Ở nơi không có túi nilon

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Hơn 4 năm nay, khoảng 600 hộ dân người dân ở Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã chung tay thực hiện việc làm sạch môi trường sống. Cuộc sống của người dân nơi đây không còn gắn với những chiếc túi nilon, thay vào đó họ dùng những vật liệu dễ tiêu hủy, không gây ô nhiễm môi trường.

(VOV5) - Hơn 4 năm nay, khoảng 600 hộ dân người dân ở Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã chung tay thực hiện việc làm sạch môi trường sống. Cuộc sống của người dân nơi đây không còn gắn với những chiếc túi nilon, thay vào đó họ dùng những vật liệu dễ tiêu hủy, không gây ô nhiễm môi trường.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Người dân sống trên đảo Cù Lao Chàm giờ đã quen với việc dùng các vật liệu dễ tiêu hủy để đựng đồ hàng ngày thay cho túi nilon. Tại ngôi chợ trung tâm của xã, hình ảnh người dân cầm trên tay những chiếc túi làm bằng giấy, bằng lá không còn xa lạ. Nhưng ít ai biết rằng, 4 năm về trước, Cù Lao Chàm phải đối mặt với nguy cơ bị rác thải vây quanh đảo mà đa phần là rác nilon. Rác tụ lại thành từng mảng lớn dập dờ trên mặt nước như thách thức cùng với thời gian. Không thể để một Cù Lao Chàm đẹp đẽ bị ô nhiễm bởi rác thải, chính quyền thành phố Hội An ròng rã tuyên truyền đến từng người dân về tác hại của việc sử dụng túi nilon. Những chiếc loa phát thanh của xã đảo ngày nào cũng nhắc điều nhở về việc không sử dụng túi nilon. Ngay ở chợ còn có tấm bảng với khẩu hiệu “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ” và hình minh họa nói không với túi nilon, đủ thấy quyết tâm của những người dân Cù Lao xanh thế nào. Anh Nguyễn Tám, người dân đảo Cù Lao Chàm cho biết: Tất cả mọi người dân ở đây đều tham gia, 2700 người dân đều tham gia hết. Người dân ở đây chất phác, cần cù nên khi có một chương trình gì họ đều ủng hộ. Người dân vẫn dùng túi giấy làm bằng giấy báo, hoặc chất dễ phân hủy chắc chắn không dùng túi nilon. Mình tuyên truyền rồi bây giờ người dân cứ theo nếp đó mà làm.

 

Ở nơi không có túi nilon - ảnh 1


Thực hiện nghiêm túc từ giữa năm 2009 đến nay, người dân Cù Lao Chàm đã loại bỏ hẳn được việc sử dụng túi nilon trong cuộc sống hàng ngày. Họ nhận thấy rõ một điều nếu hôm nay mình dùng những chất gây hại cho môi trường thì nguy cơ ảnh hưởng không chỉ ngay lập tức mà các thế hệ con cháu sau này sẽ phải sống trong một không gian ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Ban, bán hàng ở chợ nhỏ xã Tân Hiệp hơn 30 năm nay, trung bình mỗi ngày bà dùng hết 2 lạng túi bóng các loại. Nếu cứ tính từ đó đến nay sẽ là một khối lượng túi nilon khổng lồ không tiêu hủy được bủa vây lấy cuộc sống của người dân. Bà nói: Lúc đầu chúng tôi cũng không quen nên không biết có làm được không. Giờ mọi người đều thấy bình thường với việc không dùng túi nilon. Người đi chợ cầm làn, còn không tôi làm nhiều túi nhỏ bằng giấy để cho các bà nội trợ đựng hàng.

 

Chợ nhỏ trên xã đảo Tân Hiệp tấp nập người bán kẻ mua và dễ dàng nhận ra người mua đến chợ trên tay đã thủ sẵn một giỏ nhựa, còn người bán thì bày bên cạnh những món hàng các xấp giấy báo, lá chuối để gói ghém các loại thực phẩm. Không có túi nilon, tuy hơi khó khăn trong việc đựng các loại thực phẩm chất lỏng và ướt, nhưng nhìn chung “Nói không với túi nilon” không gây khó khăn đến việc mua bán. Tùy theo loại thực phẩm mà người bán sử dụng những vật dụng khác nhau để đựng, trừ bao nilon. Bà Mai Tâm cho biết: Trước kia môi trường ở đây không sạch. Sáng ra lúc nào cũng thấy đầy túi nilon dạt vào xung quanh đảo. Giờ thì khác rồi, môi trường sạch sẽ. Người dân đã quen thuộc với việc đi chợ cầm làn và đựng bằng túi giấy.

 

Ngày nào người dân cũng được nghe tuyên truyền về tác hại của túi nilon ảnh hưởng đến môi trường. Quan trọng hơn là ngày ngày phải đối mặt với chính những loại rác thải mà chính họ đã thải ra môi trường. Ông Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy thành phố Hội An, người đồng hành cùng với nhân dân xã đảo trong việc nói không với túi nilon, chia sẻ: Ai cũng muốn có một môi trường tốt đẹp và người dân Cù Lao Chàm cũng vậy. Nhưng có lẽ trong thời kỳ bản thân mọi người lao vào cuộc sống, lao vào việc khác thì thấy việc khác có lợi trước mắt cho nên ít quan tâm đến môi trường. Đến bây giờ tôi có thể tự hào rằng người dân Cù Lao Chàm đã làm được một việc mà ở một số nơi trong đất liền chưa làm được là người ta không sử dụng túi nilon, người ta sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Cái gì gói lá được thì dùng lá, cái gì đưng giỏ thì dùng giỏ. Đến hôm nay nhìn lại, một thói quen rất trách nhiệm của người dân Cù Lao Chàm đã được duy trì.

 

Ở nơi không có túi nilon - ảnh 2


Không chỉ người dân trên đảo, du khách đến với Cù Lao Chàm phải chấp hành đúng với nôi quy của đảo. Tại các bến cảng Cù Lao Chàm, mỗi đợt tàu cập bến, người dân và du khách đều được các tình nguyện viên đến vận động và thay các loại túi nilon bằng túi sinh thái. Tại các khu nghỉ ngơi, ăn uống trên đảo, sau khi phục vụ cho du khách, các nhân viên đều thu gom rác và phân loại cẩn thận. Ông Nguyễn Sự cho hay: Nếu một du khách bước lên đảo Cù Lao Chàm cầm cái bao nilon đi lên thì dân sẽ nhắc ngay là không được mang túi nilon lên đảo. Và họ không rả rác một cách bừa bãi và tạo ra thương hiệu cho Cù lao chàm. Và mọi người dân ở đây giàu lên nhờ thương hiệu đó. Vẫn đề quan trọng hơn là sau khi không sử dụng túi nilon thì toàn bộ rạn san hô phục hồi trở lại. Trước đó túi nilon rơi xuống và quấn san hô chết. Khi ứng xử với môi trường tốt thì chính hôm nay thấy được kết quả.

 

Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2009. Cũng từ thời điểm đó điểm du lịch này mới bắt đầu thực sự có danh trên bản đồ du lịch thế giới. Không chỉ hấp dẫn khách phương xa bằng vẻ đẹp nguyên sơ mà việc giữ gìn bảo vệ môi trường của người dân nơi đây góp phần gìn giữ cảnh quan Cù Lao Chàm thêm xanh, sạch thu hút khách bốn phương./.



 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Nịnh Thị Luyện

hay quá , vậy sao không triển khai thực hiện trên khắp Việt Nam thay vì cứ nơi nào ô nhiễm... Xem thêm