Bí ẩn nữ tính và những vấn đề luôn mới về nữ quyền

Thanh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan - được coi như một bản tuyên ngôn, đặt nền tảng cho phong trào phụ nữ Hoa Kỳ, từ đó lan rộng thành phong trào phụ nữ quốc tế

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Phương Hằng:

Năm 2016, dịch giả Nguyễn Vân Hà đoạt Giải sách hay mục Phát hiện mới với tác phẩm Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan.

Nếu có danh sách những cuốn sách quan trọng nhất thế kỷ 20, thì Bí ẩn nữ tính hẳn có mặt trong danh sách này. Đây một cuốn sách mang tính bước ngoặt của nhà nữ quyền Betty Friedan xuất bản năm 1963 mô tả sự bất mãn lan rộng của phụ nữ trong xã hội chính thống của Mỹ thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, khám phá nguyên nhân của sự thất vọng của phụ nữ hiện đại trong vai trò truyền thống.

Bí ẩn nữ tính và những vấn đề luôn mới về nữ quyền - ảnh 1Quang cảnh buổi hội thảo về cuốn sách "Bí ẩn nữ tính"

NXB Phụ nữ đã tổ chức cuộc tọa đàm về những nội dung đáng chú ý của tác phẩm mang tính cách mạng về tư tưởng này, nhân dịp tái bản cuốn sách với những sửa chữa thuật ngữ chuẩn xác hơn của dịch giả.

Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan - một cuốn sách được coi là quan trọng nhất của thế kỷ XX - đã phanh phui vị thế của phụ nữ trong xã hội Hoa Kỳ sau Đại chiến thế giới II để chỉ ra rằng, đằng sau cái đam mê kiêu hãnh được đóng vai trò “nội trợ” phục vụ chồng con của phụ nữ Mỹ đương thời là một thực trạng “Phụ nữ bị bán đi trí tuệ và tham vọng của mình bằng cái giá nhỏ mọn của một chiếc máy giặt mới”.

Khi Bí ẩn nữ tính xuất hiện vào năm 1963, cuốn sách tạo ra phản ứng dữ dội đến nỗi Friedan sau đó viết thêm một cuốn khác về những điều phụ nữ bàn với bà về nó (cuốn Nó thay đổi cuộc đời tôi). 

Nói về cuốn sách,  Giám đốc - Tổng biên tập NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng cho biết: "Là một người phương Đông. tôi thấy dù cuốn sách được viết đã cách mấy chục năm, nhưng tất cả những vấn đề của nó đặt ra đầu thế kỷ thì đến bây giờ ở thế kỷ 21 vẫn còn nguyên giá trị."

Tác giả đặt ra thuật ngữ thần bí nữ tính để mô tả giả định của xã hội rằng phụ nữ có thể tìm thấy sự thỏa mãn thông qua việc vui vẻ làm bà nội trợ, kết hôn, thụ động tình dục và xem việc nuôi con là thiên chức và bổn phận của riêng người phụ nữ. Theo tác giả, khái niệm “bí ẩn nữ tính” đã được người Mỹ tạo ra và duy trì bằng sách, báo, tivi và các chuẩn mực giá trị thời thượng liên quan đến “tổ ấm gia đình”, để bóp nặn cuộc đời người phụ nữ, tạo ra niềm tin rằng những bất công thiệt thòi mà họ đang chịu đựng là gắn liền với ý đồ sáng tạo đầy bí ẩn của Thượng đế chứ không phải do tiến trình lịch sử xã hội tạo ra.

Dịch giả Nguyễn Vân Hà cho biết, cô đọc và dịch cuốn này khi còn cùng gia đình học tập và làm việc ở nước ngoài: "Với cuốn này tôi cảm thấy giống như tác giả nói thay nỗi lòng của người phụ nữ, và tôi gặp được một tiếng nói đồng cảm. Lúc đó tôi cũng đã ở nước ngoài được hai năm, tôi dịch rồi về nước dịch tiếp cho đến đầu năm 2015 giao bản thảo. Trong quá trình dịch tôi có gặp một số khó khăn, chẳng hạn như những thuật ngữ liên ngành. Vì đây là một nghiên cứu không chỉ về giới mà tác giả  còn là thạc sĩ về xã hội học. Bà trình bày cuốn này gần giống như một luận án: có đặt vấn đề, có lịch sử vấn đề, có những vấn đề đang tồn tại nhìn từ khía cạnh nhiều ngành, trong đó có các ngành như kinh tế marketing, văn hóa, tâm lý học.

Bí ẩn nữ tính và những vấn đề luôn mới về nữ quyền - ảnh 2

Ngay từ khi mới ra đời, cuốn sách đã ngay lập tức trở thành một cuốn sách bán chạy gây tranh cãi và được dịch ra một số thứ tiếng nước ngoài. Tiêu đề của nó là một thuật ngữ mà tác giả đặt ra để mô tả “vấn đề không có tên” - nghĩa là, cảm giác vô giá trị cá nhân do việc chấp nhận một vai trò được chỉ định đòi hỏi sự phụ thuộc về trí tuệ, kinh tế và tình cảm của người phụ nữ vào chồng mình.

Cuốn sách Bí ẩn nữ tính ra đời đã làm dấy lên làn sóng thứ hai của phong trào nữ quyền Mỹ trong thế kỷ 20 và được xem như một bản tuyên ngôn, đặt nền tảng cho phong trào phụ nữ Hoa Kỳ, từ đó lan rộng thành phong trào phụ nữ quốc tế.

Và dịch giả, cũng như bạn đọc nhận ra qua cuốn sách, đó là trong sự đấu tranh cho vấn đề nữ quyền, không thể và không nên phủ định vai trò của nam giới. Bởi nữ quyền hay nam quyền cuối cùng cũng đi tới một mục đích quan trọng nhất là nhân quyền. Dịch giả Nguyễn Vân Hà khẳng định: "Trong cuốn này tác giả nêu rõ là phải có sự tranh đấu của đàn ông, phải có sự ủng hộ của nam giới. Và đàn ông là đối tác chứ không phải đối địch."

T.S Hồ Khánh Vân , Phó trưởng Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh nhận xét: "Chúng ta thấy phong trào nữ quyền luôn luôn cần có sự ủng hộ của những người đàn ông. Cũng như hình ảnh đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam chúng ta, nếu không có sự xuất hiện của những Phan Khôi, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, không có Nguyễn Văn Vĩnh, thì phong trào nữ quyền, tư tưởng nữ quyền cũng có thể đến với chúng ta ở một bước chậm hơn."

Dịch giả Nguyễn Thị Minh nhận xét: "Cuốn sách này rất quan trọng, rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam có rất nhiều người phụ nữ đi làm nhưng thực sự chưa có nhiều những người phụ nữ quan tâm đến những vấn đề khác ngoài chuyện bếp núc, gia đình, con cái. Trong khi đó từ góc nhìn của tác giả thì đó là một sự lãng phí rất lớn tài nguyên của quốc gia. Tôi nghĩ có thể sẽ có rất nhiều người đồng cảm với điều này và biết đâu đọc cuốn sách sẽ cảm thấy có điều gì đó thôi thúc họ . Và kể cả là người nam nữa.

Nhiều người hiểu nhầm nữ quyền là chống lại nam giới. Thực ra bản thân những người phụ nữ cũng có rất nhiều những quan niệm chống lại nữ giới, chống lại chính giới của mình. Cho nên nữ quyền không phải là chống lại nam giới, nữ quyền chỉ phê phán những quan niệm bất bình đẳng về giới. Cho nên nữ quyền cuối cùng đó là quyền của con người . Và tác phẩm chia sẻ góc nhìn, của tác giả, đó là góc nhìn đối thoại, hòa bình, mặc dù khi cần phải quyết liệt thì cũng quyết liệt lắm, nên đã gây ra cả một cuộc cách mạng,tạo nên rất nhiều những tổ chức giải phóng cho phụ nữ, thậm chí vận động những thay đổi trong luật của Quốc hội

Bí ẩn nữ tính là một trong nhiều “chất xúc tác” cho phong trào nữ quyền làn sóng thứ hai (những năm 1960 - 80). Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, những sai sót của nó đã được xác định rõ ràng. Nói rộng ra, các lập luận của tác giả còn thiếu sót và ít xác đáng hơn, còn phiến diện, bởi vì số phụ nữ tham gia lực lượng lao động nhiều gấp đôi so với những năm 1950. Hơn nữa, các nhà nữ quyền da màu cho thấy những tuyên ngôn của Frieden vẫn mang tính vừa phân biệt chủng tộc vừa phân biệt giai cấp,

Mặc dù nhận được nhiều chỉ trích, không thể phủ nhận giá trị thức tỉnh mà cuốn sách mang lại khiến nhiều phụ nữ suy nghĩ về vai trò và bản sắc của họ trong xã hội. Kể từ lần xuất bản đầu tiên, nó đã được phát hành lại nhiều lần với những bổ sung mới từ Friedan và các nhà văn và học giả nữ quyền khác, cung cấp thêm bối cảnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu