Góc nhìn của một nhà sử học Pháp về trận chiến Điện Biên Phủ

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Hi vọng, cuốn sách giúp độc giả Việt Nam và cả người Pháp có thể tiếp cận góc nhìn mới, đầy đủ  hơn về trận chiến đặc biệt này.”

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. 66 năm trôi qua, những kinh nghiệm, bài học quý giá của chiến thắng đó vẫn được các học giả trong nước và nước ngoài quan tâm khai thác, nghiên cứu. Mới đây, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước xuất bản Cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/3-07/5/1954" của tiến sĩ sử học người Pháp Ivan Cadeau.

Đây được xem là nguồn tư liệu giá trị, góp phần bổ sung thông tin về Điện Biên Phủ và cuộc chiến tranh tại Đông Dương, dưới góc nhìn của một sĩ quan, nhà sử học cũng như của những người Pháp quan tâm sự kiện lịch sử này.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cuốn sách bản tiếng Việt dày 270 trang gồm 7 chương gồm: Một lối thoát danh dự, Chiến dịch mùa thu năm 1953, Anne Marie ( Bản Kéo), Gabrielle ( Độc Lập) và một số cứ điểm khác; " Đó là ngày mai, Khủng hoảng tinh thần, Trận chiến 5 ngọn đồi và "Tạm biệt ông bạn già". Đó là các sự kiện xuyên suốt từ khi quân đội Pháp chọn Điện Biên Phủ  làm căn cứ địa, các trận đánh trên 5 quả đồi, các cứ điểm đến chiến thắng cuối cùng thuộc về quân đội Việt Nam vào ngày 7/5/1954.

Thông qua việc sử dụng các tài liệu lưu trữ của Bộ quốc phòng Pháp chưa từng công bố tại Việt Nam, tổng hợp thông tin, hồi ức từ nhiều nhân chứng lịch sử rồi khôi phục các sự kiên, Ivan Cadeau cố gắng mang đến cái nhìn đa chiều, khách quan cũng như cho thấy một thực tế khác của trận chiến lịch sử mang tên Điện Biên Phủ.

Góc nhìn của một nhà sử học Pháp về trận chiến Điện Biên Phủ - ảnh 1 Cuốn sách  Điện Biên Phủ 13/03- 7/05/1954  bản tiếng Việt. Tác giả: Ivan Cadeau,
Người dich: : Đào Thị Ngọc Nhàn. Ảnh VNnet

Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Ivan Cadeau cho biết: Tôi đã thực hiện một luận án tiến sĩ về đề tài Điện Biên Phủ trước đó. Tuy nhiên trong cuốn sách này, tôi muốn khai thác sâu hơn về Điện Biên Phủ ở một góc độ khác với những gì tôi nghe thấy. Qua các tư liệu của Pháp, tôi muốn tìm hiểu về sức mạnh của quân đội Việt Nam đặc biệt là lực lượng công binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đã có nhiều cuốn sách viết về Điện Biên Phủ nhưng thường ở dưới văn học, bút ký, hay theo lời kể của phóng viên chiến trường, của nhân vật, mà thường không qua các tài liệu lưu trữ. Với cuốn sách này, tôi muốn nó được xem như một cuốn sách giáo khoa lịch sử để giúp những người chưa từng biết hoặc hiểu về trận chiến Điện Biên Phủ có thể hiểu rõ về sự kiện này. Hi vọng, cuốn sách giúp độc giả Việt Nam và cả người Pháp có thể tiếp cận góc nhìn mới, đầy đủ  hơn về trận chiến đặc biệt này.”

Góc nhìn của một nhà sử học Pháp về trận chiến Điện Biên Phủ - ảnh 2Tác giả Ivan Cadeau ra mắt cuốn sách Điện Biên Phủ phiên bản tiếng Pháp năm 2013. 

Ngay ở phần tựa, tác giả nhận định, chiến thắng Điện Biên Phủ của quân đội Việt Nam được coi  là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự cổ điển thế kỷ 20. Sự thất bại của quân đội Pháp hùng mạnh ở Việt Nam đã chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương, đặt dấu chấm hết cho chế độ thuộc địa nô lệ của chủ nghĩa đế quốc. Đặc biệt hơn, thất thủ của Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954 đã tạo nên một cơn chấn động thực sự đồng thời đánh thức nhận thức của dư luận Pháp:

“Trước đây người Pháp không quan tâm đến chiến tranh Đông Dương, nhưng đến khi thất bại của quân đội Pháp làm cho người ta thức tỉnh và và khơi dây 2 cảm xúc đồng thời. Đó là sự thương cảm với những người lính đã hi sinh và câu hỏi lớn tại sao Điện Biên Phủ? Tại sao quân đội Pháp hùng mạnh như vậy lại thất thủ?. Khi đó các nhà nghiên cứu lịch sử của Pháp mới nhận thấy Điện Biên Phủ là một đề tài hấp dẫn. Người Pháp cũng đặt câu hỏi về chiến lược của Quân đội Việt Nam bấy giờ, nghi ngờ về quyết định chon thung lũng Điện Biên Phủ làm nơi căn cứ địa của tướng Navarre”.

Góc nhìn của một nhà sử học Pháp về trận chiến Điện Biên Phủ - ảnh 3Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tặng cuốn sách đã được dịch và xuất bản cho tác giả Ivan Cadeau. 

Cuốn sách về Điện Biên Phủ của Ivan Cadeau miêu tả khá chi tiết  những gì xảy ra trong nội bộ của Ban tham mưu quân đội Pháp bấy giờ, diễn biến các trận đánh từ ngày 13/3 đến 7/5/1954 khi pháo binh Việt mở màn bắn chi viện tiến công đồi Him Lam, chiến dịch tiến công các cứ điểm phía đông như E, D1, D2, sân bay Mường Thanh và đợt tiến công cuối cùng tại các cứ điểm C1, C2, A1..đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu giương cờ trắng đầu hàng quân đội Việt Nam. Dưới góc nhìn của một nhà sử học, Tiến sĩ Ivan Cadeau nhận định, trận chiến Điện Biên Phủ là thất bại không thể phủ nhận của quân đội Pháp trước một đối thủ dũng cảm, phải hi sinh rất nhiều xương máu để chiến thắng.

Có nhiều yếu tố làm nên chiến thắng này. Sự tài tình của chính phủ Việt Nam là biết tận dụng và huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của toàn dân và toàn quân. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây vai trò của lực lượng công binh và pháo phòng không hạng nặng phá hủy đường băng, cắt đứt tuyến đường tiếp viện của quân đội Pháp cho Điện Biên Phủ. Lý do thứ 2 là Bộ tham mưu của Việt Minh rất có chiến lược co giãn lĩnh hoat trong mỗi đòn tiến công khiến phía Pháp không thể đoán định. Một điểm nữa dù bị hạn chế về vũ khí, khí tài quân sự quân đội Việt Nam sử dụng chúng rất hiệu quả. Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là nghệ thuật kinh điển của quân sự thế giới’. Ông Ivan Cadeau nói,

Theo tiến sĩ Ivan Cadeau, quyết đinh sáng suốt và khó khăn của tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam là chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc” nhằm vô hiệu hóa 3 cứ điểm chính ở phía Bắc. Đó là thành tố quyết định làm nên một trận Điện Biên Phủ lẫy lừng: “Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ đạo tài tình của tướng Giáp còn có chiến lược vô cùng thông minh khi quyết định quốc tế hóa cuộc chiến tranh khi chuyển hướng tiến công sang Lai Châu và Lào. Như thế sẽ phân tán lực lượng của Pháp đi nhiều địa điểm khác nhau. Trong khi lực lượng của Pháp bị phân tán như vậy thì quân đội tướng Giáp sẽ thực hiện hành động theo các chiến lược vô cùng linh hoạt của tướng Giáp".

Góc nhìn của một nhà sử học Pháp về trận chiến Điện Biên Phủ - ảnh 4Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. - Ảnh tư liệu lịch sử 

Với quân đội Pháp, chiến dịch Điện Biên Phủ thật sự là một tấn bi kich theo đúng nghĩa không chỉ đối với các tướng lĩnh mà với toàn bộ những binh lĩnh Pháp trú ẩn trong những căn hầm đào sâu, được đặt tên của những người phụ nữ đẹp. Từ những số liệu phân tích, lời thoại các nhân vật, tác giả cho thấy, mối bất hòa trong nội bộ các tướng lĩnh Pháp, sai lầm trong chuẩn bị, chỉ huy chiến dịch các cấp…là những nguyên nhân dẫn đến thảm bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, từ đó đẩy nhanh việc chấm dứt chiến tranh Đông Dương, tạo nên một bước ngoặt vĩ đại cho lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết ở Geneve, Thụy Sĩ vào ngày 21/07/1954 về lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia…

Trận chiến Điện Biên Phủ nay đã lùi xa theo thời gian nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị đối với không chỉ dân tộc Việt Nam mà cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Sự kiện xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc trong thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công đập tan hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

      Vài nét về tác giả Ivan Cadeau

Ivan Cadeau - là sĩ quan và nhà sử học chuyên nghiên cứu chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương. Ông là tiến sĩ lịch sử, đồng thời là sĩ quan và giảng dạy ở nhiều đơn vị thuộc Bộ binh, được phân công công tác tại Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp. Ông là Phó tổng biên tập Tạp chí Lịch sử quân đội. Ivan Cadeau bảo vệ luận án về vũ khí của công binh trong chiến tranh Đông Dương. Ông chủ trì cuốn sách chung về Tiểu đoàn Pháp thuộc Liên hợp quốc ở Triều Tiên (2010). Ông cũng là tác giả cuốn sách về Điện Biên Phủ (2013), Chiến tranh Triều Tiên (2013) và Chiến tranh Đông Dương (2015).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu