Cán bộ, nhân dân huyện đảo Trường Sa làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Với vị trí quan trọng nằm trên tuyến đường biển của thế giới đi qua Biển Đông, vùng biển xung quanh huyện đảoTrường Sa, tỉnh Khánh Hòa, có lưu lượng tàu thuyền đi qua rất lớn.

(VOV5) - Với vị trí quan trọng nằm trên tuyến đường biển của thế giới đi qua Biển Đông, vùng biển xung quanh huyện đảoTrường Sa, tỉnh Khánh Hòa, có lưu lượng tàu thuyền đi qua rất lớn. Đây còn là vùng biển đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam. Để hỗ trợ, ứng cứu, giúp đỡ cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, lực lượng cứu hộ cứu nạn tại vùng biển quần đảo Trường Sa đã được thành lập trên các đảo. 

Nghe âm thanh tại đây:


Những ngày đầu năm 2016, Bệnh xá Thị trấn Trường Sa đang điều trị cho 3 ngư dân bị các bệnh đau ruột thừa, đau ổ bụng. Ông Trần Văn Nhàn, ngư dân làm việc trên tàu cá của Quảng Ngãi, cho biết: sau hơn 1 tháng đánh bắt trên biển, ông bị đau bụng và được lực lượng cứu hộ đưa vào đảo để cấp cứu, các bác sỹ đã xác định ông bị đau ruột thừa cấp tính và đã được đưa vào rất kịp thời. Đến nay, sau khi mổ 1 tuần ông đã có thể đi lại được. Đang nằm điều trị tại Bệnh xá Thị trấn Trường Sa, anh Trần Ngọc Quang, 32 tuổi, quê Nghệ An, cho biết: Đang trong chuyến đi đánh bắt xa bờ cùng tàu, anh bị đau bụng dữ dội và ngay lập tức thuyền của anh đã phát tín hiệu cầu cứu. Nhận được tín hiệu, cán bộ của trạm cứu hộ cứu nạn Trường Sa đã điều tàu ra cấp cứu, đưa anh Quang về bệnh xá của đảo. Sau hơn hai giờ phẫu thuật, ca mổ ổ bụng đã thành công, đến nay sức khỏe anh Quang dần hồi phục.Sau thời gian điều trị sức khỏe của tôi đã bình thường. Đội ngũ bá sỹ ở đây tận tình. Tôi vẫn được truyền và uống thuốc đầy đủ hằng ngày. Tôi không phải mất một chi phí nào.


Cán bộ, nhân dân huyện đảo Trường Sa làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn  - ảnh 1
Ảnh minh họa. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)



Hiện ở thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, luôn có một lực lượng trực sẵn sàng để tiến hành công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Những trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển, đau ốm phát tín hiệu cầu cứu đều được các cán bộ trong trạm ứng cứu kịp thời vào đảo để điều trị. Thượng úy Trần Đức Thuận, Trạm cứu hộ cứu nạn Trường Sa, cho biết: Các cán bộ chiến sỹ tại trạm tổ chức trực ca cả ngày lẫn đêm với 3 kíp. Trạm sẽ tiếp nhận tất cả các thông tin yêu cầu trợ giúp trên biển để từ đó hỗ trợ kịp thời cho ngư dân và những người gặp nạn trên biển: Thuyền viên tàu đánh cá trong nước hay các tàu thuyền nước ngoài đi qua quần đảo Trường Sa gặp nạn, đánh tín hiệu cấp cứ thì chúng tôi luôn sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Từ năm 2006 thì thành lập các điểm cứu hộ cứu nạn ở khu vực Đông Nam Á thì đây cũng là một điểm tham gia. 

Chỉ tính riêng trong năm 2015, các lực lượng của Thị trấn Trường Sa đã cứu và chăm sóc cho 535 lượt người gặp nạn trên biển, đây là một con số vô cùng ấn tượng với điều kiện còn gặp nhiều khó khăn của Thị trấn nằm giữa khơi xa. Ông Nguyên Văn Tuấn, lãnh đạo Thị trấn Trường Sa, cho biết: Công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển luôn được coi là trọng tâm trong công tác của các cán bộ chiến sỹ trên đảo. Điều này nhằm đảm bảo cho ngư dân Việt Nam yên tâm vươn khơi bám biển và đảm báo cho sự an toàn của tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông:  Hàng năm vùng biển đảo phụ trách quản lý lượng tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân đánh bắt rất đông. Do thời tiết phức tạp bà con thường gặp một số bất trắc về sức khỏe, máy móc đều được hỗ trợ kịp thời. Trong năm vừa qua chúng tôi đã cứu giúp rất nhiều trường hợp, chúng tôi đã kịp thời cứu giúp một ngư dân ở bình định bị thương ở tay do bị lưới kéo cắt.


Cán bộ, nhân dân huyện đảo Trường Sa làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn  - ảnh 2
Đảo Đá Tây. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)



Dù điều kiện làm gặp nhiều khó khăn, các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên Thị trấn đảo Trường Sa vẫn luôn xác định nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn ngư dân và các tàu đi biển là nhiệm vụ ưu tiên. Thượng úy Trần Ngọc Thuận, Trạm cứu hộ cứu nạn đảo Trường Sa, chia sẻ:  Hạ xuồng xuống biển, nhìn con sóng lúc đấy dù lớn như thế nào, chúng tôi chỉ nghĩ đến cứu người, chứ không còn nghĩ đến các vấn đề khác của bản thân về sức khỏe hay về kinh tế nữa.

Trong gần 10 năm qua, Thị trấn Trường Sa luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị tốt phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Tất cả các cán bộ chiến sỹ trong Trung tâm cứu nạn của đảo đều được đào tạo có trình độ từ trung cấp hàng hải trở lên, cùng kinh nghiệm đi biển với tinh thần "thương người như thể thương thân".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu