Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính ở Tây Nguyên

Hoàng Hiền
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2019, Nghi  lễ thực hành Then của người Tày, Nùng của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát Then – đàn Tính không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bàoTày- Nùng ở phía Bắc. Khi đồng bào Tày, Nùng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang hay tỉnh Tuyên Quang đến lập nghiệp ở vùng đất mới, họ luôn mang theo phong tục tập quán quê mình. Do vậy, những câu lạc bộ hát Then - đàn Tính ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Câu lạc bộ Hát Then – đàn Tính ở Tây Nguyên ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên như một địa chỉ kết nối tâm hồn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng xa quê.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 

Được thành lập từ năm 2013 với 13 thành viên ở đủ lứa tuổi, đến nay Câu lạc bộ ngày càng đông thành viên tham gia. Họ là những người Tày, Nùng ở các tỉnh miền Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn... vào tỉnh Đắc Lắk xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 80-90 của thế kỉ trước. Nỗi nhớ quê hương đã khiến họ tìm đến với nhau, cùng cất vang câu sli, lượn, phong slư, lời then, đàn tính để vơi đi nỗi buồn. Từ đó, câu lạc bộ ra đời. Theo định kỳ, các thành viên Câu lạc bộ đàn tính Tây Nguyên đều gặp gỡ, tập luyện hát ca.

  Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính ở Tây Nguyên - ảnh 1CLB hát Then đàn Tính của bà con dân tộc Tày, Nùng định cư ở Tây Nguyên. Ảnh HH 

Ông Hoàng Văn Thành, dân tộc Nùng, nguyên quán ở xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, vào Tây Nguyên sống với các con đã lâu. Dù năm nay đã 76 tuổi, nhưng đều đặn tháng nào ông cũng tự đi xe máy vượt quãng đường dài từ huyện Cư Kuin (Chư Quynh) đến Buôn Mê Thuột, sinh hoạt trong câu lạc bộ. Trước đó năm 2017, ông mới tìm học hát then đàn tính.

"Bác đã già, là người Tày Nùng mà không biết chơi đàn tính là không được. Bác quyết định mua đàn tính về tập. Tập 2- 3 năm đã đánh đàn được. Nhưng bác mê nhất là mảng đặt lời mới về nơi ở, cộng đồng. Riêng những bài chất lượng cũng tầm 5-6 bài. Phần lớn nói về tình cảm Việt Bắc- Tây Nguyên gắn kết qua các cuộc kháng chiến đến những năm xây dựng cuộc sống mới."

Tây Nguyên có gần 50 ngàn người Tày, người Nùng sinh sống và làm việc. Phong trào hát then, đàn tính ở vùng đất bazan nắng gió vì thế phát triển rất mạnh mẽ bằng việc ra đời các câu lạc bộ hát Then – đàn Tính.  Là phó chủ nhiệm Câu lạc bộ, lại là một thanh niên trẻ đam mê hát then, đàn tính, anh  Đàm Đức Chính không khỏi trăn trở: "Câu lạc bộ Then tính Buôn Mê Thuột vì mới thành lập nên khó khăn nhất là ở rất xa, việc sưu tầm Then cổ chưa được nhiều. Thứ hai là thế hệ trẻ biết ít về then tính, về văn hóa của dân tộc Tày, Nùng chúng ta, việc truyền dạy gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch giảng dạy cho thanh thiếu niên nắm được, học được, bảo tồn và phát huy văn hóa Tày Nùng ở khu vực Tây Nguyên."

  Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính ở Tây Nguyên - ảnh 2 Thành viên Câu Lạc bộ Then Tính Tây Nguyên chủ yếu là người Tày Nùng các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp

Được Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Buôn Mê Thuột quan tâm, giúp đỡ, Câu lạc bộ càng ngày càng có nhiều hội viên tham gia. Trong Câu lạc bộ, có nghệ nhân biết chế tác đàn tính, có người làm thầy then, pựt, người am hiểu về nhạc chép ra cho các thành viên cùng học... Đều đặn mỗi tháng một lần, các thành viên từ già đến trẻ đều tập trung về Buôn Mê Thuột để sinh hoạt, cùng nhau tập một bài then mới, hỏi han nhau chuyện làm ăn, thăm người ốm đau, hoạn nạn, ..., lập fanpage mang tên: "Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính Buôn Ma Thuột" không chỉ giúp các hội viên nắm được tin tức thời sự, lịch sinh hoạt mà còn dễ dàng giao lưu, trao đổi, học hỏi, kết nối với các nhóm Tày Nùng khác ở dưới thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và ngoài Bắc.

Cô Luân Thị Liên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then, trung tâm văn hóa thể thao và du lịch thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắc Lắk chia sẻ: "Đàn tính hát then của chúng ta làm thế nào cho mãi vang khắp đại ngàn Tây Nguyên, Đắc Lắk. Chúng tôi mong nghệ thuật then ở Việt Bắc sánh vai với cồng chiêng Ê Đê trong những ngày lễ hội. Bây giờ xa quê, chúng tôi cũng mong các cấp quan tâm để gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc."

Năm 2019, Nghi  lễ thực hành Then của người Tày, Nùng của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một tin vui cho văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, phía sau những mừng vui và tự hào vẫn thấp thoáng có những nỗi lo với câu hỏi: Phải làm gì, làm như thế nào để di sản Thực hành Then thực sự được bảo tồn và phát huy giá trị, đúng với tầm vóc di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?

Cùng với cộng đồng Tày, Nùng trong cả nước, thầm lặng và say mê, các thành viên Câu lạc bộ Then tính Buôn Mê Thuột  đã và đang góp phần tích cực bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng của họ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu