rất mong đợi đến Tết. Chúng mong một chuyến đi của bố mẹ dành cho các con. Và chúng tôi chọn phương án tự lái xe. Như vậy đi đến đâu thì dừng ở đó để chúng tự tìm hiểu về cuộc sống của con người nơi đó. Năm nay chúng tôi cho trẻ con mang một chút quà như quần áo, sách vở để chia sẻ cho trẻ em ở đó”.

Trước đây, vợ chồng chị Lê Anh chỉ đón Tết ở nhà, đi chúc Tết họ hàng, bạn bè. Nhưng nay có con cái, quan niệm về Tết của chị Lê Anh thay đổi phần nào: “Trước đây tôi thấy việc mình đi chơi vào những ngày trong Tết và sau Tết là không phải nhưng dần dần thấy là cả năm mình đã dành cho gia đình, họ hàng, ông bà. Ngày Tết, mình vẫn dành sự quan tâm săn sóc chia sẻ cho mọi người. Nhưng mình cứ bó buộc mãi như thế thì sẽ bỏ lỡ rất nhiều những trải nghiệm khác mà bản thân mình trong năm không có cơ hội làm. Đón Tết với gia đình đến ngày mùng 2, ngày mùng 3 sau đó chúng tôi sẽ cho các con đi du lịch trong điều kiện có thể”.

Còn với anh Vũ Thành Công, một nhiếp ảnh gia tự do thì Tết là thời điểm để anh chụp lại những khoảnh khắc đẹp trên mọi miền đất nước. Năm nào anh Công cũng tổ chức một chuyến đi trong dịp Tết. Năm thì đi cùng gia đình nhưng có năm anh đi một mình. Tết này được dài ngày, mùng 3 Tết anh đến Tây bắc để chụp hoa đào nở muộn: “Với người đam mê chụp ảnh, đam mê du lịch thì Tết là dịp luôn có những bức ảnh tốt nhất. Bản thân người dân ở địa phương mình đến sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, sẽ có nhiều trò chơi, lễ hội diễn ra trong dịp này. Thời tiết, không gian và thời gian Tết rất đặc biệt. Vào dịp Tết mọi thứ đều tươi mới trong từng nét mặt của người dân nơi mình đến. Không khí xuân khiến mọi thứ trở nên tươi tắn hơn”.

Khác với chị Lê Anh hay anh Thành Công, Thu Hương, nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội, mong muốn đem lại niềm vui cho những đứa trẻ mồ côi và người già cô đơn trong dịp Tết. Nhiều năm nay, Thu Hương dành một khoảng thời gian cho những mảnh đời bất hạnh: “Ngày Tết ai cũng hớn hở, vui cười. Trẻ em thì mặc quần áo mới, người già nói cười vui vẻ bên con cháu nhưng ở những trung tâm nhân đạo thì chỉ có những mảnh đời bất hạnh bên nhau. Chúng em còn trẻ còn được hưởng thụ nhiều nên chỉ muốn bù đắp chút gì cho các em, cho các ông bà. Làm được như vậy em cũng thấy mùa xuân thêm trọn vẹn, thấy đẹp hơn, thấy yêu đời hơn”.

Dẫu hướng tới nhiều hoạt động bên ngoài gia đình nhưng những người Việt trẻ như chị Lê Anh, Thu Hương hay anh Thành Công đều trân trọng giữ những nét văn hóa, phong tục trong ngày Tết của dân tộc. Chị Lê Anh muốn con cái hiểu hơn về những giá trị cội nguồn từ những điều nhỏ nhất: “Các cháu cũng dần lớn lên ngoài việc đón Tết, chuẩn bị Tết, đón ông Công ông Táo, thì chúng tôi hướng các cháu làm bánh chưng, gói giò, làm tất cả những công việc truyền thống. Cả đại gia đình vẫn ở nhà đón tết cùng nhau. Vẫn có những bữa cơm tất niên buổi chiều 30, vẫn đi đón giao thừa, vẫn xem pháo hoa và ông bà vẫn chuẩn bị những bao lì xì cho trẻ con khi đi xem pháo hoa về”.

Mỗi khi Tết đến, Thu Hương lại thấy trưởng thành hơn. Nhưng Hương cũng không quên lễ nghĩa trong ngày Tết bên gia đình. Cô vẫn háo hức chọn ra bộ quần áo đẹp để diện Tết và chờ mong bố mẹ, ông bà lì xì. Đặc biệt, cô thích dạo phố đêm 30 và trở về nhà trước giao thừa: “Khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới thiêng liêng lắm. Năm nào cũng vậy, dù thích lang thang dạo phố ngắm người đi lại, ngắm phố phường rực rỡ những vẫn muốn về nhà đón giao thừa cùng bố mẹ, ông bà. Tôi thích được nghe những lời chúc của bố mẹ, của ông bà dành cho mình. Năm nào bố mẹ cũng dành cho tối những câu chúc bất ngờ. Còn tôi đã đi làm nên cũng chuẩn bị những món quà ý nghĩa để tặng lại người thân”.

Người Việt trẻ có những suy nghĩ, cách làm khác các thế hệ trước nhưng họ vẫn trân trọng gìn giữ phong tục đẹp của Tết cổ truyền phù hợp với xu thế phát triển. Ý nghĩa thiêng liêng, nét đẹp văn hoá của Tết cổ truyền vẫn mãi đọng lại trong trái tim mỗi con người Việt Nam./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu