Lễ ra mắt Into Thin Air 3 và những tác phẩm nghệ thuật ẩn giấu giữa lòng Hà Nội

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là năm đầu tiên EUNIC hợp tác với Manzi với mong muốn “Đưa nghệ thuật từ không gian gallery ra đường phố và người xem trở thành người đồng sáng tạo” . 

Ngày 9/11, tại Manzi Exhibition Space, số 2 Ngõ Hàng Bún, Hà Nội sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 1 năm Into Thin Air 2 và ra mắt Into Thin Air 3 – sự hợp tác giữa EUNIC (Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại Sứ Quán Châu Âu) và Manzi. 

Tại sự kiện này EUNIC và Manzi là hai đơn vị hợp tác tổ chức, sẽ thông báo “Kêu gọi đề xuất ý tưởng” cho chương trình Into Thin Air 3.

Trước đó, Into Thin Air 2 do Manzi Art Space và ADT Creative phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ của UNESCO, Viện Goethe và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan. Dự án có sự tham gia của 14 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.

Into Thin Air 2 với mục tiêu nghệ thuật được đưa từ không gian gallery ra đường phố, người xem trở thành người đồng sáng tạo.  Chương trình được thực hiện tại Hà Nội với 10 tác phẩm đương đại, tương tác với 10 không gian công cộng. Chương trình đã diễn ra từ 9/4/2016, ra mắt chính thức vào 7/10 cùng năm và “các tác phẩm sẽ luôn ở đó, tồn tại ảo trong không gian, bạn có thể tới xem bất cứ khi nào.”

Người xem tìm những tác phẩm này bằng cách tải phần mềm ứng dụng Into Thin Air 2 (trên Apple App Store hoặc Google Play Store) vào điện thoại, hay máy tính bảng. Đây sẽ là công cụ giúp người xem tìm và trải nghiệm các tác phẩm nghệ thuật đang ẩn giấu trong lòng Hà Nội.

https://itunes.apple.com/vn/app/into-thin-air-2/id1405507852?mt=8
https://play.google.com/store/apps/details?id=com.adt.intothinair
Các tác phẩm được trải nghiệm tốt nhất với hệ điều hành IOS của Iphone 5S và Android 2015 (bản 5.0) trở lên.

Toàn bộ thông tin cụ thể về dự án, nghệ sĩ và tác phẩm đều có thể xem trong ứng dụng hoặc xem tại đây: https://www.facebook.com/intothinairhanoi/
Người xem có thể dùng hashtag #intothinair để cập nhật cho mọi người biết mình đã tới xem.

Một số tác phẩm của Into Thin Air 2:

Những ngày này: Tác phẩm múa đương đại của Huy Trần và Vũ Ngọc Khải; Âm nhạc: Trí Minh. Trước đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.

Lễ ra mắt Into Thin Air 3 và những tác phẩm nghệ thuật ẩn giấu giữa lòng Hà Nội - ảnh 1Trải nghiệm xem tác phẩm múa đương đại của Huy Trần và Vũ Ngọc Khải, trước đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. 

Ở ngay trung tâm của thành phố, ngôi đền Bà Kiệu cổ kính đã chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc trong 500 năm qua. Dù ở ngay trung tâm Hà Nội và được bảo tồn khá cẩn thận, người dân địa phương hiếm khi để ý tới sự tồn tại của di tích lịch sử này, cũng rất ít người biết được rằng đây là một ngôi đền đã bị ‘cắt đôi’ khi người Pháp xây đường quanh hồ Hoàn Kiếm (đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay).

Trong tác phẩm, hai nghệ sĩ tự hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại, ranh giới giữ sự nhớ và sự quên, và có khi nào “ngày hôm nay” thực ra cũng chỉ là một sự lặp lại của “ngày hôm qua”?

Lễ ra mắt Into Thin Air 3 và những tác phẩm nghệ thuật ẩn giấu giữa lòng Hà Nội - ảnh 2Hai nghệ sĩ múa Huy Trần, Vũ Ngọc Khải trong Những ngày này 

Khán giả sẽ xem tác phẩm ở phía bên kia đường – khu cổng đền cũ, đối diện đền Bà Kiệu thông qua ứng dụng Into Thin Air sử dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo. Tác phẩm cũng có thể được xem ở hai chế độ ngày và đêm nhờ định vị thời gian của GPS.

Từ dưới nhìn lên: Tác phẩm của Phi Phi Oanh – tại Giếng trời, Chợ Hôm, cổng vào từ phố Huế, quận Hai Bà Trưng

Lễ ra mắt Into Thin Air 3 và những tác phẩm nghệ thuật ẩn giấu giữa lòng Hà Nội - ảnh 3Trải nghiệm thưởng thức Từ dưới nhìn lên của Phi Phi Oanh, tại chợ Hôm, Hà Nội. 

Chợ Hôm là một khu chợ tấp nập, buôn bán các mặt hàng tiêu dùng đa dạng từ vải vóc, hàng may mặc giá rẻ đến đồ ăn và hàng tạp hóa lặt vặt. Từng mét vuông trong khu chợ này đều là một không gian thương mại thực dụng, ngoại trừ khu vực giếng trời. Trong một biển cả những đồ và vật, một kẽ hở nhỏ của không gian ấy dường như là một lát cắt của thiên đường.

Tác phẩm là một nỗ lực kết nối những ký ức cá nhân về không gian với một hoài niệm tập thể có tính kế thừa về bầu trời và mặt nước của người nghệ sĩ. Trong ký ức tuổi thơ của Oanh Phi Phi tại vùng đồng bằng duyên hải Texas, đều đều khắp chốn là địa hình bằng phẳng, dù đưa mắt tới đâu cũng thấy một bầu trời mở rộng choán mọi khung cảnh, rợn ngợp một cảm giác mênh mông. Khi trưởng thành, trở về Hà Nội, mỗi lần nhớ về nhà, cô lại nhớ về cha mẹ và đường chân trời rộng mở ấy.

Oanh Phi Phi đã chọn giếng trời ở chợ Hôm để đóng khung một không gian thành thị rất quan trọng với cô – không gian mở ở giữa chúng ta và bầu trời.

Lễ ra mắt Into Thin Air 3 và những tác phẩm nghệ thuật ẩn giấu giữa lòng Hà Nội - ảnh 4Từ dưới nhìn lên - Phi Phi Oanh 

Một thế giới vi mô chuyển động không ngưng nghỉ, một ao cá hay ao nhà là mô típ Oanh thường xuyên đề cập đến bởi vị trí mang tính biểu trưng của nó trong kiến trúc làng xã cũng như những hoài niệm nó mang đến cho nhiều người Việt. Đó không phải là hoài niệm của bản thân nghệ sĩ - người lớn lên ở Texas, mà đúng hơn là hoài niệm được thừa hưởng từ cha cô, người đã lớn lên tại một ngôi làng nhỏ tỉnh Hải Dương.

Người xem, đứng dưới giếng trời, nhìn qua một thiết bị công nghệ, “từ dưới ngước lên trên” để thấy một cái ao bị nghịch đảo, hình ảnh vốn luôn chỉ được nắm bắt từ góc nhìn từ trên xuống. Tận dụng triệt để tính vô thể của công nghệ ứng dụng tăng cường thực tế ảo, phần nguồn hình ảnh được sử dụng cho dự án này chính là những tác phẩm sơn mài trên kính, một bề mặt mà Oanh đã khai thác trong những dự án trước đây để thử nghiệm với tính phi vật chất và quy mô của không gian. Ánh sáng thay đổi liên tục trên hình ảnh sơn mài tạo ra hiệu ứng chuyển động mặc dù bản thân hình ảnh là tĩnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu