Cảm hứng nữ quyền trong tranh Nguyễn Thế Hùng

Nguyễn Yến/CTV
Chia sẻ
(VOV5) - Triển lãm cá nhân “Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây" của hoạ sĩ Nguyễn Thế Hùng đang diễn ra  tại Ánh Dương Art Space - sảnh chính toà nhà CLB Golf Long Biên.

25 bức tranh sơn mài trên toan giới thiệu đến công chúng lần này được vẽ trong vòng hai năm qua tập trung vào giới nữ. Đó là  những người phụ nữ chủ động và đầy tự tin với sắc đẹp và tuổi trẻ, luôn thấy mình đâu đó trung tâm trong thế giới công nghệ, thế giới thời trang.

Cảm hứng nữ quyền trong tranh Nguyễn Thế Hùng - ảnh 1Những lát cắt giả tưởng tạo nhiều lớp không gian cho tác phẩm

Tại triển lãm, giám tuyển nghệ thuật Dương Thu Hằng cho rằng: “Sự kiện lần này là một trong những sự kiện chúng tôi giới thiệu chân dung tác giả và tác phẩm. Đó thật sự là sự cố gắng rất lớn của Nguyễn Thế Hùng để có được 25 tác phẩm lớn như thế này, để chuẩn bị cho sự kiện giới thiệu chặng đường nghệ thuật hơn 15 năm của mình, vật vã lặn lội trong công việc sáng tạo nghệ thuật của mình. 15 năm ấy Thế Hùng đã đi một chặng đường rất dài, có rất nhiều triển lãm nhóm đến các cuộc triển lãm cá nhân trong nước và quốc tế. Phải nói rằng, đây là một người nghệ sĩ rất nghiêm túc với tất cả những câu chuyện nghệ thuật của mình”.

Những bức tranh của hoạ sĩ Nguyễn Thế Hùng vừa vị nghệ thuật, vừa thấm đẫm vị nhân sinh. Mỗi tác phẩm là một thế giới nhỏ có sự xuất hiện của các nhân vật khác nhau và thầm thì những câu chuyện riêng. Đứng giữa triển lãm - thế giới lớn bao chứa những câu chuyện và hình bóng ấy, người xem được chu du trong không gian siêu thực giữa cái cũ và cái mới, đâu đó có sự chênh vênh và xung đột giữa những ý niệm lịch sử truyền thống và hiện đại.
Cảm hứng nữ quyền trong tranh Nguyễn Thế Hùng - ảnh 225 bức tranh khổ lớn được trưng bày tại Ánh Dương Art Space

Chọn sáng tạo trên chất liệu sơn mài trên toan - một kỹ thuật mới lạ có ít nghệ sĩ thực hành, đây cũng là chất liệu Nguyễn Thế Hùng gắn bó hơn 10 năm qua. Anh chia sẻ: “Trong triển lãm này, tôi muốn đưa ra một cách tiếp cận khác đối với sơn mài truyền thống, bằng cách sử dụng sơn mài trên canvas thay vì sử dụng trên mặt gỗ trước kia. Ngay về chuyện về cân nặng, vóc khá nặng nên khi di chuyển sẽ rất vất vả. Tôi cũng đi một số nơi, được biết là sơn mài trên vóc bảo quản khá khó khi thay đổi nhiệt độ không khí, nhất là những nơi khí hậu khô chẳng hạn. Tôi sử dụng chất liệu này gần 10 năm nay, tôi thấy khá phù hợp và ổn định với cách vẽ của tôi”.

Trong giới hội hoạ, sơn mài thường được nhắc tới với sự cứng cáp của tấm vóc đen bóng kết hợp mài khắc tỉ mỉ vỏ trai, vỏ sò, ... và sử dụng các vật liệu truyền thống như sơn then, sơn cánh gián sắc đậm làm chất kết dính. Với thể nghiệm mới bằng sơn mài trên toan, vẻ đẹp có phần thô cứng và góc cạnh của sơn mài truyền thống lại trở nên uyển chuyển và mềm mại trong tranh Nguyễn Thế Hùng.  

Cảm hứng nữ quyền trong tranh Nguyễn Thế Hùng - ảnh 3 Các nhân vật nữ xuất hiện ở vị trí trung tâm mạnh mẽ và hiện đại

Nguyễn Thế Hùng sử dụng các lát cắt giả tưởng, đan chồng để tạo nên nhiều lớp không gian, thời gian cho nhân vật của mình. Anh chia sẻ: “Phần lớn hoa văn tôi sử dụng trong series tranh lần này lấy từ hoa văn cổ ở hai đền Vua Đinh - Vua Lê, Ninh Bình. Những lớp màu trong tranh của tôi giống như những lá cắt về nội tâm con người hiện đại, giằng xé giữa cái cũ và cái mới, giữa cái truyền thống và hiện đại”.

“Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây" thấp thoáng kiến trúc và những nét chạm trổ, gác mái và đình đền của các triều đại đã chứng kiến thăng trầm suốt hàng trăm, hàng ngàn năm lịch sử. Đó là rồng phượng, là thành quách, những bức đại tự, sơn son thếp vàng và nhiều nét hoa văn cổ kính không kém phần tráng lệ và huyền ảo. Những đám mây ngũ sắc của thế giới tâm linh cổ xưa bồng bềnh, thấp thoáng trong hầu hết trong bộ tranh lần này của Nguyễn Thế Hùng. Đây cũng là hình ảnh thường thấy trong các tác phẩm của anh nhiều năm trở lại đây.

Sau lớp hoạ tiết cổ kính, hình ảnh những người đàn bà trẻ xuất hiện ở vị trí trung tâm như sợi dây kết nối thế giới tinh thần của quá khứ và những mảnh linh hồn vật chất của thời hiện đại. Sự kết hợp hoạ tiết cổ với các nhân vật ở cuộc sống đương thời là sự phản ánh xã hội qua góc nhìn của hoạ sĩ, anh nhìn thấy sự hoà nhập nhưng cũng có những xung đột liên tục giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Anh bộc lộ góc nhìn đó qua các sáng tác của mình để bày tỏ sự trăn trở về các giá trị văn hoá, xã hội, đạo đức, nghệ thuật và tính kế thừa giá trị nghìn năm từ quá khứ của tổ tiên, ông bà.

Cảm hứng nữ quyền trong tranh Nguyễn Thế Hùng - ảnh 4 Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng bên các tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Lấy hình ảnh trung tâm là những người phụ nữ, Nguyễn Thế Hùng cũng canh cánh dòng suy nghĩ về nữ quyền. Các nhân vật nữ trong bộ tác phẩm quyến rũ, mạnh mẽ, táo bạo và có phần khiêu khích, thể hiện sự trân trọng đối với phái nữ. Sự hiện diện đặc biệt của những nhân vật ấy đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện đại.

Theo chia sẻ của tác giả, anh bị thu hút bởi thế giới của những người phụ nữ hiện đại biểu trưng cho sự đổi mới và đầy tự tin nhưng cũng bị giằng xé với một thế giới khác nơi đã gắn bó với bề dày hàng nghìn năm mang màu sắc thần thoại và cổ kính. Cả hai thế giới mới và cũ đều mang tới những giá trị riêng và xứng đáng được trân trọng, nâng niu. Hai thế giới đan xen trong các tác phẩm của anh có cái mới, có cái cũ, có cái mới bên trong cái cũ, cũng có cái cũ bên trong cái mới. Và “Xin hãy nhẹ tay" cho tất cả, những cái chạm dịu dàng vào quá khứ, những cái nhìn đầy thấu hiểu cho người vật chất của chúng ta. Triển lãm sẽ diễn ra đến ngày 12/7/2023.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu