Hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ thép, vươn khơi bám biển

Chia sẻ
(VOV5) - Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

(VOV5) - Những con tàu đánh cá bằng vỏ thép lớn với trang thiết bị hiện đại, những tổ đội đánh cá chuyên nghiệp cùng vươn khơi xa, tham gia đánh bắt tại những ngư trường lớn vốn là ước mơ bấy lâu nay của các ngư dân cả nước. Ước mơ đó đang từng bước trở thành hiện thực khi nguồn vốn trị giá 10 nghìn tỷ đồng, cùng với đó là các chính sách để hỗ trợ ngư dân đang được Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan, ban ngành tích cực triển khai. Trong đó phải kể tới những chính sách linh hoạt trong khâu cấp vốn hỗ trợ người dân đóng tàu cá vỏ thép, nâng cao chất lượng khai thác hải sản xa bờ. 

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ thép, vươn khơi bám biển - ảnh 1
Tàu đánh cá vỏ thép Hoàng Anh 01 do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đóng tại cảng Sa Cần (Dung Quất), huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chiều 7/4 (Ảnh: Tuổi trẻ)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Việt Nam là một quốc gia biển có truyền thống khai thác biển từ lâu đời. Nhưng hiện nay, cả nước có khoảng 28.750 tàu khai thác xa bờ, trong đó 99% là tàu vỏ gỗ, được đóng theo lối thủ công tại các làng nghề địa phương. Thực tế cho thấy, khi sử dụng tàu vỏ gỗ, ngư dân không chỉ gặp nhiều khó khăn trong việc trang bị các thiết bị bảo quản sản phẩm hiện đại mà còn phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao khi đánh bắt ở các ngư trường xa, trong điều kiện sóng to, gió lớn. Tàu thuyền bằng vỏ gỗ đã trở thành ý niệm gắn sâu đối với ngư dân bao đời nay. Việc thay đổi tư duy sử dụng không phải là việc dễ. Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng: "Tàu gỗ không bền cho nên phải chuyển sang tàu sắt bền hơn. Tuy nhiên, phải có quá trình vận động người dân bởi vì họ có thói quen sử dụng tàu gỗ. Và khi chuyển đổi phải qua quá trình thực tiễn, làm sao thiết kế mẫu mã phù hợp với truyền thống, thói quen tập quán của người dân, giá thành hợp lý thì họ sẽ chuyển đổi”.

Tại phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 5/2014 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các thành viên Chính phủ tính toán giúp ngư dân được vay ưu đãi để đóng tàu vỏ sắt, vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản an toàn. Thông tin đáng chú ý là sắp tới là ngân hàng có thể xem xét cho ngư dân vay với lãi suất 3%/năm và cho vay trong vòng 10 năm, ân hạn 1 năm. Người đi vay có thể thế chấp thân tàu và thân tàu được bảo hiểm. Nếu chính sách này được ban hành sẽ tháo gỡ được nút thắt thiếu vốn cho bà con ngư dân trong việc hiện đại hóa đội tàu đánh cá. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á, cho rằng: “Hỗ trợ đóng tàu lớn là chủ trương đúng đắn và kịp thời của Chính phủ. Số lượng cho vay lớn thì mới có điều kiện đóng tàu công suất lớn, lấy ngay tài sản này làm thế chấp, lãi suất chỉ 3%. Ân hạn cho trong thời gian đóng 1-2 năm không thu lãi mà năm thứ 3-4 mới thu lãi. Trước đây ngư dân rất vướng mắc những điểm này, giờ được tháo gỡ thì cơ hội rất lớn. Giải quyết được những điểm vướng mắc này thì ngư dân mới đủ điều kiện vay để xây dựng đội tàu lớn mạnh đủ súc vươn khơi bám biển, khai thác xa bờ”.

Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có đội tàu đánh bắt cá trên biển rất hùng hậu, ngư dân dạn dày kinh nghiệm và hoạt động khắp các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đây cũng là địa phương được chính phủ chọn làm tỉnh tiên phong để thực hiện đề án đóng mới 22 tàu vỏ thép. Ông Trần Quang Trung ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương hoàn chỉnh con tàu đóng mới có công suất gần 500 CV. Theo ông Trung, việc Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay vốn sẽ giúp cho bà con mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn khơi: "Hồi xưa nếu có tài sản chính thì mình mới vay được, còn không có tài sản chính không thế chấp thì không vay được. Nếu Nhà nước mà bỏ chính sách cũ kia mà ưu đãi cái mới đây thì làm dễ dàng hơn. Đóng tàu sắt mà cho vay vốn ưu đãi đến 90% giá trị của tàu thì làm sướng hơn nhiều".

Còn ngư dân Võ Thanh Sang, ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, sau gần 30 năm đi biển luôn mong ước có một đội tàu vỏ thép để vươn ra khơi xa. Hình dung về những chiếc tàu vẻ thép được thiết kế theo nhu cầu đánh bắt của bà con ngư dân, ông Võ Thanh Sang bộc bạch: "Đảng và Nhà nước mà có chính sách tạo điều kiện cho ngư dân thì tôi cũng rất đồng tình và hưởng ứng. Bây giờ riêng bản thân tôi cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện sao để cho vay vốn để bà con sở hữu được đội tàu sắt để vươn ra khơi làm ăn phát triển kinh tế bền vững".

Ngư dân Mai Thành Văn, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là một trong số những người đầu tiên được bàn giao tàu cá vỏ thép do công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ðóng tàu Nha Trang (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy) thi công. Tàu mang tên Hoàng Anh 01, có chiều dài 25,2m, rộng 7,5m, cao 3,6m, công suất trên 900 CV, tổng trọng tải khoảng 120 tấn, với 6 khoang chứa cá, 2 khoang chứa thiết bị, ngư cụ, 1 khoang chứa thực phẩm, thức ăn phục vụ trên tàu. Ngoài các tính năng vượt trội so với tàu vỏ gỗ, trên tàu cá vỏ thép của ông còn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hàng hải như la bàn, radar, thiết bị định vị toàn cầu GPS, thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, nên bảo đảm an toàn và kéo dài thời gian hoạt động trên biển. Ông Văn cho biết: "Khi đánh bắt tại những bãi cá lớn, tàu cá chỉ đánh được ví dụ bãi cá 50 tấn người ta chỉ đánh được khoảng 30 tấn là người ta sẽ vào bờ. Còn tàu này nếu gặp bãi cá 50 tấn, tôi sẽ đánh hết 50 tấn. Tàu này có hệ thống hầm cấp đông nên giữ nhiệt rất tốt. Cho nên sau khi khai thác, sản phẩm mình đánh ra được bảo quản tốt hơn, vào bờ sẽ bán được giá cao hơn".

Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Trong tương lai gần, những con tàu gỗ truyền thống công suất nhỏ sẽ được thay thế bằng những chiếc tàu cá lớn vỏ thép rẽ sóng vươn khơi xa, giúp các ngư dân yên tâm đánh bắt, làm giàu trên vùng biển quê hương./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu