Những điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam 2018

Chia sẻ
(VOV5) -Đây là năm đầu tiên Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. 

Từ sáng ngày 01/03 (tức ngày 14 tháng Giêng), các hoạt động thi, trình diễn thơ, biểu diễn nghệ thuật của các câu lạc bộ thơ trong khuôn khổ hoạt động Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Và đúng ngày Rằm tháng Giêng (02/03), lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 chính thức bắt đầu. 

Những điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam 2018 - ảnh 1Khai mạc Lễ hội thơ Việt Nam lần thứ 17. Ảnh báo Hà Nội Mới 

Năm nay cũng là năm đầu tiên Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. Có các nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản sẽ gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở hai sân thơ này. Ngoài hai sân thơ, còn có sự tham gia của hơn 60 câu lạc bộ thơ trên khắp cả nước với nhiều hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ...

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các hoạt động này là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới việc đưa Ngày thơ Việt Nam dần trở thành Ngày văn học Việt Nam, góp phần tôn vinh thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương. 

Cũng tại sự kiện, sẽ có khoảng 10 “ki- ốt thơ” tại sân Văn Miếu chủ đề thơ lục bát, thơ Facebook, thư pháp… Bên cạnh đó, khu vực dành cho thơ thiếu nhi cũng là một điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu